Hiện tượng “hố tử thần” tại Nghệ An: Kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản để truy “thủ phạm”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác vừa có mặt tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp để kiểm tra việc khai thác quặng, cũng như hiện tượng giếng nước khô trơ đáy và “hố tử thần” liên tục xuất hiện khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung lắng nghe phản ánh của người dân xã Châu Hồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung lắng nghe phản ánh của người dân xã Châu Hồng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã. Trước tiên, sẽ kiểm tra tại Cty CP Tân Hoàng Khang và các DN có hoạt động bơm hút khai thác khoáng sản; phải hoàn thành việc kiểm tra trước ngày 31/7/2022.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, lựa chọn đơn vị kiểm định chất lượng công trình nhà ở của người dân bị ảnh hưởng do sụt lún, nứt nẻ để đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp. Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp huyện Quỳ Hợp triển khai thực hiện dự án nước sạch trên địa bàn xã.

Đối với UBND huyện Quỳ Hợp, phải bám sát địa bàn để chỉ đạo xã Châu Hồng đảm bảo an toàn và ổn định sinh hoạt của người dân, nhất là ổn định tâm lý. Trước mắt, phải tổ chức di dời ngay các hộ dân có nguy cơ cao (6 hộ). Cùng với đó, xác định phương án tái định cư cho một phần hoặc toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng. Thực tế, nếu tổ chức tái định cư cho toàn bộ 230 hộ dân bị ảnh hưởng là rất khó, do vậy chính quyền xã và huyện cần phải khảo sát, nghiên cứu và tính toán kỹ phương án.

Huyện Quỳ Hợp và các sở, ngành có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ sớm hoàn thành việc đánh giá nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ một cách chính xác và khách quan; chậm nhất ngày 31/7/2022 có kết quả.

Theo ông Trung, căn cứ để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ dựa trên 2 yếu tố: Kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành và kết quả của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ; từ đó xác định có phải DN khai thác khoáng sản là “thủ phạm” gây nên tình trạng sụt lún hay không.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý chính quyền cấp xã cần phải tuyên truyền, vận động người dân; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; thành lập các Tổ giám sát cộng đồng để kịp thời nắm bắt tình hình, không để phát sinh tình hình phức tạp và nếu có phát sinh thì phải được xử lý kịp thời. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Mới đây nhất, khoảng 5h sáng 27/5, một “hố tử thần” xuất hiện trong nhà chị Lê Thị Nga (46 tuổi, bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) sau tiếng nổ lớn trong lúc cả nhà đang ngủ khiến cả gia đình giật mình bỏ chạy thoát thân. Người dân trong làng nghe tin đã đến hỗ trợ vận chuyển đồ đạc ra ngoài, đồng thời trình báo cơ quan chức năng.

Cho rằng những hiện tượng cực đoan mới xuất hiện này là do hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn nên rất đông người dân đã kéo đến nơi khai thác khoáng sản của Cty CP Tân Hoàng Khang, thậm chí vào bên trong đường hầm. Được biết, Cty CP Tân Hoàng Khang vừa bị tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường số tiền gần 277 triệu đồng.

Được biết, xã Châu Hồng được xem là “thủ phủ” khoáng sản của khu vực. Hiện địa phương này có cả chục DN đang khai thác, bao gồm 5 DN khai thác quặng, 7 DN khai thác đá. Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, đến nay đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”, trong khi toàn xã chỉ có 900 hộ dân. Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng xảy ra hiện tượng tương tự.

Nghiêm trọng nhất là các vết nứt ở Trường THCS Châu Hồng, đe dọa sự an nguy của hàng trăm giáo viên và học sinh. Trụ sở UBND xã Châu Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng, mới nghiệm thu được 1 năm nhưng cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt chạy dọc tường, rộng gần 2cm…

Đọc thêm