Hành trình 20 năm truy tìm dấu vết người xưa của Hội KHLS Đồng Tháp

(PLVN) - Với cái tâm nặng lòng với lịch sử địa phương, những thành viên của Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Đồng Tháp đã tự giao cho mình sứ mệnh “theo dấu người xưa”, tìm tòi và lần theo các manh mối để làm sáng tỏ sự thật về các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử bị bụi thời gian che lấp.

Trả nợ lịch sử, trả nợ tiền nhân

Với những nhà nghiên cứu lịch sử, họ luôn cho rằng những người thế hệ hôm nay hay nói ở một phạm vi hẹp là bản thân họ cảm thấy luôn mang một món nợ với tiền nhân, món nợ với lịch sử. Những bậc tiền nhân có công khai phá, xây dựng, gìn giữ và phát triển địa phương, phát huy thế mạnh dân tộc dần bị lãng quên.

Nhiều bậc danh tướng làm nên những trận đánh kiêu hùng, những vị quan chức các triều đại có công mở mang đất nước phần nhiều đều bị vùi trong quá khứ. Những con người nặng lòng với lịch sử không chấp nhận để mọi thứ đi vào quên lãng mà họ tự tìm tòi, lần theo các manh mối dù là nhỏ nhất để mong có cơ duyên làm sáng tỏ một phần lịch sử dân tộc, để hậu nhân hiểu rõ hơn về các bậc tiền nhân có công khai phá, phát triển vùng đất này. Với họ, đó là cách để trả nợ lịch sử, trả nợ tiền nhân.

Hội KHLS Đồng Tháp tìm tư liệu về tướng quân Đoàn Văn Sách ở Huế
 Hội KHLS Đồng Tháp tìm tư liệu về tướng quân Đoàn Văn Sách ở Huế

20 năm qua, Hội KHLS Đồng Tháp đã miệt mài tìm kiếm, cập nhật và bổ sung tiểu sử nhiều nhân vật lịch sử ở địa phương, qua đó đề xuất các hình thức tri ân, tôn vinh phù hợp. Hội đã thu thập được nhiều tài liệu quý trong đó có khối Châu bản triều Nguyễn, Địa bạ các tỉnh An Giang, Định Tường, Vĩnh Long thời Minh Mạng, tài liệu của Pháp về Nguyễn Ái Quốc lúc hoạt động ở Paris…

Ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp cho biết, trong hành trình tìm dấu vết tiền nhân, Hội đã phát hiện nhiều văn vản xưa, những ngôi mộ cổ mà bia mộ còn đọc được, những bài vị, thần chủ đặt trong đền thờ, đình miếu trong địa phận tỉnh Đồng Tháp đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, sự kiện lịch sử.

Các tờ sắc, tài liệu Hán – Nôm của Quận công Trần Văn Năng, Nhơn Hòa Hầu Nguyễn Văn Nhơn, Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên, Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư, Mai Tài Hầu Nguyễn Văn Mai, Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn, Anh Dũng tướng Đoàn Văn Sách, Chánh lãnh binh Nguyễn Hương, Chánh Lãnh binh Võ Hiệp… giúp kể lại nhiều câu chuyện về thời thế, sự nghiệp của từng vị và rộng hơn là bối cảnh xã hội của Nam Kỳ thời đó.

Khảo sát tài liệu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III - Hà Nội
 Khảo sát tài liệu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III - Hà Nội

Trong các đình miễu, đền thờ, nhà thờ gia tộc còn lưu giữ nhiều tài liệu quý hiếm, có văn bản được giữ kỹ lưỡng, đúng cách nên còn khá nguyên vẹn nhưng nhiều tờ sắc, tài liệu đã bị hư hỏng nặng do thiên tai, địch họa.

“Mỗi khi biết được đình thần nào, gia đình nào còn giữ được các bằng sắc, giấy tờ xưa là chúng tôi xin phép được kiểm đến, thống kê, chụp ảnh, số hóa, giúp biên dịch nội dung. Đồng thời, huy động chuyên gia thẩm định giá trị và nhờ Trung tâm lưu trữ quốc gia I hướng dẫn cách bảo quản, làm phiên bản, khôi phục những văn bản bị hư hỏng”, ông Trung nói.

“Theo dấu người xưa” nhắc nhớ người nay!

Ông Trung kể, gần 15 năm trước lúc ông làm Trưởng ban Tuyên giao tỉnh ủy Đồng Tháp, trong buổi làm việc với Lãnh đạo Hội Sử học Đồng Tháp để chuẩn bị Hội thảo về tiến hành khai phá của lưu dân Việt trên đất Đồng Tháp, Chú Mười Long (ông Nguyễn Đắc Hiền – Nguyên Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy), lúc này là Chủ tịch Hội tâm sự: “Nói thiệt với Minh Trung! Chú rất ham muốn được làm rõ: hồi xưa ông bà mình vô Nam như thế nào, những ai tới đầu tiên, tới chỗ nào trước, chuyện khẩn hoang, chuyện làm ăn buôn bán ra sao.

Tuy nhiên nhận định đây là chuyện rất khó nên kết thúc câu chuyện bằng một tiếng thở dài. “Ý tưởng về cuộc hội thảo rốt cuộc không thực hiện được nhưng nỗi trăn trở cùng cái thở dài của chú Mười đã theo tôi đến tận ngày nay”, ông Trung chia sẻ.

Từ buổi ban sơ ai là người huy động lưu dân khai khẩn, lập làng, dựng đình, cất chùa, mở chợ, vị quản thủ nào đã dày công mở mang vùng đất mới, võ tướng nào từng dọc ngang chinh chiến để bảo toàn cương thổ cho muôn đời sau. Những câu hỏi đó luôn là nỗi trăn trở của nhiều người nhưng để làm sáng tỏ công lao của tiền nhân, tái hiện chân thực các sự kiện lịch sử từ hàng trăm năm trước quả là một hành trình gian nan.

Tìm hiểu về những người trăm năm trước không chỉ đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức nền về lịch sử, văn hóa địa phương, khả năng tìm kiếm, hệ thống hóa tư liệu, phân tích, suy luận lịch sử, tính kiên trì mà còn phải am hiểu chữ Hán – Nôm, chữ Pháp cùng với điển lệ của triều đình và hệ thống hành chánh, quân sự của Pháp thời còn cai trị nước ta… Trong nhiều trường hợp còn phải đủ “cơ duyên”. Nhiều lúc tưởng chừng như lâm vào bế tắc nhưng lại có lối thoát, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới.

Hội KHLS Đồng Tháp vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng III
 Hội KHLS Đồng Tháp vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng III

Niềm vui của những người nghiên cứu là làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử còn nhiều ẩn khuất, phản bác lại những luận điệu xuyên tác của kẻ thù. Đơn cử, những tư liệu Hội KHLS Đồng Tháp thu thập được đã bác bỏ những nhận xét tiêu cực của mật thám Pháp về tư cách của Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đường đi nước bước của cụ trên đất Nam Kỳ trước khi về Cao Lãnh lần thứ hai (1927) đã được vẽ lại, những người yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau mà cụ từng kết thân thể hiện rõ dần lên. Từ đó, đưa ra những nhận định về mục đích vào Nam của cụ và việc cụ về Cao Lãnh những năm cuối đời.

Lịch sử không phải chỉ viết một lần là xong. Vẫn còn đó những khoảng trống chưa thể lấp đầy, những nghi vấn cần tiếp tục tìm lời giải đáp, nhận định về một con người, một sự kiện cụ thể buộc phải thay đổi khi tìm được những chứng cứ xác thực mới. Quá trình truy tìm tiểu sử nhân vật  này lại phát hiện thêm nhân vật khác. Món nợ lịch sử càng chồng chất, hành trình ngày một dài ra, nhiều điều thú vị còn ở phía trước.

Hậu thế tri ân các vị, chính là thể hiện lòng biết ơn đối với những nông dân, nghĩa binh, nữ sũng đã mở mang và gìn giữ mảnh đất này. “Nhiều di sản Hán Nôm quý báu của tiền nhân chắc chắn sẽ mất mát, hư hỏng theo thời gian, làm thế nào để sớm tìm ra các di sản còn lẫn khuất đâu đó trong dân gian”. Đó là những điều trăn trở và sứ mệnh những người nghiên cứu lịch sử đã và đang làm.

Trong 20 năm qua, Hội KHLS Đồng Tháp đã biên soạn, biên tập, thẩm định 25 đầu sách, trong đó có những công trình dày dặn, có giá trị như “Địa chí Đồng Tháp”, “Tự điển địa danh Đồng Tháp”, “Đồng Tháp đất và người” (đã phát hành 6 tập). Đặc biệt, ấn phẩm “Đồng Tháp xưa và nay” đã phát hành 68 kỳ, bình quân 2.500 bản/kỳ với sự cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học trong cả nước.

Song song đó, Hội cũng tổ chức thành công nhiều Hội thảo quan trọng về các nhân vật lịch sử có đóng góp cho lịch sử địa phương nói riêng, lịch sử Nam Bộ nói chung: Hội thảo về “Hùng Dõng Tướng Nguyễn Công Nhàn”, Hội thảo về “Huấn học Nguyễn Trọng Trì”. Sắp tới, Hội sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo về “Công nữ Ngọc Vạn với công cuộc mở cõi phương Nam” nhân kỷ niệm 400 năm cuộc hôn nhân của Công nữ và Quốc vương Chey Chetta II.

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, tập thể Hội KHLS Đồng Tháp và cá nhân ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng III.

Đọc thêm