Hải Phòng triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022.
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022” có chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình bình thường mới”, diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5.

Mục tiêu của tháng hành động nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện có trách nhiệm về an toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do thực phẩm không an toàn. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quản quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam nhấn mạnh: Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một vấn đề bức thiết cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm an toàn thực phẩm thì “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” còn là điểm nhấn trong năm tạo bước chuyển biến mới trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các Sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng, UBND các cấp và các cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, để đem lại những kết quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của TP, nhất là trong công tác truyền thông, giáo dục và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Trong đó, đặc biệt chú ý đến các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, Ban quản lý Lễ hội, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Các đơn vị trong ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm như pháp luật đã quy định.

Đọc thêm