Hải Phòng ngăn chặn kịp thời các mối nguy hiểm “trốn chốt” kiểm soát dịch bệnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, Hải Phòng là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 với biện những pháp khẩn trương, mạnh mẽ, quyết liệt. Cũng vì thế, để đối phó lại lực lượng chức năng trong quá trình sàng lọc tại các chốt kiểm soát, không ít cá nhân thiếu hiểu biết đã bất chấp mọi thủ đoạn để “trốn chốt”… gây nên mối nguy hiểm cho thành phố trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Các phương tiện ra, vào thành phố thực hiện khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch bệnh.
Các phương tiện ra, vào thành phố thực hiện khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch bệnh.

Sử dụng giấy xét nghiệm giả

Bắt đầu từ 08/7, Hải Phòng ban hành quy định chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố. Từ 19/7, người từ Hà Nội đến Hải Phòng bắt buộc phải có phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm. Từ đây, với mục đích “thông chốt”, nhiều cá nhân, lái xe đã sử dụng giấy xét nghiệm giả hòng qua mắt lực lượng chức năng.

Ngày 13/8, các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt số 1, khu vực ga Dụ Nghĩa – quốc lộ 5 (huyện An Dương, TP Hải Phòng) phát hiện lái xe Nguyễn Văn Cường (SN 1994) điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 29H-358.82 có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện mã QR của phương tiện xác định không có tên lái xe đăng ký trên “luồng xanh” và kết quả xét nghiệm PCR của lái xe Cường do Bệnh viện 74 Trung ương cấp có dấu hiệu là giả.

Theo lời khai ban đầu, giấy xét nghiệm này do đồng nghiệp đưa cho Cường và Cường thừa nhận không đến bệnh viện làm xét nghiệm PCR. Cường đã dùng giấy xét nghiệm này đến giao hàng tại nhiều địa điểm ở Hải Phòng và đến lần này thì bị phát hiện. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện An Dương đang điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Hải Phòng cũng phát hiện nhiều trường hợp cố tình tẩy xóa ngày xét nghiệm. Ngày 15/7, Đồn Công an Khu công nghiệp Đình Vũ phát hiện tại chốt kiểm soát dịch bệnh tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (lối xuống tỉnh lộ 356, thuộc địa bàn quận Hải An) có 2 đối tượng khai báo gian dối thông tin dịch tễ. Hai đối tượng Phan Thanh Truyền (SN 1988, thường trú tại xã Lộc Sơn, huyện Phúc Lộc) và Nguyễn Văn Minh (SN 1988, trú tại Phú Bài, huyện Hương Thủy, cùng tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tẩy xóa thời gian xét nghiệm hòng qua mắt lực lượng chức năng. UBND phường Đông Hải 2 đã hoàn thiện hồ sơ, tiến hành xử phạt mỗi đối tượng 2 triệu đồng.

Lực lượng chức năng điều tiết các phương tiện ra vào tại các Chốt cửa ngõ TP Hải Phòng.

Lực lượng chức năng điều tiết các phương tiện ra vào tại các Chốt cửa ngõ TP Hải Phòng.

Về những vi phạm liên quan đến giấy xét nghiệm, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hải Phòng Nguyễn Văn Khải cho biết: “Nhờ thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả mạo giấy xét nghiệm của Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng. Chữ ký và con dấu không trùng khớp. Giấy xét nghiệm giả đó thậm chí không có mã code để kiểm tra. Ngay lập tức, chúng tôi đã gửi báo cáo đến công an TP Hải Phòng và đặt biển cảnh báo tại cổng Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng”.

Đến muôn kiểu “trốn chốt”

Không chỉ có hành vi làm giấy xét nghiệm giả, một số đối tượng còn dùng đủ mọi cách để “thông chốt”: đổi tài xế, thả khách xuống xe, đi bộ ngược chiều để tránh việc khai báo, không chấp hành hiệu lệnh, ẩn nấp vào xe chở gia súc…

Rạng sáng ngày 05/8 vừa qua, trong quá trình kiểm soát phương tiện ra vào, Chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cầu Bồng thuộc địa bàn thôn Cữ, xã Lê Thiện, huyện An Dương phát hiện 01 trường hợp trốn sau thùng xe tải, không thực hiện khai báo y tế theo quy định.

Một người Hải Dương trốn trong thùng xe tải để vào Hải Phòng.

Một người Hải Dương trốn trong thùng xe tải để vào Hải Phòng.

Trước đó, ngày 20/7, chốt kiểm soát dịch COVID-19 liên ngành TP tại QL 37, khu vực cầu Chanh, xã Thắng Thuỷ (huyện Vĩnh Bảo) phát hiện xe ô tô BKS: 34A - 466.20 do Nguyễn Thế Tuấn (SN 1978, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) điều khiển vượt chốt, không khai báo y tế theo quy định. Tuấn có biểu hiện chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác. Tại cơ quan công an, Tuấn khai nhận đã thực hiện trót lọt nhiều vụ “đổi tài” đối với các lái xe từ các tỉnh phía Nam ra Hải Phòng để không phải khai báo y tế. Mỗi phi vụ trót lọt, Tuấn được trả 700.000 đồng. Tổ công tác phối hợp Công an huyện Vĩnh Bảo tiến hành lập biên bản sự việc.

Ngày 12/7, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 liên ngành ga Dụ Nghĩa đường 5A, xã Đại Bản, huyện An Dương, tổ công tác đã phát hiện xe khách mang BKS: 15B 026 - 22 chở 13 người từ Hà Nội về Hải Phòng. Khi cách chốt vài trăm mét, lái xe và phụ xe thả hành khách xuống xe, đi bộ sang chiều đường ngược lại. Khi phát hiện, Tổ công tác đã yêu cầu tất cả người trên xe vào chốt thực hiện khai báo y tế và xét nghiệm nhanh. Không chỉ vậy, cách đó không lâu, Tổ công tác cũng phát hiện một đàn ông Hải Dương bơi qua sông để “trốn chốt” vào Hải Phòng.

Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng Trần Anh Cường nhấn mạnh, hiện nay, có rất nhiều cách để có thể thực hiện việc khai báo y tế như: khai báo trực tiếp tại trạm y tế phường, xã hoặc khai báo thông qua các ứng dụng: Vietnam Health Declaration, Bluezone, NCOVI... Việc khai báo y tế nhằm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả trong thời gian qua.

Giấy xét nghiệm bị tẩy xóa ngày tháng nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Giấy xét nghiệm bị tẩy xóa ngày tháng nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Do đó, khai báo y tế không trung thực, trốn khai báo y tế, làm giả giấy xét nghiệm không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc truy vết, kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch mà còn để lại hậu quả khôn lường, gây nguy hiểm, khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Tất cả các hành vi vi phạm này đều bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Để ngăn chặn việc làm giả giấy xét nghiệm, Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo toàn bộ các cán bộ làm xét nghiệm tại các đơn vị phải đăng ký chữ ký đối với Sở Y tế, đồng thời trên giấy xét nghiệm phải có mã vạch để việc kiểm soát chặt chẽ, chính xác hơn.

Đọc thêm