Tạo sự gắn kết từ cơ sở
Là một trong 4 đơn vị thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, đến nay tổng dư nợ nhận ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đạt trên 24 tỷ đồng với 2.366 hộ thanh niên được vay vốn. Chị Hoàng Thị Thanh Huyền - Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên - khẳng định: “Tín dụng chính sách đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên ở địa phương, tạo sự gắn kết giữa thanh niên với tổ chức Đoàn. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay của NHCSXH, cán bộ Đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên; các thanh niên có nhu cầu vay vốn được cán bộ Đoàn phối hợp cùng cán bộ NHCSXH tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhờ vậy, đã thu hút thanh niên ngày càng gắn kết với các cơ sở Đoàn, qua đó đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất...”.
Đến nay, sau gần 15 năm thực hiện, tổng dư nợ vốn ủy thác do Đoàn Thanh niên đang quản lý đạt hơn 19.260 tỷ đồng với trên 831 nghìn hộ đoàn viên thanh niên được vay vốn ở 24.019 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các chương trình cho vay có dư nợ cao như: Hộ nghèo là 4.740 tỷ đồng; hộ cận nghèo 2.760 tỷ đồng; HSSV gần 2.400 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 2.205 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2.080 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 357 tỷ đồng…
Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ thanh niên nghèo, cận nghèo đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm cho gia đình; nhiều hộ có điều kiện đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ, lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và việc làm ổn định và giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo.
Thực tế cho thấy, nơi nào cơ sở đoàn quan tâm đến khởi nghiệp, đến nguồn vốn vay thì thanh niên địa phương đó mới được tạo điều kiện tốt. Điều đáng mừng là có nhiều cán bộ đoàn làm kinh tế giỏi. Họ xông xáo, đi đầu và là tấm gương cho thanh niên địa phương noi theo. Cán bộ làm công tác Đoàn thường có “đầu vào” cũng rất đa dạng (có người học chuyên ngành Kinh tế, Khoa học xã hội, có người lại đi lên từ phong trào), nên khi tham gia vào công tác nhận ủy thác vốn vay đã giúp cho các cán bộ Đoàn trau dồi thêm kiến thức, có kỹ năng, phương pháp làm việc liên quan đến hoạt động kinh tế, quản lý Nhà nước để hiểu thực tế hơn với các công việc sau này, đưa giúp cho việc nhìn nhận đánh giá của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất.
Cần chính sách linh hoạt hơn
Bên cạnh những kết quả khả quan, công tác cho vay vốn thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vốn vay cho thanh niên hiện vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu. Nhiều thanh niên có ý chí, mong muốn làm giàu nhưng gặp không ít khó khăn về thủ tục và các quy định ràng buộc để vay vốn.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Điện Biên có khoảng 162.000 thanh niên, trong đó có trên 110.000 thanh niên đã đăng ký sinh hoạt trong các tổ chức Đoàn, như vậy nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế và làm giàu của thanh niên là không nhỏ. Theo quy định Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, để được vay vốn, thanh niên phải xây dựng phương án kinh doanh, chứng minh được hiệu quả các mô hình SXKD và một số trường hợp phải có tài sản thế chấp... Còn nếu vay từ nguồn vốn NHCSXH như theo Hướng dẫn số 75 ngày 24/2/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc hướng dẫn thực hiện cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn, các cơ sở SXKD do đoàn viên làm chủ được vay vốn từ nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn thì mức vay vốn tối đa không quá 1 tỷ đồng (thay cho 500 triệu đồng trước đây) đối với cơ sở SXKD và không quá 50 triệu đồng (thay cho 20 triệu đồng) đối với một lao động được tạo việc làm mới, tuy nhiên ngoài điều kiện phải có tài sản thế chấp còn phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau như chứng minh tính khả quan từ mô hình kinh tế, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại....
Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn Trung ương, Đoàn Nguyễn Quốc Văn, thời gian qua Đoàn Thanh niên đã phối hợp khá chặt chẽ với hệ thống NHCSXH các cấp để triển khai dưới hình thức nhận ủy thác. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn này chủ yếu dành cho đối tượng hộ gia đình trong khi đó, đa số lực lượng thanh niên trẻ còn chưa tách hộ hoặc chưa lập gia đình; nhiều trường hợp chưa tách hộ thì trong gia đình có bố hoặc mẹ đã vay vốn qua ủy thác các tổ chức Hội Nông dân; Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh nên con không được vay nữa. Vì vậy, nhiều thanh niên dù “khát vốn” nhưng không thể vay vì không đáp ứng các tiêu chí.
Bởi vậy, tới đây, Đoàn Thanh niên phối hợp với NHCSXH đang đề nghị xây dựng chương trình tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp. Theo đó, nghiên cứu tìm hiểu tạo cơ chế hình thành Quỹ khởi nghiệp trên cơ sở hạt nhân vẫn là từ nguồn vốn của NHCSXH, xác định tăng cường đào tạo tập huấn, khơi dậy ý chí vươn lên làm giàu với việc xác định khởi nghiệp sẽ có rủi ro, thậm chí thất bại nhưng vẫn cần những hỗ trợ dài hơi liên quan tới vốn, khả năng phát triển… nhằm góp phần hình thành một đội ngũ doanh nhân trẻ như mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020 đề ra đến 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh./.