Hạn mức trả tiền bảo hiểm bảo vệ toàn bộ hơn 90% người gửi tiền

(PLVN) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm, điều chỉnh hạn mức này từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng đối với mỗi cá nhân gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Như vậy, kể từ ngày 12/12/2021, trong trường hợp tổ chức tín dụng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả tối đa là 125 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi.

Cơ sở xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm

Theo Luật BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Mục tiêu chính của hạn mức bảo hiểm tiền gửi cần phải đồng bộ với mục tiêu chung của chính sách bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ và đồng thời góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền, ngăn chặn sự rút tiền ồ ạt mất kiểm soát, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng. Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để góp phần duy trì kỷ luật thị trường và hạn chế rủi ro đạo đức. Nếu tiền gửi được bảo hiểm 100% dễ dẫn đến việc các tổ chức tín dụng (TCTD) chạy đua tăng lãi suất huy động tiền gửi để đầu tư vào những dự án rủi ro cao; người dân bất chấp rủi ro để gửi tiền vào các TCTD huy động lãi suất cao, dẫn đến rủi ro ngày càng lớn. Như vậy buộc người gửi tiền phải xem xét kỹ việc gửi tiền vào ngân hàng nào hiệu quả.

Cụ thể, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam được xác định dựa trên những yếu tố như: Phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo có đủ nguồn lực để ứng phó khi rủi ro dự kiến xảy ra; Hướng tới bảo vệ toàn bộ được khoảng 90% đến 95% người gửi tiền theo thông lệ quốc tế; Phù hợp tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người, tình hình của thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Quá trình áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam

Nghị định 89/1999/NÐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi quy định: số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tối đa là 30 triệu đồng.

Đến năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NÐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi Nghị định 89/1999/NÐ-CP, Chính phủ đã nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 50 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để phù hợp với sự thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Năm 2017, theo Quyết định số 21/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được điều chỉnh lên mức 75 triệu đồng Việt Nam đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vào thời điểm áp dụng, hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi này đã bảo vệ được toàn bộ tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của 87,72% người gửi tiền được bảo hiểm.

Ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017, trong đó quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2021.

Hạn mức BHTG đã phù hợp với các thông lệ quốc tế

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cho biết, hạn mức nêu trên thỏa mãn cùng lúc các yếu tố: phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, hướng tới bảo vệ toàn bộ đối với 90%-95% người gửi tiền được bảo hiểm theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, hạn mức BHTG cũng cần phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tương xứng với thu nhập bình quân đầu người và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.

Với hạn mức 125 triệu, BHTGVN cho biết đã đảm bảo bảo vệ toàn bộ đối với tiền gửi của 90,94% người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng, phù hợp với năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đồng thời đáp ứng thông lệ quốc tế.

Cũng theo BHTGVN, nguồn lực tài chính của tổ chức này đã không ngừng lớn mạnh. Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 73,6 nghìn tỷ đồng. Với nguồn quỹ này, BHTGVN có thể đáp ứng chi trả ngay lập tức trong trường hợp cần thiết.

Đọc thêm