Bước vào những ngày đầu tháng 10, dải đất miền Trung lúc đón ánh nắng gay gắt, lúc nhận những trận mưa nặng hạt phủ trắng trời. Dưới điều kiện khắc nghiệt ấy, dòng người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam suốt mấy ngày qua vẫn liên tiếp nối đuôi nhau vượt qua hàng trăm cây số để trở về quê hương do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Dọc dài hàng chục cây số hòa vào dòng người hồi hương, chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh khiến lòng mình phải xót xa hay những câu chuyện về quê "cực chẳng đã".
Đã 3 ngày kể từ lúc vợ chồng anh Nguyễn Tùng Cương và chị Trần Thị Huệ (trú tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) gom góp đồ đạc cùng đứa con nhỏ 5 tuổi "làm liều" chạy từ Đồng Nai về Hà Tĩnh bằng xe máy với vỏn vẹn chưa đến 400.000 đồng trong túi.
Chia sẻ với chúng tôi, vợ chồng anh Cương cho biết, những ngày ở quê làm nông, anh chị nghĩ rằng sẽ có một cuộc sống no đủ hơn khi vào miền Nam làm công nhân nên anh chị quyết định gửi 2 con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc rồi dắt díu cùng đứa con út chưa tròn 5 tuổi vào Nam.
Những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn chưa kịp thành hiện thực thì dịch bệnh COVID-19 kéo đến khiến cuộc sống của vợ chồng anh chị vốn không dư dả nay lại càng khó khăn. Ở nơi đất khách, không có thu nhập nên suốt nhiều tháng qua, gia đình anh Cương chị Huế đành sống dựa vào chút tiền tích góp được và sự hỗ trợ của chính quyền, mạnh thường quân.
Vợ chồng anh Cương cùng đứa con trai 5 tuổi trên chuyến hành trình tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. |
"Trước cảnh sống tạm bợ "ăn nay lo mai, vợ chồng anh Cương chị Huệ quyết định gom góp từ trang để hồi hương. Trên chặng đường kéo dài hàng trăm cây số từ Đồng Nai về Hà Tĩnh, đứa con mới 5 tuổi của vợ chồng anh run cầm cập vì ướt mưa chui vào lòng mẹ nũng nịu.
“Nếu dịch dã không hoành hành, chặng đường về quê của chúng tôi và cháu chắc có lẽ sẽ được yên giấc trên xe khách không ngại gió mưa. Nhưng giờ đã 3 ngày 3 đêm cháu cùng bố mẹ ngồi trên yên xe, thời tiết lúc nắng lúc mưa, nhiều lúc cháu cứ hỏi bao giờ mới về tới nhà hả mẹ khiến vợ chồng tôi không khỏi xót xa vì thương con”, chị Trần Thị Huệ cay khóe mắt nói.
Suốt những ngày qua, anh Cương cũng luôn phải căng mắt, cầm chắc tay lái chở vợ con vượt hàng trăm cây số. “Chạy xe đường dài mà thời tiết lúc nắng, lúc mưa đi rất nguy hiểm, ngồi trên xe mà người mỏi gần như tê dại, thương nhất là con nhỏ sợ dầm mưa lại bị cảm cúm dọc đường.
Cũng may, trên đường đi gia đình gặp được các chốt trực và nhà hảo tâm hỗ trợ, khi ổ bánh mỳ, khi cái bánh bao hộp sữa, lúc thì có cháo nóng để ăn nên cũng thấy ấm lòng. Dọc đường lúc nào thấy mệt quá thì vợ chồng tìm chỗ an toàn dừng lại, đêm đến lựa chỗ nhà hoang, bãi đất trống ngả lưng rồi lại tiếp tục chạy về”, vợ chồng anh Cương chị Huệ nói.
Những đứa trẻ cùng bố mẹ trên chiếc xe máy cùng tư trang cồng kềnh trở về quê. |
Trên chuyến đi hồi hương bất đắc dĩ ấy, vợ chồng anh Cương gặp không ít bạn đồng hành. Cũng vì miếng cơm manh áo mưu sinh, gia đình anh Nguyễn Trọng Thuận phải đưa con nhỏ vào miền Nam để giờ đây phải trở về quê hương với hành trình đầy khó nhọc.
Chở nặng trên chiếc xe máy không chỉ có anh cùng vợ con và đồ đạc lỉnh kỉnh mà còn trĩu nặng tâm tư về cuộc sống tương lai. Về quê, có sự đùm bọc hỗ trợ của người thân, bạn bè nhưng nếu dịch dã cứ kéo dài thì bản thân gia đình anh sẽ gắng gượng được đến đâu...
“Những ngày chạy xe máy từ Đồng Nai về vất vả vô cùng. Về tới nhà mình vui chứ, nhưng rồi không biết về quê có việc gì làm để cùng vợ nuôi con nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ già hay không. Dịch dã mà cứ kéo dài nữa thì gia đình có hoàn cảnh như mình thực sự không biết phải làm sao”, anh Thuận lo lắng nói.
Đoàn người nối đuôi nhau hồi hương qua địa phận tỉnh Quảng Bình dưới cơn mưa nặng hạt. |
Những ngày qua, không chỉ gia đình anh Cương hay anh Thuận mà còn hàng nghìn gia đình khác đang làm việc tại các tỉnh phía Nam cũng đã quyết định hồi hương. Trong dòng người cùng nhau vượt nắng mưa để về quê khi miền Nam đang "bị ốm" vẫn còn nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả hơn nên chỉ hi vọng, chuyến hồi hương của những phận người tần tảo mưu sinh nơi đất khách lúc này sẽ "đến đích" an toàn.