Hải Phòng: Chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xác định hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, UBND TP Hải Phòng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn.
Hải Phòng đã hoàn thành triển khai hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Hải Phòng đã hoàn thành triển khai hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 27/12/2013 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng về “phát triển viễn thông, công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020”, 7 năm qua, công tác phát triển viễn thông và công nghệ thông tin luôn được các cấp, các ngành TP quan tâm thực hiện.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng CNTT TP từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị. 100% sở ngành, quận huyện đã xây dựng mạng máy tính nội bộ, đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu trong nội bộ cơ quan; máy tính của các đơn vị được kết nối internet băng thông rộng (trừ các máy tính phục vụ việc soạn thảo văn bản mật theo quy định); 100% cơ quan Đảng, nhà nước cấp TP, sở, ngành, địa phương được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Hệ thống Hội nghị truyền hình TP cũng được đầu tư nâng cấp hiện đại nhằm nâng cao chất lượng các cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo TP với các ngành, địa phương và các cuộc họp giữa TP với Trung ương. Đặc biệt huyện đảo Bạch Long Vĩ (huyện xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ) đã được kết nối hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với huyện đảo, phục vụ hiệu quả sự lãnh đạo điều hành của TP.

Với mục tiêu “Cung cấp hệ thống các dịch vụ tiện ích về thông tin đến hầu hết người dân thành phố. Phát triển hệ thống dịch vụ hành chính công đến địa bàn xã, phường, thị trấn; mở rộng dịch vụ thương mại điện tử”, các cơ quan, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP đã ứng dụng cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử một cách mạnh mẽ. Thành phố đã hoàn thành triển khai hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tập trung toàn TP, kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hệ thống một cửa được triển khai xây dựng đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông hồ sơ, thủ tục hành chính giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện. 100% các cơ quan, đơn vị đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua môi trường mạng; việc ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản qua môi trường mạng được duy trì nề nếp.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT đã và đang thâm nhập vào các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ, điều hành, quản lý, đặc biệt là các ngành sản xuất, dịch vụ quan trọng của TP như: dịch vụ hàng hải, khai thác cảng biển (mô hình cảng điện tử), hàng không, hải quan, dịch vụ logistics;… Hải Phòng là một trong những tỉnh, TP đầu tiên thực hiện thông quan điện tử, việc khai báo, đăng ký và thực hiện các thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn qua mạng mang lại hiệu quả tích cực.

Thời gian qua, Hải Phòng đẩy mạnh công tác chỉnh trang, ngầm hóa cáp ngoại vi viễn thông.

Thời gian qua, Hải Phòng đẩy mạnh công tác chỉnh trang, ngầm hóa cáp ngoại vi viễn thông.

Đáp ứng nhu cầu người dân

Hiện nay, dịch vụ viễn thông tại Hải Phòng đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường, cung cấp các loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thông tin công nghệ 4G đã phát triển rộng khắp trên địa bàn TP.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật viễn thông TP cũng được đầu tư và phát triển với quy mô lớn, rộng khắp. Mạng viễn thông và internet với công nghệ hiện đại được mở rộng với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao.

TP đã triển khai đầu tư hệ thống truy cập Internet vô tuyến băng rộng miễn phí, một số điểm truy cập Internet không dây tại dải Trung tâm thành phố, Trung tâm Hội nghị thành phố, khu du lịch Cát Bà đã đi vào khai thác, sử dụng. Hai doanh nghiệp lớn là VNPT Hải Phòng, Viettel Hải Phòng đã phát triển mạng truyền dẫn cáp quang ra huyện đảo Cát Hải.

Song song với đó, hạ tầng mạng thông tin di động được phủ sóng tại tất cả các quận, huyện, xã phường địa bàn TP với hơn 2.000 trạm thu, phát sóng. 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức và người dân. Ngoài ra, được sự cấp phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone đã triển khai thử nghiệm thành công mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại địa bàn TP.

Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và nâng cao mỹ quan đô thị, Hải Phòng cũng đẩy mạnh công tác chỉnh trang, ngầm hóa cáp ngoại vi viễn thông trên địa bàn TP. Đến nay, TP đã hoàn thành chỉnh trang 72 tuyến đường trên địa bàn 06 quận (Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn) với tổng chiều dài tuyến cáp khoảng 120 km. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới khi triển khai xây dựng đều tiến hành ngầm hóa cáp viễn thông…

Hiện nay, hạ tầng viễn thông trên địa bàn TP đang phát huy vai trò trợ thủ đắc lực trong hoạt động thông tin liên lạc, là mạch nối lưu thông và thúc đẩy các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò này, thời gian tới TP cần chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực viễn thông và công nghệ thông tin phải đi trước một bước.

Đồng thời, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, đây là tiền đề quan trọng, là cốt lõi để Hải Phòng đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước tiếp cận, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0.

Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng 628 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, chiếm tỷ lệ 33% thủ tục hành chính đạt chỉ tiêu Nghị quyết 17 của Chính phủ đề ra. 100% doanh nghiệp thực hiện báo cáo, thống kê, khai báo thuế, đăng ký và được cấp phép kinh doanh, nhận chứng chỉ qua mạng; 100% doanh nghiệp khai báo, đăng ký và thực hiện các thủ tục hải quan qua mạng; 100% doanh nghiệp có quy mô lớn, 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ thực hiện giao dịch thương mại điện tử…

Đọc thêm