Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào hồi 10h ngày 25/10, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Lực lượng công nhân cảng cá Cửa Sót huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh sắp xếp cho tàu cá vào neo đậu tránh trú bão. |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 10h ngày 26/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Lào-Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh; vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Người dân vùng ven biển Lộc Hà làm bao cát gia cố đê kè, cũng như chèn nhà cửa đối phó với bão số 8. |
Để đối phó với bão số 8, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với các địa phương ven biển đã thông tin cho các tàu thuyền đang đánh cá ngoài khơi nhanh chóng về nơi tránh trú an toàn.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, đến sáng 25/10, gần 4.000 tàu cá hoạt động trên biển của ngư dân Hà Tĩnh đã nhận được thông tin và đã vào các điểm trú ẩn.
Bão số 8 được dự báo có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm từ các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Vì vậy tỉnh Hà Tĩnh ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương lên phương án ứng phó, sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, các khu nuôi trồng thủy sản, tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các huyện ven biển lên phương án sơ tán người dân từ khu vực ven biển, cửa sông nơi thấp trũng đến nơi an toàn. Các huyện miền núi lên phương án sơ tán dân ở những điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.