Khoảng thời gian đầu mùa hè hàng năm, hầu hết các sân khấu đã rục rịch trình làng các vở diễn mới cũ cho thiếu nhi. Mùa hè cũng được coi là mùa “bội thu” của các sân khấu kịch khi đón các em nhỏ, các gia đình đi xem diễn liên tục những cuối tuần. Tuy nhiên, thời điểm này, lịch diễn của các sân khấu vẫn chưa được cập nhật.
Idecaf, “vua” làng kịch phía Nam trước đó đã có kế hoạch cho các vở diễn “Ngày xửa ngày xưa” tập 33 suốt tháng 6 và tháng 7. Đây là serie kịch thiếu nhi kinh điển đã góp phần làm nên thương hiệu của Idecaf, gắn bó với bao thế hệ thiếu nhi TP HCM. Nhưng hiện Idecaf cũng đã thông báo tạm hoãn toàn bộ lịch diễn tháng 5, các tháng sau “tùy tình hình thực tế” sẽ thông báo sau.
Tương tự, website của các sân khấu lớn nhỏ tại Sài Gòn hiện cũng không cập nhật mới về vở diễn. Rạp xiếc Công viên Gia Định với nhiều show diễn dịp hè cũng đang trong tình trạng im ắng.
Đồng thời, khi các cụm rạp đóng cửa, số lượng ít ỏi bộ phim dành cho thiếu nhi dự định công chiếu trong mùa hè này như “Spirit - chú ngựa bất kham”, “Thỏ Peter 2”… cũng không biết đi đâu về đâu.
Chị Lê Thị Kim Hà, giáo viên tiểu học, ngụ Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 chia sẻ: “Tôi mới đăng kí cho con tham gia khóa học múa hiện đại mùa hè ở nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, đồng thời đăng kí luôn hoạt động hè Tung cánh đại bàng ở Nhà văn hóa cho con. Nhưng đăng kí chưa được bao lâu thì lớp đóng cửa vì phòng chống dịch. Tôi lo nếu tình hình dịch vẫn như thế này thì không biết hè này nên cho con giải trí thế nào. Du lịch không xong, rạp hát, sân khấu kịch cũng đóng cửa. Bạn bè cũng không được tụ tập chơi. Chỉ lo các cháu ở nhà mãi cũng chồn chân, cáu bẳn, khó chịu, ảnh hưởng đến tinh thần”.
Nhiều phụ huynh khác cũng lo lắng con mình sẽ rơi vào nghiện game, nghiện điện thoại, tivi nếu mùa hè không được vui chơi, tương tác và tham gia các hoạt động sinh hoạt hè lành mạnh.
Theo các chuyên gia tâm lý, nếu các chương trình giải trí như phim chiếu rạp, sân khấu, các loại hình sinh hoạt hè ngoài trời không thể diễn ra do giãn cách thì cha mẹ cũng cần dành thời gian nhiều hơn để chơi với con, hướng dẫn cho con những hoạt động giải trí lành mạnh khác: đọc sách, các trò chơi vận động trong gia đình, cả nhà tổ chức thể dục, chạy bộ hàng ngày nâng cao sức khỏe, tránh trường hợp ở nhà lâu sinh ra ủ dột. Với những gia đình có người thân ở vùng quê có thể gửi cháu về “đổi gió”, rèn luyện sức khỏe để trẻ khỏe khoắn và năng động hơn.