Tháng 2/2020, Đỗ Hà Cừ (SN 1984, TP Thái Bình) là một trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 được trao tại Cao Bằng.
Đồng hành cùng anh là bà Nguyễn Thị Kim Sơn (SN 1953) - người mẹ được anh ví ‘là đôi chân, đôi tay và một phần bộ não của tôi’.
Hành trình hơn 35 năm làm 'đôi tay, đôi chân' của con
Khi mới chào đời, Đỗ Hà Cừ bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng hơn 4 tháng tuổi, bà Sơn phát hiện con trai có biểu hiện bất thường khi con không thể nhấc đầu, chân tay yếu.
‘Đi khám, người ta bảo con bị chậm phát triển nên tôi đưa con đi khắp các nơi với hi vọng để chữa bệnh’, bà Sơn kể.
Đỗ Hà Cừ - ‘thủ lĩnh’ của phong trào tình nguyện. |
Nhưng mọi hi vọng dập tắt khi bác sĩ kết luận Cừ bị di chứng chất độc da cam từ bố - một người lính trở về từ chiến trường Quảng Trị.
‘Chúng tôi sốc và buồn nhưng vẫn phải chấp nhận. Con bị như vậy mình càng thương con hơn’, bà nói.
Đỗ Hà Cừ chỉ có thể nằm một chỗ, chân tay anh co quắp không thể cử động. Mọi việc ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh… anh đều phải nhờ đến đôi tay mẹ.
Con không thể đến trường, bà Hà vừa là mẹ vừa là cô giáo của anh. Hàng ngày, trước khi đi làm, bà lại viết chữ trên tấm bảng con. Cậu bé Đỗ Hà Cừ ở nhà tập đọc. Khi mẹ đi làm về, có gì không hiểu anh lại nhờ mẹ giảng dạy.
Là người yêu thích và thuộc nhiều thơ lục bát, những lúc có thời gian rảnh bà đều dạy con đọc thơ, nâng cao vốn từ ngữ.
Ngày bé, con hay ốm là khoảng thời gian vất vả nhất của người phụ nữ Thái Bình. ‘Tôi nhớ nhất năm con 13 tuổi thường xuyên bị co giật. Cơ thể và cổ họng Cừ co cứng, không thể ăn uống được, chúng tôi phải mời bác sĩ đến nhà để chữa trị.
Tôi xin nghỉ 7 tháng không lương để chăm sóc con. Vợ nhiều đêm thức trắng, chồng thì làm ngày làm đêm để lo kinh tế cho cả gia đình’, bà nhớ lại.
‘Khó khăn nhất là việc tắm cho Cừ. Ngày con bé, tôi có thể bế con vào nhà tắm nhưng nay mỗi lần tắm cho con, cả hai vợ chồng hợp sức mới có thể’.
Phía sau chiếc xe lăn của anh luôn có bóng dáng của mẹ - bà Nguyễn Thị Kim Sơn. |
Nhà tắm của gia đình cũng được thiết kế riêng để tiện việc tắm rửa cho Cừ. Trải một tấm nilon dưới sàn, 2 vợ chồng đưa con vào đặt lên nilon. Lúc này, người mẹ mới từ từ dội nước, gội đầu cho chàng trai nay đã 36 tuổi.
‘Chân tay, cơ thể con co cứng nên việc cởi và mặc quần áo rất khó khăn. Có những việc chỉ có tôi mới có thể làm cho con. Vì vậy, tôi rất ít khi xa con…’, bà nói.
Bà Sơn cũng nhớ lại về lần bà lên Hà Nội để thăm người con trai thứ 2 đang học đại học. Ở nhà, suốt một ngày, anh Cừ không thể đi vệ sinh dù có sự hỗ trợ của bố và người thân. Cuối cùng, người mẹ phải trở về để giúp đỡ anh.
Thương mẹ nên có thời gian Đỗ Hà Cừ nhịn ăn, cố gắng giảm cân để mẹ đỡ vất vả khi bế anh. Tuy nhiên thấy con gầy gò, bà Sơn lại ép anh ăn uống trở lại.
‘Người ta từng nói tôi lo việc bao đồng’
Ý tưởng thành lập thư viện miễn phí mang tên ‘Không gian đọc’ vào tháng 7/2015 của Đỗ Hà Cừ được mẹ anh rất ủng hộ.
Ban đầu, vợ chồng bà Sơn dùng tiền của gia đình để đóng tủ, mua sách… để giúp con xây dựng thư viện miễn phí. Sau này, những nhà hảo tâm đã tài trợ để giúp thư viện lớn mạnh hơn.
Hiện, thư viện của anh có hơn 4.000 đầu sách với hơn 900 độc giả. Đồng thời, anh phát triển thêm 9 tủ sách do người khuyết tật quản lý tại các tỉnh, mỗi tủ từ 700 - 2.500 cuốn sách. Trong năm 2020, anh mong muốn thành lập thêm 14 tủ sách nữa cho người khuyết tật.
Đỗ Hà Cừ bên cạnh bố mẹ tại thư viện miễn phí. |
‘Khi đồng ý cho con thành lập thư viện miễn phí, tôi nhận được nhiều lời ngăn cản. Họ nói tôi ‘đã nuôi con tàn tật còn lo chuyện bao đồng’ nhưng tôi vẫn ủng hộ con’.
Trước đây, thư viện mở cửa tất cả các ngày nhưng do lượng học sinh đến quá đông (có ngày đón hơn 40 người), Cừ và bà Sơn đã phải xây dựng lại nội quy thư viện.
Theo đó, thư viện chỉ mở cửa vào chiều thứ Bảy và Chủ nhật, vào mùa hè sẽ mở cửa tất cả các ngày.
‘Có những trưa đang ngủ, những đêm tối muộn hay chúng tôi đang bận việc cũng phải bỏ dở để mở cửa đón các bạn nhỏ bấm chuông. Tôi thường xuyên phải quét dọn nhà cửa, nấu nước… vì hàng chục người đến nhà mỗi ngày.
Tuy vất vả nhưng khi con vui, tôi cũng vui lây. Bên cạnh đó, trước những bạn nhỏ ngoan ngoãn, yêu sách, chúng tôi không nỡ chối từ’, bà Sơn nói.
Để chăm sóc con, chồng của bà Sơn phải chuyển công tác từ Hà Nội về Thái Bình để hỗ trợ vợ. Em trai của Đỗ Hà Cừ cũng xin công tác gần nhà để cùng bố mẹ đồng hành với anh trai.
‘Chồng tôi bị tiểu đường nhiều năm nay nên sức khỏe yếu, tôi cũng mắt mờ, thường xuyên đau chân nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng để chăm sóc con trai. Chúng tôi chỉ mong có sức khỏe để có thể giúp đỡ con trong các hoạt động vì cộng đồng’, bà Sơn nói.
Năm 2018, Đỗ Hà Cừ là một trong 20 thủ lĩnh có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Năm 2019, anh nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trao tặng cho ‘Không gian đọc hi vọng’ đạt Giải thưởng văn hóa đọc 2019.
Năm 2020, Đỗ Hà Cừ là một trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019. Phía sau tất cả những thành tích của mình, Đỗ Hà Cừ nói: ‘Không có mẹ, tôi sẽ không thể làm được gì’.