Hậu Covid – Cuộc cách mạng về các giá trị

(PLVN) - Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, năm 2022 có thể là năm kết thúc của đại dịch, Covid-19 sẽ không còn "thống trị" cuộc sống của con người.
Hậu Covid – Cuộc cách mạng về các giá trị

Đại dịch Covid-19: Những điều chưa từng có tiền lệ

Đại dịch Covid-19 đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối tất cả các khía cạnh của đời sống trên toàn thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, cụm từ "đại dịch" được hai nhà xuất bản từ điển hàng đầu nước Mỹ chọn là từ khóa của năm 2020.

Lần đầu tiên thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân rơi vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" trước thềm Tết Nguyên Đán, "Giáng sinh phong tỏa" cũng là chuyện chưa từng có tiền lệ của Châu Âu, bởi ngay cả trong hai cuộc chiến tranh thế giới, đêm Noel vẫn có lệnh ngừng bắn.

Lần đầu tiên, thế giới phải trải qua nhiều đêm u tịch với những tiếng còi cấp cứu trên từng con phố, những lớp học trực tuyến, những ngày đi chợ, đi shopping trên điện thoại thông minh, những cuộc đoàn tụ không trao nhau cái nắm tay và ôm hôn, những thỏa thuận được ký qua màn hình,....v.v...

Hậu Covid – Cuộc cách mạng về các giá trị

Virus Corona khiến cho cuộc sống của con người bị đảo lộn. Nhưng cái gì cũng đều có hai mặt của nó, bên cạnh những rủi ro mà nó đem lại, virus corona cũng định hình lại các cấu trúc mang tính chi phối của nền văn minh toàn cầu.

1. Cộng đồng nhân ái

Việc thất nghiệp và sa thải hàng loạt khiến cho nhà nước phải can thiệp để bảo vệ người dân và doanh nghiệp ở mức kỉ lục. Đan Mạch trả khoảng 75% tiền lương cho nhân viên trong các công ty tư nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giúp cho nhân viên và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. California đã cho thuê các khách sạn để làm nơi ở cho người vô gia cư, tiểu bang New York cũng thả các tù nhân mắc tội nhẹ ra khỏi nhà tù của bang,…v.v…

Đối diện với thảm họa, các nhóm hỗ trợ được hình thành trong cộng đồng ở khắp mọi nơi để cùng nhau san sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Không chỉ vậy, các cửa hàng, quán ăn vốn đang buộc phải đóng cửa thì bây giờ lại phát những suất ăn miễn phí cho những người vô gia cư, những gia đình gặp khủng hoảng vì Covid.

Có thể nói, Covid – 19 đang đưa mọi người lại gần nhau hơn trong tình đoàn kết nhiều hơn bao giờ hết.

2. Phục hồi hệ sinh thái

Trước kia, việc theo đuổi lợi nhuận không ngừng và đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu đã đẩy nền văn minh nhân loại vào một quỹ đạo kinh hoàng. Khủng hoảng khí hậu không thể kiểm soát được cho là mối nguy hiểm nhất.

Giờ đây, đại dịch hoành hành đã làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và sụp đổ sinh thái hơn gấp nhiều lần so với các sáng kiến trước đó gộp lại.

Giao thông vận tải chiếm 23% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng nhờ các sân bay đóng cửa và có rất ít máy bay trên bầu trời, khí nhà kính được thải ra ít hơn, ô nhiêm không khí giảm đáng kể, tầng ozone đang hạ nhiệt và hồi phục.

Một nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã chỉ ra rằng việc giảm ô nhiễm không khí ở Trung Quốc có thể cứu sống 4.000 trẻ em dưới 5 tuổi và 73.000 người lớn trên 70 tuổi. Thậm chí, số người được cứu sống nhờ cải thiện chất lượng không khí nhiều gấp 20 lần số người tử vong do Covid- 19.

3. Gia tăng tiến trình “địa phương hóa”

Trước kia, tiến trình “toàn cầu hóa” dựa trên các quy tắc thị trường tự do cho phép các tập đoàn xuyên quốc gia đưa ra các điều kiện cho các quốc gia trong việc lựa chọn địa điểm hoạt động, dẫn dắt các quốc gia cạnh tranh với nhau để làm giảm các biện pháp bảo hộ người lao động, sự bất bình đẳng trong xã hội ngày một lớn.

Nhưng các tác động của đại dịch Covid – 19 đã làm đảo ngược tiến trình “toàn cầu hóa” thành “địa phương hóa”. Khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người ta sẽ tìm tới các nhà sản xuất địa phương trong khu vực của họ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.Những công nhân bị thất nghiệp có thể chuyển sang làm việc tại địa phương trong các công ty nhỏ hơn, phục vụ trực tiếp cho cộng đồng của họ.

COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022

Thảm họa Covid – 19 mang lại một cơ hội cho loài người mà mỗi người chúng ta đều tham gia một cách đầy ý nghĩa. Bên cạnh những đóng góp to lớn của các nhà khoa học trong việc phát triển công nghệ, y tế để đẩy lùi Covid còn là những giá trị cốt lõi của con người về sự công bằng, tinh thần lá lành đùm lá rách.

Dù các ca F0 vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí tại một số khu vực dịch COVID-19 vẫn còn rất nóng, song bức tranh chung toàn cầu đã mang màu sắc tươi tắn hơn. Thế giới loài người đã vượt qua cú sốc "đại dịch" để trong thời gian tới sẽ nhìn nhận COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Đọc thêm