Hạnh phúc nở hoa trên đá
Trên công trường đường Hạnh Phúc ngày ấy, những cô gái, những chàng trai của 16 dân tộc đồng sức đồng lòng phá đá mở đường. Ngày ngày ra công trường họ phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm nhưng không khí trên công trường lớn này chưa phút giây nào thiếu đi những hạnh phúc nhỏ, những hạnh phúc của tuổi đôi mươi. Nhiều tình yêu đẹp đã đơm hoa, kết trái, nảy mầm trên công trường đường Hạnh Phúc.
Ông Phạm Quang Bút, Phó Ban liên lạc cựu TNXP huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết, đã có hàng chục đôi nên vợ, thành chồng: Tô Văn Đóng (Lạng Sơn) và Bùi Thị Liên (Cao Bằng); Hoàng Trùng Dương và Lương Thị Hử (Cao Bằng); La Văn Chiếu với Nguyễn Thị Tu (Bắc Kạn), đôi này hiện có nhiều hiện vật lịch sử được trưng bày tại Bảo tàng Hà Giang; Nguyễn Xuân Lượng và Ngô Thị Trà (Thái Nguyên)... Thậm chí, có cả một đôi vợ chồng cưới nhau ở quê rồi đưa nhau lên công trường như cặp Lê Đình Thụy, Nguyễn Thị Lan.
Đám cưới trên công trường là một ký ức thật đặc biệt đối với mỗi cựu TNXP. Được biết suốt dọc công trường ngày ấy, có đến 5 đám cưới của đội ngũ TNXP; trong đó, đám cưới được mọi người nhớ đến nhiều nhất là của vợ chồng Nguyễn Văn Đình (Thái Bình) - Nguyễn Thị Lan (Lạng Sơn) được tổ chức chính tại Dinh thự Sà Phìn (Đồng Văn), nơi mà hiện nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng với tên gọi Nhà Vương.
|
Bà Nông Thị Sóc nhớ lại ngày làm TNXP đi mở đường Hạnh Phúc. |
Nhiều đôi sau khi hoàn thành sứ mệnh ở con đường huyền thoại đã đi lập nghiệp ở nhiều nơi. Cũng có nhiều cặp là người các tỉnh hiện vẫn gắn bó ở ngay bên con đường Hạnh Phúc - ông Bút là một người như vậy. Ông kể, sau khi hoàn thành đường Hạnh Phúc, với chính sách ưu tiên chọn ngành nghề mà Trung ương dành cho TNXP làm đường, ông đã chọn ở lại công tác tại Ty Giao thông Hà Giang và định cư luôn ở mảnh đất này.
Con đường nối những niềm vui
Trong câu chuyện những người phương xa cùng chung lý do chọn Hà Giang làm quê hương thứ hai, ông Bút nhắc tới bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1943, quê Thái Bình). Theo lời bà kể, chồng bà là giáo viên, đi dạy học ở Hà Giang từ năm 1960. Đến năm 1962, hay tin Trung ương vận động thêm TNXP mở đường trên cao nguyên đá Đồng Văn, bà liền xung phong đi luôn.
Bà Mai cười bảo: “Thương chồng đi dạy ở Sà Phìn, phải đi bộ tới các xã nên tôi muốn lên đây góp công cho đường nhanh hoàn thành và hơn cả là được gần chồng”. Đường Hạnh Phúc hoàn thành, vợ chồng bà định cư luôn ở miền cao nguyên đá này. Chồng bà dạy học, còn bà làm y tá. “Cuộc đời tôi 2 lần được làm y tá chiến trường, một lần là cuộc chiến trên công trường đá, một là cuộc chiến tranh Biên giới trong thời gian 1978-1984”.
Ngược lên Mèo Vạc, sau nhiều giờ tìm kiếm, chúng tôi may mắn gặp được bà Nông Thị Sóc (sinh năm 1943, quê Hà Quảng, Cao Bằng). Bà kể, nếu không có công trường đá năm ấy, chắc bà đã đau khổ cùng quẫn không biết đi đâu để thoát khỏi cuộc ép duyên khi mới tròn 15 tuổi. “Năm 1958, tôi trốn nhà xin đi dân công sân bay Cao Bằng khi mới 15 tuổi. Đến năm 1959, lúc tỉnh vận động đi làm đường Thanh niên Việt Bắc bên Hà Giang, tôi đăng ký xin đi mà cán bộ không cho vì chê tôi nhỏ người lại ít tuổi, sức đâu mà làm. Thế nhưng cả tháng tôi nằng nặc xin đi, không cho tôi đi tôi ăn vạ ở cơ quan, vậy là đến cuối năm họ mới cho tôi đi đấy”, bà cười cho biết.
Với bà Sóc, đường Hạnh Phúc như khai sinh người con gái “tuổi trăng tròn” ấy thêm một lần. Sau này, con đường hoàn thành, cũng chính trên đoạn đường Hạnh Phúc này, bà đã gặp chàng công an trẻ của huyện Mèo Vạc. Thư qua lại nhiều lần, rồi hạnh phúc nhỏ của bà cũng nở hoa.
|
Nghĩa trang liệt sỹ mở đường Hạnh Phúc tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh. |
Trong những người chúng tôi tìm gặp, trong sự hào hứng như sự trở về của tuổi đôi mươi, các cựu TNXP không quên nhắc lại đồng đội – những người đầy dũng cảm. Họ kể ông Phẩm anh dũng ra sao khi lao mình ra cứu hai cha con người Mông. Họ kể ông Vũ Cao Vân cùng ông Phích (ở C Thái Nguyên) đi gỡ đá to ở lưng đèo, rồi khi cả 50 thước đất đá xô xuống, chỉ có ông Phích may mắn bám được cành cây nghiến nên thoát, còn ông Vân bị vùi mình dưới cả trăm khối đá.
Sau 10 năm, mộ phần của các liệt sỹ hy sinh trải dài 184km ở nhiều khúc công trường đá năm nào đã được tập kết về Nghĩa trang ở huyện Yên Minh. Bây giờ, một nghĩa trang mới được xây dựng trên một gò đất cao ngay sát trung tâm thị trấn. Ông Bút, bà Mai… những người cựu TNXP ở thị trấn Yên Minh vẫn ngày ngày, tháng tháng hương khói cho những đồng đội gửi lại thân mình cho con đường này
Đi dọc con đường huyền thoại này, ngắm những vạt hoa nở bên đường, ngắm những cụm cây lá xanh mướt, hoa màu vàng tươi vẫn nở rộ bên những mỏm đá đen lởm chởm mới cảm nhận được sức sống mãnh liệt của cây cỏ, con người nơi đây. Những phiến đá tuổi đời hàng vài chục triệu năm án ngữ, vừa kỳ vĩ, vừa hiên ngang, tạo cảnh quan đẹp nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy khó khăn cho việc canh tác, trồng rau của đồng bào dân tộc. Nhưng họ vẫn hiên ngang bám đất, kiên cường tìm mọi cách, mọi công việc để nuôi lớn những đứa trẻ và đón nhận tấm lòng của đồng bào cả nước hướng về cực Bắc Hà Giang, địa đầu Tổ quốc với tất cả sự trân trọng và tri ân.../.