Hàng loạt công ty đa cấp sai phạm nghiêm trọng

(PLO) - Theo Kết luận kiểm tra đối với Công ty đa cấp Thiên Lộc, công ty này đã vi phạm một loạt các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, luật cạnh tranh, luật quảng cáo...
 Một sự kiện của Công ty đa cấp Thiên Lộc
Một sự kiện của Công ty đa cấp Thiên Lộc

Ngày 15/3/2016, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ký Quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại Công ty cổ phần nhượng quyền Thiên Lộc (Cty Thiên Lộc). Thành phần đoàn bao gồm đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46).

Kết luận kiểm tra

Ngày 17/8/2016, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ký Kết luận kiểm tra đối với công ty này. Kết quả kiểm tra cho thấy, Cty Thiên Lộc đã vi phạm một loạt các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, luật canh tranh, luật quảng cáo...

Cụ thể, theo kết luận của Cục Quản lý Cạnh tranh, một số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp của Cty không ghi nhận đầy đủ các thông tin về ngày ký hợp đồng, nơi cấp, ngày cấp chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú, giới tính, thông tin về tài khoản ngân hàng của người tham gia. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định quản lý về hoạt động kinh doanh và bán hàng đa cấp.

Nhiều nhà phân phối được vinh danh tại sự kiện Mừng xuân Bính Thân do Cty tổ chức tại Thiên Đường Bảo Sơn (Hà Nội) ngày 19/2/2016 không có trong danh sách nhà phân phối mua hàng và trong hệ thống quản lý của Cty.

Công ty báo cáo, các nhà phân phối nêu trên mới chỉ ký hợp đồng nhận mã số kinh doanh miễn phí, chưa phát sinh doanh thu. Công ty đã trao cho họ các danh hiệu để tạo hình ảnh với tuyến dưới. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Nội dung ghi nhãn các sản phẩm Bột ngũ cốc nấm đông cô, bột trái bã đậu đen và lá tắm Baby Vườn Việt sai lệch so với công bố về tên, công dụng sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm quy định tại Luật cạnh tranh.

Công ty giới thiệu 4 sản phẩm đang kinh doanh trên website của Cty tại địa chỉ thienlocgroup.com mà không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của các sản phẩm này. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về pháp luật quảng cáo.

Giá bán sản phẩm Lá tắm Baby Vườn Việt ghi nhận trên hóa đơn không phù hợp với giá bán đã đăng ký trong danh mục sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp. Công ty cấp Thẻ thành viên để quản lý các nhà phân phối nhưng chưa thực hiện đào tạo cơ bản và cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp theo quy định cho nhà phân phối. Các cá nhân phụ trách đào tạo của Công ty chưa được cấp Chứng chỉ Đào tạo viên.

Tại thời điểm khai trương Cty vào tháng 1/2016, lượng nhà phân phối đăng ký và ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với Cty lên tới khoảng 2.000 người. Công ty mới chỉ ghi nhận thông tin của các nhà phân phối này vào hệ thống và chưa thực hiện thủ tục thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tới các địa phương nơi nhà phân phối hiện diện.

Công ty không thực hiện thủ tục thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo theo quy định tới Sở Công Thương Hà Nội. Công ty thừa nhận đã không giám sát, để một nhà phân phối đưa ra chương trình khuyến mại không được quy định trong Chương trình trả thưởng của Cty. 

Ngoài ra, Cty không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ vào tháng 1/2016 theo quy định và có dấu hiệu không kê khai, ghi nhận đầy đủ thông tin về số lượng hàng bán và số tiền bán hàng, sử dụng chứng từ không phù hợp, vi phạm quy định pháp luật về thuế. Qua đối chiếu còn cho thấy chênh lệch giữa số lượng hàng hóa đầu vào do Cty cung cấp và số lượng hàng hóa bán ra nhà do nhà sản xuất cung cấp.

Đối với các phát hiện nêu trên, tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm, Cục Quản lý cạnh tranh đã chuyển cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền. Kết quả xử lý sẽ sớm được công bố công khai.

Xử lý hàng loạt công ty đa cấp

Trước đó, sau nhiều tháng kiểm tra, sáng 11/7, Bộ Công Thương đã công bố kết quả xử lý sai phạm của một số công ty kinh doanh dịch vụ bán hàng đa cấp (BHĐC). 

Theo Cục QLCT, từ 21/3/2016, Bộ Công Thương thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 07 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty Cổ phần Liên minh Tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long. Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Cục QLCT, Cục Quản lý thị trường và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46).

Bộ Công Thương đã chính thức có kết luận kiểm tra tại 4 doanh nghiệp, cho thấy hàng loạt sai phạm nghiêm trọng:

Tại Công ty Cổ phần Liên kết tri thức (K-Link), Đoàn kiểm tra phát hiện một số hợp đồng bán hàng đa cấp của công ty ký với nhà phân phối không điền đầy đủ các thông tin theo quy định. Nhiều nhà phân phối có địa chỉ ghi trên CMND tại một địa phương nhưng hoạt động kinh doanh tại một địa phương khác.

Công ty K-Link cũng không cung cấp được bằng chứng về việc đã gửi Báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2015 đến các Sở Công Thương Bạc Liêu và Đà Nẵng; Báo cáo định kỳ năm 2015 đến Sở Công Thương Tây Ninh, nơi công ty có hoạt động bán hàng đa cấp. 

Công ty không kê khai đầy đủ thông tin về số lượng hàng bán và số tiền mua hàng thu từ từng nhà phân phối. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về thuế.

Tại Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long, kết quả kiểm tra cho thấy công ty này có hàng loạt các vi phạm như: Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không theo mẫu hợp đồng đã được sửa đổi. Công ty đã ký nhiều hợp đồng với cùng một nhà phân phối và cho phép một nhà phân phối có nhiều mã số.

Công ty đã không xuất trình được bằng chứng chứng minh rằng đã thực hiện thủ tục thông báo tới các Sở Công Thương Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đối với lần sửa đổi, bổ sung thứ 4 và tới các Sở Công Thương Thái Bình, Phú Thọ, Đồng Nai, Vĩnh Phúc đối với lần sửa đổi, bổ sung thứ 5 của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Công ty này cũng đã thừa nhận chưa giám sát hết toàn bộ hoạt động của các nhà phân phối (hoạt động dưới vai trò đại lý ký gửi hàng hóa) ở các thị trường, dẫn tới việc các nhà phân phối này chưa tuân thủ quy tắc hoạt động của Công ty.

Quá trình kiểm tra phát hiện nhà phân phối có mua hàng và được nhận hoa hồng nhưng không nằm trong danh sách những nhà phân phối mua hàng và hưởng hoa hồng được công ty cung cấp cho đoàn kiểm tra. Công ty kê khai và ghi nhận doanh thu thấp hơn số liệu do đại lý cung cấp khoảng 34 tỷ đồng. Các hành vi này có dấu hiệu huy động tiền từ nhà phân phối, gian lận, vi phạm quy định của pháp luật về thuế…

Tại Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, kết quả kiểm tra cho thấy công ty này đã sử dụng một số hợp đồng không đúng với mẫu đã đăng ký với Cục QLCT để ký kết với nhà phân phối, không điền đầy đủ thông tin nhà phân phối theo quy định, ký hợp đồng với người nước ngoài khi họ chưa có giấy phép lao động tại Việt Nam. Công ty này đã cho phép một nhà phân phối có nhiều hơn một mã kinh doanh trên hệ thống và hàng loạt sai phạm khác.

Tại công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Công ty Vinalink), kết quả kiểm tra cho thấy: Công ty đăng ký sửa đổi bổ sung Chương trình trả thưởng nhưng không đăng ký sửa đổi bổ sung chương trình đào tạo kèm theo.

Website của Công ty là website thương mại điện tử bán hàng nhưng chưa được thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Trên website này, một số sản phẩm không có thông tin hoặc thông tin không chính xác như mô tả trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Công ty cung cấp 11 bộ hồ sơ của các nhà phân phối có doanh số cao nhất và thu nhập cao nhất năm 2014 và 2015, trong đó có 7 người mua hàng qua điện thoại nên không có ký nhận hàng trên hóa đơn. Công ty đã liên hệ và có giấy xác nhận của các nhà phân phối khẳng định có đặt mua hàng qua điện thoại và đã nhận đủ hàng, vì nhà xa nên chưa ký nhận trên hóa đơn. Đoàn kiểm tra đã đề nghị công ty tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế trong việc lập và lưu trữ chứng từ kế toán.

Cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội bán hàng đa cấp đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ ngành khác có liên quan nhanh chóng xác minh, thanh kiểm tra, điều tra để kịp thời chặn đứng, chấn chỉnh, xử phạt và xóa bỏ các doanh nghiệp đa cấp bất chính. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính đang được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Trước đó, có không ít những phi vụ đa cấp lừa đảo đã gây rúng động xã hội. Có thể kể đến "tập đoàn lừa đảo" Diamond Holiday bị khởi tố năm 2012 sau khi lừa đảo gần 90.000 người, gây thiệt hại 32,3 triệu USD; Công ty MB24 bị khởi tố năm 2012 với việc 107 người mua bán trên 121.349 gian hàng ảo, gây thiệt hại 631 tỷ đồng; Công ty đầu tư Tâm Mặt Trời khởi tố năm 2013 với 40.000 người bị hại, thiệt hại 122 tỷ đồng. Mới đây là vụ Liên Kết Việt với gần 60.000 người bị hại, thiệt hại 1.900 tỷ đồng.

Đọc thêm