Hải Phòng: Du lịch “mở cửa từng bước” sau đại dịch

(PLVN) - Sau thời gian dài “ngủ đông” do đại dịch, ngành du lịch Hải Phòng đang từng bước hoạt động trở lại với những sản phẩm, điểm đến phù hợp theo phương châm “mở cửa từng bước”, đáp ứng yêu cầu về an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.
Một điểm du lịch hấp dẫn của Hải Phòng.

Hơn 10.000 lao động du lịch phải nghỉ việc

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Hải Phòng đã nhiều lần dừng các hoạt động không thiết yếu khiến nhiều sự kiện, lễ hội phải hủy bỏ và các khu, điểm tham quan, du lịch phải tạm đóng cửa…

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động khiến lao động trong ngành này cũng phải ngừng việc hoặc làm việc bán thời gian.

Theo số liệu từ Sở Du lịch Hải Phòng, đến nay, có khoảng 10.410 lao động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc. Số lao động còn làm việc hoặc làm việc bán thời gian là 5.430 người (bằng 34% so với tổng số lao động tại thời điểm năm 2019). Tính đến tháng 9/2021, 412/541 cơ sở lưu trú dừng hoạt động; 129 cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng nhưng công suất trung bình của các cơ sở này cũng chỉ đạt 30%.

Không chỉ riêng dịch vụ lưu trú, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn TP cũng gần như ngừng hoạt động hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch. Đến hết tháng 9/2021, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã thực hiện thu hồi giấy phép là 17 doanh nghiệp (chiếm 25 % trên tổng số 67 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành); doanh thu dự báo giảm 90 % so với năm 2019. Có 3 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ đã chuyển từ hoạt động quốc tế sang hoạt động nội địa. 150 tàu thủy lưu trú du lịch, tàu chuyển khách du lịch tham quan của 91 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Lan Hạ và đảo Dấu cũng đều dừng hoạt động do các khu du lịch đóng cửa.

Từng bước khôi phục du lịch

Thông tin về việc khôi phục hoạt động du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Duy Thưởng cho biết, trước tình hình dịch bệnh tại địa phương cơ bản được kiểm soát tốt, Sở Du lịch đã xây dựng phương án từng bước khởi động lại du lịch theo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế với phương châm “an toàn đặt lên hàng đầu”.

Theo đó, cần ưu tiên đẩy nhanh hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến cơ sở du lịch, tổ chức tốt 5K; kiểm soát và làm tốt công tác phòng chống dịch bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

Song song với đó, ưu tiên phát triển thị trường du lịch nội địa thông qua việc xây dựng nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cả về giá và tăng chất lượng dịch vụ nhằm tăng sức cạnh tranh.

Theo số liệu và dự báo của Cục Thống kê Hải Phòng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 9 tháng năm 2021, du lịch Hải Phòng chỉ đón và phục vụ 3,09 triệu lượt khách, giảm 46,89% so với cùng kỳ 2020, bằng 37,4% so với kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế là 45.000 lượt, giảm 82,5% so cùng kỳ 2020, chủ yếu là khách chuyên gia, doanh nhân làm việc tại Hải Phòng.

“Về lâu dài, khi dịch bệnh được kiểm soát trên thế giới, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép thông qua việc đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực phục vụ du khách. Ngoài ra, cần đẩy mạnh quảng bá và khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh của TP được du khách nước ngoài ưa chuộng như: du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch văn hoá, lịch sử… Tích cực tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá du lịch quốc tế nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Hải Phòng”- ông Thưởng cho hay.

Sở Du lịch Hải Phòng cũng đã đề xuất TP ban hành chương trình kích cầu, thu hút khách đến với Hải Phòng như chính sách giảm giá vé, phí tham quan danh lam thắng cảnh; tổ chức nhiều chương trình sự kiện quy mô lớn; đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, quảng bá du lịch Hải Phòng với thông điệp “Hải Phòng - điểm đến an toàn, tin cậy”.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường cả trực tiếp và trực tuyến; tiếp cận thị trường, xúc tiến bán sản phẩm. Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch về nghiệp vụ kỹ năng khai thác thị trường, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số và các kiến thức khác nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong xây dựng sản phẩm mới và kết nối trao đổi khách tới Hải Phòng, đặc biệt là các trọng điểm du lịch và các địa phương trong vùng như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình và các địa phương có đường bay thẳng tới Sân bay Cát Bi.

Đọc thêm