Hàng trăm hộ dân mất trắng vì cá mú chết hàng loạt trên sông ở Phú Yên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Do bị sốc nước ngọt từ những cơn mưa lớn trong thời gian dài nên hàng trăm ngàn con cá mú trong lồng bị chết, khiến cho 135 hộ dân ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên lâm vào cảnh khó khăn.
Cá mú chết nổi lềnh bềnh trên sông
Cá mú chết nổi lềnh bềnh trên sông

Ngày 4/11, ông Nguyễn Văn Lâm - Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên đã có văn bản báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên về kết quả kiểm tra, xác minh sự cố cá mú của người dân thả nuôi trong lồng ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An bị chết hàng loạt.

Theo báo cáo, khoảng thời gian từ ngày 28/10 đến 31/10, trên địa bàn huyện Tuy An có mưa, mực nước đầm Ô Loan dâng cao (nước ngọt), chảy qua sông Lễ Thịnh ra biển. Từ ngày 1/11 đến nay, cá mú nuôi lồng tại thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An bị chết với số lượng tương đối lớn. Tổng số cá chết ước tính gần 300 nghìn con ở 810 lồng. Cá chết với đủ mọi kích cỡ từ cỡ cá giống (100 – 150 g/con) đến cỡ thương phẩm (0,7 – 1,3 kg/con).

“Hiện nay, vùng nuôi vẫn còn tình trạng cá bị chết. Do lượng nước ngọt rút chậm, người nuôi vẫn còn đang găm lồng ở tầng sâu để hạn chế ảnh hưởng cá nuôi” ông Nguyễn Văn Lâm nhận định.

Để giải cứu số cá mú còn sống sót trong lồng nuôi, các hộ gia đình ở xã An Ninh Đông tự nguyện góp tiền thuê xe cơ giới và thiết bị máy móc khẩn trương hút cát, nạo vét, khơi thông dòng chảy cửa biển An Hải với tổng chi phí 24 triệu đồng.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính là do môi trường vùng nuôi bị ngọt hóa trong khoảng thời gian tương đối dài. Nguyên nhân do mưa lớn, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về qua khu vực sông Lễ Thịnh thoát ra biển tương đối chậm; kiểm tra lâm sàng cá chết không có dấu hiệu bệnh lý. Đây là thiệt hại do thiên tai, không phải do dịch bệnh.

Chi cục chăn nuôi và thú y Phú Yên đã khuyến cáo người nuôi thu gom toàn bộ các cá chết mang vào bờ để chôn lấp, không vứt ra môi trường gây ô nhiễm. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường vùng nuôi, khi môi trường nuôi trở lại bình thường cần kịp thời cho ăn, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách tích cực trộn các loại vitamin, khoáng chất, men vi sinh vào thức ăn cho ăn. Kịp thời thu hoạch đối với cá đạt kích cỡ thương phẩm không thả giống khi môi trường, thời tiết chưa ổn định. Định kỳ vệ sinh lưới lồng, tắm cá, trộn kháng sinh cho cá ăn để phòng bệnh, nhất là bệnh lở loét rất dễ phát sinh sau mùa mưa bão.

Đọc thêm