Hàng tỷ đồng "bốc hơi" vì chơi hụi bằng lòng tin

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, hình thức chơi hụi (họ, biêu, phường) đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Đây là một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng hình thức góp vốn chơi hụi để thực hiện hành vi lừa đảo, hàng loạt vụ vỡ hụi tiền tỷ cũng đã xảy ra, khiến không ít người rơi vào cảnh “trắng tay”.
Hàng tỷ đồng "bốc hơi" vì chơi hụi bằng lòng tin

"Trắng tay" vì tham gia hụi

Mặc dù vấn đề này đã được các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều năm nay, tuy nhiên, nhiều người vẫn cả tin và rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Đơn cử mới đây Báo Pháp luật Việt Nam có nhận được đơn tố cáo vợ chồng ông Nguyễn Văn Dương và bà Phạm Thị Mười (ngụ tại ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến giao dịch hụi với số tiền hơn 7 tỉ đồng.

Theo đơn tố cáo, vợ chồng ông Dương và bà Mười đã mở thảo rất nhiều dây hụi lớn gần 10 năm nay và chưa giựt của ai đồng nào nên tạo được uy tín và sự tin tưởng của bà con hàng xóm, đồng nghiệp. Nhưng cuối năm 2020 bất ngờ ông bà tuyên bố vỡ hụi, bà con hàng xóm chơi hụi biết tin đến nhà đòi lại tiền thì mới biết ông bà chưa giao hụi cho rất nhiều người dù đã mãng hụi và ông bà cũng không có tài sản gì để thanh toán khiến 56 hụi viên lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Trong số các hụi viên bị chiếm đoạt tiền hầu hết đều là những người làm thuê làm mướn, họ chơi hụi để tích góp lo cho con cái ăn học hoặc để sửa chữa nhà cửa. Hiện người dân cũng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nhưng vẫn chưa được giải quyết bởi khó khăn trong vấn đề củng cố hồ sơ.

Đại diện 56 người dân gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Dương và bà Mười gửi đến văn phòng Báo Pháp luật Việt Nam.

Đại diện 56 người dân gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Dương và bà Mười gửi đến văn phòng Báo Pháp luật Việt Nam.

Khó khăn trong việc xử lý hình sự

Trong thời gian qua, cũng có nhiều trường hợp gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an về việc họ bị chủ hụi giật số tiền từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc này, công an không thụ lý điều tra vì cho rằng, đây là vụ việc dân sự, rất khó để xử lý hình sự về tội chiếm đoạt tài sản theo yêu cầu của người tố cáo.

Đối với các vụ vỡ hụi lớn, chủ hụi không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự (BLHS), trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là “bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền”. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với chủ hụi thường không rõ, do chủ hụi và hụi viên đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, khi xảy ra vỡ hụi không có giấy tờ, biên lai chứng minh việc chủ hụi chiếm đoạt tiền của hụi viên. Trong khi đó, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không có ý định bỏ trốn. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự, mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.

Theo điều 31 Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi), giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia. Tranh chấp đó được giải quyết tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng dân sự. Như vậy, theo quy định trên, nếu chủ hụi không chịu trả tiền, các bên có thể thương lượng, hòa giải với nhau, nếu không được có thể khởi kiện ra tòa.

Cẩn trọng khi chơi hụi

Mặc dù loại hình chơi hụi đã mang đến rất nhiều hệ lụy cho xã hội, nhưng nhiều người vẫn thờ ơ trước hậu quả của nó. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết và đánh vào lòng tham của người dân với mức lãi suất cao, chỉ trong thời gian ngắn bằng nhiều chiêu trò, các chủ hụi đã huy động được hàng tỷ đồng. Những chủ hụi lừa đảo với chiêu thức chung là tỏ ra uy tín và chung chi sòng phẳng thời gian đầu nhằm lấy lòng tin của những người góp hụi. Sau khi tạo được lượng khá đông đảo người tham gia, với số tiền đóng góp ngày càng lớn thì người chủ hụi bắt đầu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thiết nghĩ, để tránh gặp phải những "cái kết đắng" trong khi chơi hụi, người chơi cần hiểu rõ quy định của pháp luật. Việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết. Đặc biệt cần chú trọng các vấn đề về lập sổ theo dõi ghi đầy đủ thông tin cá nhân của chủ hụi và hụi viên tham gia trong từng dây hụi, hụi viên tham gia góp hụi phải giữ sổ hụi và phải biết mặt nhau, đồng thời phải thực hiện việc khui hụi đầy đủ.

Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp hay là vỡ hụi.

Đọc thêm