5 năm qua, phát huy những tiềm năng, lợi thế cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, sáng tạo, quyết liệt, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đã tích cực, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hải Dương đã thực hiện đạt và vượt 16/20 chỉ tiêu mà Đại hội lần thứ XVI đề ra.
Tuy nhiên, không ngủ quên trên những thành quả đã đạt được, Hải Dương vẫn tiếp tục không ngừng vươn lên phát triển ngày càng mạnh mẽ. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Theo đó, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hải Dương tiếp tục chủ động thích ứng với tình trạng “bình thường mới” và tập trung khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19 nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: kiểm soát và phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19, đồng thời sớm hồi phục và lấy lại đà phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tiếp cận nhanh với chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Ngành nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hải Dương đang ngày càng phát triển vượt bậc về tất cả các lĩnh vực. |
Về công nghiệp, Hải Dương sẽ tập trung phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ để tạo bước đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị. Tỉnh sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ của tỉnh.
Lĩnh vực du lịch cũng được Hải Dương chú trọng, tập trung phát triển du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu. Thực hiện tốt công tác thu chi ngân sách, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; đồng thời, huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng đồng bộ, bền vững. Tập trung đầu tư xây dựng các đô thị động lực của tỉnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống; đảm bảo đô thị có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh... để nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của TP Hải Dương; thực hiện nâng cấp và phấn đấu xây dựng các huyện Bình Giang, Nam Sách đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị xã Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025; các huyện: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang trở thành đô thị loại IV, thị xã Kinh Môn trở thành thành phố và thành phố Chí Linh đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2030; nâng cấp các xã có điều kiện kinh tế phát triển trên địa bàn tỉnh trở thành đô thị loại V theo lộ trình phát triển đô thị… để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Các hoạt động về giáo dục và đào tạo tiếp tục được tỉnh thực hiện đổi mới, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chủ động phòng, chống dịch bệnh; quan tâm xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đầu tư cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã; đồng thời, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hành nghề y, dược tư nhân.
Phát huy các giá trị văn hóa và chăm lo xây dựng con người xứ Đông - Hải Dương phát triển toàn diện, trọng tâm, các sở, ban, ngành của Hải Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhằm bồi dưỡng về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển, đạo đức, lối sống và nhân cách, trách nhiệm xã hội; về trí tuệ; về thể lực; từng bước hình thành “công dân điện tử”.
Tỉnh cũng quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; phát triển và hoàn thiện đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần và cải thiện chất lượng, môi trường sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, Hải Dương sẽ tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại, xúc tiến việc thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các địa phương nước ngoài trên cơ sở quan hệ thực chất, hiệu quả. Tỉnh sẽ xây dựng và duy trì mối liên kết phát triển đối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng để khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững...
Kế tiếp những thành tựu nổi bật của nhiều năm trước, Hải Dương đã và đang ngày càng có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội với những cơ cấu các ngành nghề, dịch vụ phát triển đa dạng, hiệu quả, hiện đại... Điều này đã góp phần tạo nên một bước quan trọng trên con đường đưa Hải Dương tới gần đích tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.