Đến ngày 23/1/2021, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện trên 237 con trâu, bò của các hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh và có dấu hiệu không thuyên giảm. Đây là lần đầu tiên ở khu vực này xuất hiện loại bệnh trên. Theo phản ánh của các hộ chăn nuôi, qua hàng chục năm chăn nuôi trâu bò, chưa bao giờ thấy đàn gia súc có biểu hiện bệnh như thế; nên bà con đã tự điều trị bằng thuốc tím và các loại thuốc trợ sức, trợ lực; nhưng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 3 (thuộc Cục Thú y), các mẫu bệnh phẩm được lấy trên các con bò của người chăn nuôi ở Mai Phụ mắc bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.
Sau Lộc Hà, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lần lượt xuất hiện ở Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc… Thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa bàn "nóng" của tỉnh về dịch bệnh viêm da nổi cục. Các ổ dịch đang lây lan trên quy mô rộng hơn, số lượng trâu bò nhiễm bệnh tăng liên tục. Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 10 xã, thị trấn gồm Cẩm Mỹ, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, thị trấn Cẩm Xuyên, Yên Hòa, Cẩm Lộc, Cẩm Vịnh, Nam Phúc Thăng, Cẩm Duệ, Cẩm Quan.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục, qua theo dõi nhận thấy, diễn biến bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại địa bàn tỉnh khá phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, tỷ lệ chết khá cao (tỷ lệ chết chiếm 7% tổng số gia súc mắc bệnh), nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan trong thời gian tới rất cao.
Điều kiện chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi đa số ẩm thấp, khó áp dụng triệt để các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, là điều kiện để virus lưu giữ, phát triển trong môi trường và lây nhiễm nhanh thời gian qua.
Sau chưa đầy hai tháng, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã lan rộng ra 91 thôn ở 34 xã, tại tám huyện, TP, TX, với gần 600 con gia súc mắc bệnh, trong đó đã chết và tiêu hủy 38 con.
Được biết, hiện tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ NN&PTNT cung cấp vắc xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục để tiêm thử thí điểm cho 5.000 con trâu, bò ở Thạch Hà, Lộc Hà và trang trại bò sữa ở Hương Sơn.
* Cũng tại Hà Tĩnh, mới đây đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau khi ăn bê thui.
Trưa 23/2, anh Nguyễn Thu Lưu (ngụ xã Sơn Lộc) cùng anh Nguyễn Hữu Quyền (ngụ xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) đi làm về. Qua ngã ba Khe Giao (huyện Can Lộc), thấy người dân bán thịt bê thui bên QL15A, anh Lưu mua 1kg, anh Quyền mua 0,5 kg.
Do về nhà muộn, gia đình đã ăn trưa nên hai anh Lưu và Quyền chưa sử dụng đến số thịt bê thui trên. Tối cùng ngày, anh Lưu chia vài lạng thịt bê đem cho ba mẹ con chị gái Nguyễn Thị Lâm sống cùng thôn Khánh Sơn (xã Sơn Lộc), số còn lại 5 người trong gia đình ăn. Anh Quyền cũng đưa 0,5 kg thịt bê ra ăn cùng với 5 người trong gia đình.
Tối 23 đến sáng 24/2, 8 người trong gia đình anh Lưu và chị Lâm xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, một số người bị sốt, phải tới Trạm Y tế xã thăm khám. Tối 25/2, ghi nhận thêm 4 người trong gia đình anh Quyền gặp triệu chứng tương tự sau khi ăn thịt bê thui, phải tới Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà điều trị. Tổng số bệnh nhân là 12.
Trong 12 bệnh nhân, 6 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, 3 người ở Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà, còn lại theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngoài một bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh diễn biến nặng, những trường hợp khác đều giảm sốt và tiêu chảy, đã tỉnh táo, sức khỏe dần ổn định.
Cơ quan chuyên môn sau đó xác định, 12 người ở huyện Can Lộc "không phải ngộ độc hóa chất mà do vi khuẩn chứa trong thịt bê thui". Trả lời báo chí, ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh ngày 26/2 cho biết mẫu thực phẩm các bệnh nhân đã ăn hết nên không có để xét nghiệm, song qua xem xét triệu chứng lâm sàng, cán bộ y tế đã xác định được nguyên nhân.
"Hai người đàn ông mua thịt bê thui buổi trưa, đến tối mới lấy ra ăn mà không chế biến lại. Việc này khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, vi khuẩn xâm nhập", ông Hùng nói và khuyến cáo người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nếu đã chế biến rồi thì nên nấu lại trước ăn, đề phòng sự cố.