Hải quan Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều năm qua, Cục Hải quan Hải Phòng luôn là đơn vị đi đầu trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan; là đơn vị tiên phong, được lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tin tưởng giao thực hiện thí điểm nhiều đề án quan trọng (như triển khai thí điểm thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Hệ thống quản lý, giám sát Hải quan tự động – VASSCM).
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Phòng.
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Phòng.

Xác định việc triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan luôn có sự song hành gắn với lợi ích của DN, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường mối quan hệ đối tác Hải quan - DN. Trong đó, phối hợp tổ chức các chương trình trao đổi, đối thoại với DN về xu thế và tính tất yếu của chuyển đổi số (CĐS) trong DN, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng nguồn dữ liệu mở để khai thác các giá trị nhằm phát triển DN trong thời đại số. Hướng dẫn, hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng, logistics triển khai số hoá, CĐS đảm bảo phù hợp, đồng bộ với cơ quan Hải quan khi thực hiện quản lý trên môi trường số.

Cục Hải quan đã rà soát, cập nhật kịp thời, tham mưu, đề xuất sửa đổi bộ thủ tục hành chính (TTHC), quy trình giải quyết TTHC, số hóa các biểu mẫu điện tử (E-Form) trên môi trường điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN có thể tiếp cận và thực hiện TTHC dễ dàng và thuận lợi. Song song đó, tiếp tục rà soát, triển khai dịch vụ công trực tuyến, kịp thời trả kết quả giải quyết TTHC đảm bảo đúng thời hạn.

Cục Hải quan TP cũng tổ chức phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chủ trương, định hướng xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số và mô hình hải quan thông minh; nâng cao vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị theo phương châm “4 không, 1 có”: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu…

Ông Đặng Công Thành, Cục phó Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, ngành Hải quan nói chung, Cục Hải quan Hải Phòng nói riêng là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách hiện đại hóa. Hiện 100% các khâu nghiệp vụ được thực hiện trên cơ sở ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Đặc biệt, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thực hiện qua Hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS).

Để công tác chuyển đổi số được triển khai một cách hiệu quả và thực chất, Cục Hải quan đã xây dựng Kế hoạch về việc CĐS đến 2025, định hướng 2030. Kế hoạch đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng để xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp CĐS cụ thể tại đơn vị theo lộ trình, kế hoạch đề ra, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm công nghệ mới, mô hình mới, ứng dụng công nghệ mới; hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch CĐS của ngành Hải quan: “Đến 2025 hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh, bền vững, có mức độ tích hợp cao, có tính mở, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng toàn diện nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối; thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện và nhu cầu khai thác thông tin; sử dụng thông tin từng bước hình thành Hải quan số trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ của CMCN 4.0; trở thành cơ quan Hải quan điện tử thuộc 4 nước hàng đầu trong ASEAN”.

Thời gian tới, Cục Hải quan Hải Phòng đặt ra mục tiêu: 100% hồ sơ thuộc bộ chứng từ Hải quan được số hoá, chuyển sang dữ liệu điện tử và xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước); 100% TTHC được cập nhật công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tối đa thủ tục được cung cấp dịch vụ công mức độ 4 và được thực hiện trên nhiều phương tiện khác nhau, mọi lúc, mọi nơi. Tất cả các bước trong quy trình nghiệp vụ Hải quan được thực hiện trên môi trường số, nền tảng số; sử dụng và kết nối các thiết bị thông minh phục vụ công tác giám sát hải quan; sử dụng công cụ phân tích dữ liệu số phục vụ công tác quản lý điều hành.

DN được tiếp nhận, trao đổi thông tin, tra cứu theo dõi quá trình giải quyết TTHC, trả kết quả thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan với các tổ chức cá nhân trên môi trường số.

Đọc thêm