Hai bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch thoát cửa tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chứng kiến người mắc COVID-19 "thoát cửa tử thần", hồi phục hơn hàng ngày, đội ngũ y, bác sỹ được tiếp thêm động lực, thêm vững tin để kiên cường "chiến đấu"  nơi tuyến đầu.
BCCKI. Vũ Thành Long hỏi thăm sức khỏe người bệnh Nguyễn Cẩm T tại phòng chờ ra viện.
BCCKI. Vũ Thành Long hỏi thăm sức khỏe người bệnh Nguyễn Cẩm T tại phòng chờ ra viện.

Được sống thêm lần nữa

Mới đây, sự hồi sinh diệu kỳ của 2 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, từng thở máy xâm nhập, đã tiếp thêm nghị lực cho cán bộ, nhân viên y tế và các bệnh nhân còn lại.

Dưới sự hỗ trợ tích cực của điều dưỡng Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương tại Long An (Trung tâm, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), người bệnh - sản phụ Nguyễn Cẩm T. (phường Tân An, thành phố Long An) đang tập đi lại sau nhiều ngày nằm trên giường bệnh …

BSCKI. Vũ Thành Long (Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đơn vị tăng cường hỗ trợ Trung tâm) cho biết, sản phụ Cẩm T. được mổ lấy thai tại Bệnh viện sản nhi Long An và điều trị COVID-19. Tuy nhiên, bệnh diễn biến mỗi ngày mỗi nặng, ngày 14/9, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Trung tâm. Tại đây, người bệnh được can thiệp thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và có những chuyển biến thần kỳ.

Trải qua quãng thời gian đầy khó khăn, có lúc bi quan, giờ đây, đôi mắt chị Cẩm T. ánh lên hạnh phúc.

Bệnh nhân Nguyễn Cẩm T tập đi trở lại.Bệnh nhân Nguyễn Cẩm T tập đi trở lại.

Tại phòng chờ ra viện, Cẩm T gọi về gia đình, ngắm nhìn con gái xinh xắn, đáng yêu qua “màn ảnh nhỏ”, giọng chị không giấu được niềm vui.

"Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã được sống thêm một lần nữa. Chỉ biết nói lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các y, bác sỹ, điều dưỡng của Trung tâm vì đã tận tình cứu chữa, chăm sóc để tôi có cơ hội trở về với gia đình, với con gái bé bỏng vừa tròn 1 tháng tuổi”, chị xúc động chia sẻ.

Là một trong những tuyến điều trị bệnh nặng nên y, bác sĩ Trung tâm bất kể ngày đêm đều luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận, đưa vào điều trị bệnh nhân khẩn trương nhất. Từng phòng cấp cứu đều có chuông báo động và các hoạt động được kết nối với trung tâm điều hành qua hệ thống camera. Biến chuyển nào của bệnh nhân đều được kịp thời nắm bắt để có hướng điều trị hợp lý.

Trường hợp thứ 2 may mắn "thoát cửa tử trong gang tấc" là anh Mai Tuấn K (41 tuổi, đến từ Quận Thủ Đức, TP HCM). Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 21 với biểu hiện sốt, ho, khó thở, ngày 19/8, anh K được chuyển tuyến lên Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương tại Long An.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Tuệ (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Chuyển tuyến trong tình trạng suy hô hấp, đáp ứng chậm với máy thở không xâm nhập, bệnh nhân có diễn biến nặng và nguy cơ tử vong rất cao. "Chúng tôi đã tiến hành đặt ống nội khí quản, tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, mở khí quản, thực hiện 5 cuộc lọc máu liên tục kết hợp sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị. Bằng tất cả sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, sau hơn một tháng bệnh nhân đã cai được máy thở, rút được Kanuyn nội khí quản và hiện đang thở oxy kính. Mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua, được chứng kiến sự hồi phục diệu kỳ của người bệnh chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào; bao tâm huyết, nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ đều đã được đền đáp xứng đáng”, Bác sỹ Nguyễn Tiến Tuệ nói.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Tuệ thăm khám chân cho người bệnh Mai Tuấn KBác sỹ Nguyễn Tiến Tuệ thăm khám chân cho người bệnh Mai Tuấn K

Mong ước của người thầy thuốc

Tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương ở Long An, không hiếm cảnh bác sĩ và điều dưỡng thay phiên nhau ép tim ngoài lồng ngực cho các bệnh nhân. Mồ hôi rịn nhòe sau lớp kính bảo hộ. Đầu giường chiếc máy thở đèn đỏ nháy liên tục, tiếng bíp, bíp kêu dồn dập. Sự căng thẳng trong khu điều trị lúc nào cũng cảm giác nghẹt thở.

Đối với y, bác sĩ ở đây, những ngày “chiến đấu” này thật là đáng nhớ. Bởi ca trực nào họ cũng phải đối diện với “tử thần”, nỗ lực đến giây phút cuối cùng với hy vọng níu kéo bệnh nhân ở lại.

Những ngày tham gia điều trị cho người bệnh COVID-19, cùng cách ly với người bệnh là khoảng thời gian đầy cảm xúc của các thầy thuốc. Nơi đây chỉ có bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh; mọi sinh hoạt, hỗ trợ người bệnh đều do nhân viên y tế lo. Họ đã trở thành người thân của nhau, cùng nhau nếm trải vị đắng, nỗi mất mát và những giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc.

Đã 2 tháng trôi qua tại tâm dịch Long An, 158 cán bộ y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến, "vật lộn" với COVID-19. “Chúng tôi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 với tinh thần cao nhất, mong muốn tất cả bệnh nhân đều sẽ được khỏi bệnh. Cũng như nhiều thầy thuốc của cả nước tình nguyện vào tâm dịch, chúng tôi nỗ lực hết sức mình với mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường”, bác sĩ Nguyễn Tiến Tuệ bày tỏ.

Đọc thêm