Tín dụng chính sách hóa gió cát cũng ngọt ngào
Về Ninh Thuận giữa cái nắng bỏng rát cuối tháng 5, chúng tôi càng thấm sự gian khó của những người dân miền quê thiếu mưa, thừa cát gió, nhọc nhằn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Thiên, địa chẳng thuận hòa, tích lũy dân cư thấp. Dù định hướng phát triển kinh tế đã được địa phương đưa ra song điều đó chỉ có thể hiện thực hóa khi người dân giải được bài toán vốn.
Đây cùng là tâm nguyện của tập thể cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận. Giám đốc Hoàng Liên Sơn cho biết: “Phương châm hoạt động của chúng tôi là không để người nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay không được tiếp cận vốn”. Từ đó, dòng vốn tín dụng đã đáp ứng tại 100% làng xã, thắp lên những nhiệt huyết lao động đổi đời.
Gia đình bà Lê Thị Đức (thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) trước đây một tấc đất cắm dùi chẳng có, thu nhập chủ yếu trông chờ vào làm mướn, nên nghèo khổ đeo bám 2 vợ chồng bà quá nửa đời người. Đến năm 2013, số tiền 10 triệu đồng vay từ NHCSXH về mua một cặp bò đã trở thành bước đổi đời với bà. “Nhờ NHCSXH mới có nguồn vốn vay để nuôi dê, mỗi năm xuất 2 lứa, mỗi lứa 15 con, trừ giống còn lời 50 triệu đồng, bê con mỗi năm cũng bán được 2 con được thêm hơn 20 triệu”, bà Đức phấn khởi cho biết.
Ở cấp độ cao hơn, vốn tín dụng chính sách đang được Ninh Thuận định hướng trở thành đòn bẩy thúc đẩy thế mạnh kinh tế địa phương. Bà Phú Thị Tráng (dân tộc Chăm, ở khu phố 12 thị trấn Phước Dân) vốn là người nghèo được vay vốn ưu đãi để làm gốm Bàu Trúc truyền thống, giờ thoát nghèo và tiếp tục tham gia làm Tổ trưởng Tiết kiệm và Vay vốn để động viên bà con. Con gái lớn của bà là Trượng Tha Mai Trang Thảo đã hoàn thành ước mơ đi học, hiện đang là Phó Bí thư Đoàn thị trấn, tiếp tục đồng hành cùng NHCSXH đưa vốn chính sách về với bà con.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Ninh Thuận thực hiện 15 chương trình tín dụng có tổng dư nợ 2.200 tỷ đồng, với 96,8 nghìn hộ đang có dư nợ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Bình cho biết: “Ninh Thuận có điều kiện khó khăn về khí hậu, tuy nhiên nợ quá hạn không cao. Điều này nói lên hiệu quả của đồng vốn vay ưu đãi là rất tốt”.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ninh Thuận chỉ là một trong 63 bức tranh giảm nghèo của cả nước được bồi đắp qua tháng năm bởi nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ cũng như sự kiên trì bền bỉ của từng cán bộ, người lao động NHCSXH trong suốt hành trình gần 20 năm qua.
Việt Nam đã vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình thế giới khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm, chênh lệch mức sống có xu hướng ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, NHCSXH đã tham mưu cho Chính phủ mở rộng từ 3 lên 20 chương trình tín dụng, nhiều lần nâng mức cho vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân và ứng biến với những rủi ro.
Đặc biệt, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH (2011 - 2020), sự ra đời của 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá bù lấp vào những khoảng trống chính sách, giảm nguy cơ tái nghèo ở những vùng lõi nghèo như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, cùng với kiến thức canh tác nuôi trồng của người dân còn hạn hẹp.
Các chương trình tín dụng tạo dựng ngày càng thâm nhập sâu rộng không chỉ giúp người nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội nâng cao chất lượng sống, mà còn giảm thiểu rủi ro như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi,...
NHCSXH cũng đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo định hướng lớn, lâu dài. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng với việc lồng ghép vai trò chính quyền địa phương trên cả phương diện người cung ứng vốn, hỗ trợ người dân tạo dựng sinh kế và giám sát hiệu quả nguồn vốn vay.
Việc kết nối cả hệ thống chính trị - xã hội với công cuộc giảm nghèo bền vững thể hiện rõ nét qua việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kết quả là nguồn vốn ủy thác địa phương trong 5 năm đã tăng thêm 14.620 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 18.466 tỷ đồng. Riêng năm 2019 tăng 3.634 tỷ đồng, gần bằng cả giai đoạn trước khi có Chỉ thị số 40/CT-TW.
Đến nay, đích đến Chiến lược phát triển 10 năm của NHCSXH đã trong tầm tay với cả các chỉ tiêu định lượng và định tính đã góp phần giúp tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2019 ước khoảng 5,7%, giảm 4,11% so với năm 2016. Đồng thời góp phần chung tay cùng cả nước xây dựng 4.806 xã (đạt 53,92%) và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 3,92% so với mục tiêu giai đoạn 2010 - 2020.
Lãnh đạo NHCSXH cho biết, NHCSXH đã xây dựng, phát triển và thực hiện thành công các dự án hiện đại hóa tin học thống nhất trong toàn hệ thống nhằm hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới theo Chiến lược phát triển NHCSXH từng giai đoạn. Cùng với trên 215.000 tỷ đồng nguồn vốn đang hiện hữu cho 6,5 triệu hộ vay, chúng ta tin tưởng những thành quả hỗ trợ giảm nghèo trong năm 2020 của NHCSXH sẽ còn sáng rõ hơn.