Hải Phòng xây dựng nông thôn mới: Về thăm xã lập kỷ lục 947 hộ dân hiến đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là 1 trong 8 xã được UBND TP Hải Phòng lựa chọn triển khai nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020, xã Gia Đức (huyện Thủy Nguyên) được đánh giá là địa phương “vất vả” nhất khi có nhiệm vụ xây dựng số km đường lớn nhất, vận động số lượng hộ dân nhiều nhất hiến đất xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn hai đang dần hoàn thiện ở Gia Đức.
Các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn hai đang dần hoàn thiện ở Gia Đức.

Chấp nhận thiệt thòi riêng để cả xã được lợi

Gia Đức là xã kinh tế mới thành lập năm 1984, được tách từ thị trấn Minh Đức và di dân thành lập làng văn hóa Bạch Đằng. Địa phương này cũng xa trung tâm huyện Thủy Nguyên (cách 16km - PV) nên điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn.

Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM), xã có tổng số 30 tuyến đường cần cải tạo, nâng cấp để đạt chuẩn với tổng chiều dài 12,116 km, giá trị 130,197 tỷ đồng.

Ở giai đoạn một, trong năm 2020, sáu tuyến đường tổng chiều dài 2,56 km, kinh phí xây dựng 26,583 tỷ đồng đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng. Ở giai đoạn hai, 24 tuyến đường còn lại dài 9,99 km với tổng kinh phí đầu tư 103,614 tỷ đồng đang gấp rút được thi công.

Cái khó với chính quyền địa phương là để triển khai xây dựng các tuyến đường, số hộ dân cần vận động hiến đất lên tới 947 hộ với tổng diện tích 58.235,8m2 đất. Trong đó, đất công do xã quản lý 29.834m2, đất ở 21.390m2, đất nông nghiệp 7.020m2.

Trong 947 hộ dân hiến đất, 713 hộ có tài sản, vật kiến trúc trên đất nằm trong chỉ giới xây dựng các công trình giao thông. Thời điểm tháng 3-4/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc họp dân để triển khai, phổ biến, vận động không thể tổ chức hội nghị đông người. UBND xã phải phát phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình. Kết quả, cơ bản nhân dân hưởng ứng đồng thuận cao.

Đến nay Gia Đức đã phê duyệt phương án hỗ trợ cho 713/713 hộ; đã chi trả tiền hỗ trợ cho 350/713 hộ. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động với các hộ chưa nhận tiền hỗ trợ, phấn đấu hết ngày 15/8/2021 chi trả xong.

Cũng giống như các địa phương khác, việc vận động người dân hiến đất đã khó, việc thuyết phục dân nhận kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc (theo Quyết định 324/2015/QĐ-UBND ngày 5/2/2015 của UBND Hải Phòng) với đơn giá thấp so với thị trường còn khó hơn gấp nhiều lần. Thủy Nguyên đang được đề xuất trở thành TP trực thuộc TP Hải Phòng, hàng loạt dự án được đầu tư, giá đất đều tăng vùn vụt.

“Tại Gia Đức, có gia đình hiến đến trên 100m2 đất để mở rộng đường. Khi giá đất Thủy Nguyên đang tăng chóng mặt như thời gian qua thì việc thuyết phục để cho dân hiểu và đồng thuận là cả quá trình. Trong khi đó, một số trường hợp sau khi hiến đất mở đường thì diện tích còn lại không đủ để ổn định đời sống theo quy định. Do đó, chúng tôi cũng đang đề nghị UBND huyện, UBND TP xem xét bố trí tái định cư”, Chủ tịch xã Bùi Khắc Hưng chia sẻ.

Thấy quê hương thay đổi từng ngày, ông Đỗ Văn Muôn (thôn 5) cho biết: “Trước đây, những con đường liên thôn, trục thôn và ngõ xóm ở xã nhỏ, hẹp. Nắng thì bụi, mưa ngập úng, vất vả vô cùng. Các tuyến đường đã có hình hài mới với rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, mặt đường mở rộng thảm asphalt, ai cũng phấn khởi”.

Tính đến nay, tiến độ xây dựng đường liên thôn, đường trục thôn tại xã bình quân đạt 40%. Do khối lượng công việc rất lớn, huyện xã gần như làm việc không có ngày nghỉ. Việc giao ban tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình được Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Viển trực tiếp chủ trì vào các thứ Bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần. Dự kiến thời gian bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện xong trước 30/9/2021.

Nỗ lực gỡ khó

Chủ tịch xã Bùi Khắc Hưng cho biết, đến hết tháng 6/2021, Gia Đức đạt 14/17 tiêu chí xây dựng NTMKM. Ngoài tiêu chí về giao thông, còn phải phấn đấu 2 tiêu chí thu nhập, y tế.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đạt 57 triệu đồng/năm, ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 58,2 triệu đồng/năm (tiêu chí là 68 triệu/năm). Để nâng cao thu nhập người dân, địa phương đã đang phối hợp các DN, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ khác trên địa bàn huyện và TP nhằm giới thiệu việc làm cho người lao động. Xã cũng phối hợp Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn thông qua các tổ chức đoàn thể để các hội viên, đoàn viên phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường...

Tỷ lệ người dân xã tham gia BHYT mới đạt 90,1% (qui định đạt > 95%). Ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hình thức BHYT, xã cũng tuyên truyền các DN, tổ chức ủng hộ và hỗ trợ mua BHYT cho các hộ cận nghèo. Phấn đấu đến hết quý III/2021, tối thiểu có 95% người dân Gia Đức có BHYT.

Ở tiêu chí y tế, để xây dựng NTMKM, dân số thường trú trên địa bàn phải được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt từ 90% trở lên. Với chỉ tiêu này, đến nay, hầu hết các xã của Hải Phòng chưa triển khai thực hiện và chưa có hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý.

Ông Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngoài Gia Minh và Gia Đức, huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng NTMKM ở 5 xã khác Liên Khê, Kênh Giang, Lưu Kiếm, Hòa Bình, Thủy Đường.

Đọc thêm