Hậu Giang tăng cường bảo đảm trật tự ATGT, kéo giảm số người thương vong do tai nạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, tỉnh Hậu Giang phấn đấu giảm số người thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do TNGT đường bộ so với năm 2020 .

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.Theo đó, Hậu Giang hướng đến mục tiêu kiềm chế và kéo giảm TNGT; phấn đấu giảm số người thương vong do TNGT mỗi năm từ 5% - 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do TNGT đường bộ so với năm 2020.

Đường xá thông thoáng góp phần đảm bảo an toàn giao thông

Đường xá thông thoáng góp phần đảm bảo an toàn giao thông

Tỉnh yêu cầu các đơn vị, tập trung ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT, chống ùn tắc giao thông, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường. Bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác bảo đảm trật tự, ATGT, chống ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải; trong đó, tập trung xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thông hiện đại để tạo chuyển biến tích cực trong hành vi của người tham gia giao thông.

Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; sử dụng kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại đối với thiết bị cân, trạm kiểm tra tải trọng xe.

Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn

Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn

Ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng thông hành của phương tiện; trong đó, tập trung phát triển giao thông thông minh trong thành phố, thị xã, thị trấn, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, xử lý các vi phạm về hành lang ATGT theo thẩm quyền; đầu tư xây dựng các tuyến đường gom, hạn chế đấu nối vào các tuyến quốc lộ, cao tốc. Tổ chức, triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách, phương tiện dọc các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 04 giờ là được dừng nghỉ theo quy định.

Đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tỉnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng,...) theo quy hoạch; tăng cường công tác giám sát đầu tư và ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ đỗ xe thông minh, hiện đại. Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hợp lý hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đảm bảo công khai, minh bạch.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND tỉnh giao Ban chủ trì đánh giá, đôn đốc các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch hành động này; hàng năm chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ban, ngành tỉnh liên quan nghiên cứu, đề xuất tiếp tục hoàn thiện mô hình, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao năng lực của Ban ATGT từ tỉnh đến cơ sở cho phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân, thân nhân của nạn nhân gặp tai nạn giao thông theo đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm