Hải Dương quản lý chặt công nhân đến làm việc tại huyện Cẩm Giàng sau Tết Nguyên đán

(PLVN) - Để tăng cường phòng chống dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp thuộc huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) – nơi chiếm tới 50% số khu công nghiệp của tỉnh cùng hơn 60.000 công nhân, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Công an huyện Cẩm Giàng phải quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra, vào, nhất là công nhân trở lại huyện làm việc sau Tết Nguyên đán.
Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương yêu cầu quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra, vào, nhất là công nhân trở lại huyện làm việc sau Tết Nguyên đán.

Huyện Cẩm Giàng đang là một trong 04 ổ dịch lớn của tỉnh Hải Dương với 49 ca nhiễm COVID-19 (tính đến 6 giờ ngày 14/2). Các ca nhiễm tại đây liên quan đến hàng chục quán karaoke, những buổi tiệc và lịch trình di chuyển phức tạp của nhiều bệnh nhân.

Cẩm Giàng có 05 khu công nghiệp lớn, chiếm 50% số khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương, với hơn 60.000 công nhân (dân số trong toàn huyện có hơn 140.000 người). Nếu để xảy ra tình trạng công nhân trong các khu công nghiệp nhiễm bệnh thì tình hình sẽ hết sức phức tạp và hậu quả sẽ khó lường, thậm chí còn gây thiệt hại kinh tế lớn hơn nhiều so với ở khu công nghiệp Cộng Hoà, TP Chí Linh (Hải Dương).

 Huyện Cẩm Giàng đang là một trong 04 ổ dịch lớn của Hải Dương bởi có số lượng doanh nghiệp và công nhân lớn nhất của tỉnh đang làm việc, sinh sống tại đây.

Do vậy, để tăng cường phòng chống dịch đối với các doanh nghiệp thuộc huyện Cẩm Giàng, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Công an huyện, các chốt tỉnh tại đây kể từ 6 giờ ngày 14/2 cho đến khi có chỉ đạo mới áp dụng nghiêm túc, đầy đủ, chặt chẽ biện pháp phong tỏa toàn bộ huyện Cẩm Giàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các chốt thực hiện việc kiểm soát 24/24 giờ theo nguyên tắc chỉ cho phép ra, vào vùng cách ly y tế người, hàng hóa, phương tiện phục vụ việc cách ly, không có trường hợp ngoại lệ.

Phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu vào địa bàn này phải được cấp có thẩm quyền cho phép và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như có giấy bảo lãnh của doanh nghiệp về việc đến giao, nhận hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất; kiểm tra thân nhiệt lái xe, những người đi cùng; trong suốt quá trình từ chốt kiểm dịch đến địa điểm giao, nhận hàng và ngược lại không được dừng, đỗ xe; khi phương tiện đi qua các chốt kiểm soát ra, vào huyện phải được phun khử khuẩn.

Lực lượng chức năng chỉ cho phép công nhân có hộ khẩu thường trú, công nhân ở tỉnh khác đang tạm trú, hiện đang có mặt trong huyện Cẩm Giàng không về quê ăn Tết mới được đi lại, di chuyển từ nơi ở đến các công ty, doanh nghiệp trong địa bàn để làm việc và ngược lại nhưng phải có đầy đủ giấy xác nhận của UBND xã, thị trấn nơi đang thường trú, tạm trú.

 Sau Tết Nguyên đán, số lượng công nhân đi làm lại tại huyện Cẩm Giàng tương đối đông và khá phức tạp cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Những công nhân thuộc diện trên phải được lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng hoặc lấy mẫu xét nghiệm ngay khi đến nhà máy, phân xưởng nơi làm việc. Đặc biệt, chỉ những công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được làm việc. Nếu nhà máy, phân xưởng nào có công nhân dương tính với SARS-CoV-2 sẽ phải dừng sản xuất.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hải Dương sẽ tăng cường thêm 24 cán bộ cảnh sát cơ động cho 4 chốt kiểm dịch trong huyện Cẩm Giàng để kiểm soát người, phương tiện ra, vào, bảo đảm mỗi chốt có 2 cán bộ cảnh sát cơ động/ca làm việc.

Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Công an các huyện, thị xã, thành phố còn lại trong tỉnh tích cực phối hợp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cùng cấp và chỉ đạo lực lượng công an xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách theo dõi và thông báo đến 100% số công nhân làm việc trong các công ty, doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng đã về quê ăn Tết ở lại nơi cư trú, thực hiện các biện pháp cách ly, lấy mẫu xét nghiệm như những trường hợp F2, không trở lại huyện Cẩm Giàng làm việc sau thời gian nghỉ Tết cho đến khi có thông báo mới.

Công an tỉnh cũng yêu cầu Công an các địa phương trước 22 giờ ngày 15/2 phải hoàn thành việc lập danh sách, thông báo cho công nhân biết và báo cáo số lượng công nhân của địa phương thuộc diện trên về Ban Giám đốc Công an tỉnh nắm bắt, theo dõi.

 Do vậy, để tăng cường phòng chống dịch đối với các doanh nghiệp thuộc huyện Cẩm Giàng, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Công an huyện, các chốt tỉnh tại đây kể từ 6 giờ ngày 14/2 phải quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra, vào, nhất là công nhân trở lại huyện làm việc sau Tết Nguyên đán.

Được biết, để phục vụ công tác xét nghiệm toàn bộ công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Công ty CP Công nghệ Việt Á sẽ lắp thêm dàn máy nữa tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để đưa công suất xét nghiệm tại đây đạt 8.000 mẫu đơn/ngày. Trong đó phục vụ xét nghiệm 3.000 mẫu đơn/ngày phục vụ công tác phòng chống dịch (đạt tối đa 12.000 mẫu gộp/ngày); xét nghiệm 5.000 mẫu đơn/ngày cho công nhân các khu công nghiệp (đạt tối đa 20.000 mẫu gộp/ngày). Dự kiến công suất lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong giai đoạn từ ngày 12-17/2 tại tỉnh Hải Dương sẽ đạt tối đa 28.000 mẫu/ngày.

Hiện tại, Hải Dương có 6 phòng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Trong đó 5 phòng của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và 1 phòng của Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế công nhận là phòng xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Đọc thêm