Hải Phòng tạm lấp bãi cọc cổ thời Trần để bảo tồn

(PLVN) - Ngày 8/1, lãnh đạo xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng xác nhận các cơ quan chức năng đã tiến hành san lấp xong các hố khai quật 27 cọc gỗ liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 để bảo tồn.
3 hố khai quật đã được san lấp xong
3 hố khai quật đã được san lấp xong

Đây cũng là mong muốn và quan điểm của hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu sử học được đưa ra tại Hội nghị "Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên" được Hải Phòng vừa tổ chức. Được biết, trước khi san lấp, bãi cọc đã được quét 3D, vẽ lại bình đồ để phục vụ nghiên cứu.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định, việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên là rất quan trọng và cần thiết. Hải Phòng giao các sở, ngành thực hiện quy hoạch bước đầu để giữ lại các khu vực lân cận; nhanh chóng triển khai các thủ tục để đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, tiến tới công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.

Bãi cọc Cao Quỳ nhìn từ trên cao (khi chưa san lấp)
 Bãi cọc Cao Quỳ nhìn từ trên cao (khi chưa san lấp)

Về vấn đề này, tại hội nghị, TS. Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng cho rằng, việc Hải Phòng cần hoàn thiện trước tiên là chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu vực đã được khai quật thành đất di sản.

Cùng với đó, người dân địa phương không tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực này để có biện pháp bảo tồn. Sau đó, Hải Phòng cũng nên nghiên cứu khai quật mở rộng khu vực bãi cọc Cao Quỳ để có cái nhìn toàn diện hơn giá trị của bãi cọc cổ.

Đọc thêm