Hiệp hội doanh nghiệp Tuyên Quang: “Cánh tay” đắc lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với sự quyết tâm và nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, các hội viên Hiệp hội vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với nhà nước và người lao động, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, phòng chống dịch trên địa bàn.
Ra mắt Ban Chấp Hành Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Ra mắt Ban Chấp Hành Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng không ngoại lệ.

Ra đời từ năm 2017, đến nay, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang có 417 doanh nghiệp hội viên. Hiệp hội được thành lập với mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy vững mạnh; phát triển nguồn nhân lực; phát triển Hội viên; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các Hội viên trong Hiệp hội; Xây dựng và phát triển quan hệ giữa Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức Hiệp hội có cùng mục tiêu; Tăng cường hoạt động, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, doanh nhân của Hiệp hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh Tuyên Quang.

Ngôi nhà chung

Để trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, trong năm qua hiệp hội đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận chuyên trách, văn phòng, Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội doanh nghiệp huyện, thành phố. Thường xuyên củng cố tổ chức bổ sung những người có tâm huyết, năng lực tham gia vào bộ phận thường trực Hiệp hội, để chung tay chăm lo các việc chung cho cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội còn đại diện giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với cơ quan hữu quan của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cho mọi hoạt động.

Hiệp hội cũng đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật. Các yêu cầu của UBND tỉnh và các ngành, cấp tỉnh đều được Hiệp hội cụ thể hóa để các doanh nghiệp hội viên nghiên cứu, có ý kiến tham gia và tổ chức thực hiện, kịp thời nắm bắt những nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội của doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang - cho biết: “Thời gian qua, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là mục tiêu trong thực hiện nhiệm vụ, các cấp, ngành của tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, như: hỗ trợ đối người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; tập trung cắt giảm giấy tờ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân”.

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch HHDN tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và kết nạp hội viên mới tại huyện Sơn DươngÔng Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch HHDN tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và kết nạp hội viên mới tại huyện Sơn Dương

Trong năm qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã tham dự 45 cuộc hội nghị/ làm việc ở cấp tỉnh và 27 cuộc làm việc/sơ kết công tác ở cấp huyện, từ đó tham gia ý kiến, đối ngoại giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp hội viên. Trong đó, Hiệp hội đã cùng các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh ký kết hợp tác liên kết giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, năm vừa qua hiệp hội doanh nghiệp Tuyên Quang cũng phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện chương trình “Cà phê doanh nhân” và “Công bố kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các cơ sở, ban, ngành tỉnh Tuyên Quang năm 2020”. Hiệp hội cũng tham gia “Hội nghị đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp” và “Công bố chỉ số PCI năm 2020”.

Đồng thời tiếp tục thực hiện đề án “Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban ngành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025”… Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng hoàn thành xây dựng đề án “Phát triển nguồn nhân lực trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 70% công nhân, người lao động được đào tạo nghề từ sơ cấp trở lên. Định hướng đến 2030 có trên 80% công nhân, người lao động trong các số hội viên được đào tạo nghề có trình độ từ trung cấp trở lên.

Hiệp hội cũng thường xuyên động viên, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hội viên để kịp thời kêu gọi sự tương trợ, giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thành viên gặp khó khăn, hoạn nạn. Quan tâm thăm hỏi, động viên hội viên khi gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ốm đau, việc hiếu hỉ, được các hội viên hoan nghênh, đáp ứng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các doanh nghiệp hội viên trong toàn Hiệp hội.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đoàn kết ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang ngày 02/6/2021 và các đợt phát động quyên góp ủng hộ làm nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách, ủng hộ chương trình của Hội Chữ thập đỏ, quỹ vì người nghèo, chương trình Xây dựng nông thôn mới với số tiền gần 10 tỷ đồng...

Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Với phương châm “doanh nghiệp phát tài, Tuyên Quang phát triển”, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn làm tốt chức năng cầu nối, tạo sự gắn kết để phát huy vai trò doanh nghiệp thời kỳ hội nhập, bảo đảm mỗi thành viên đóng góp được nhiều hơn vào tổng sản phẩm nội địa của tỉnh, thực hiện nghĩa vụ ngân sách cao hơn và từng bước cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó, phải kể đến Chương trình “Cà phê Doanh nhân” và nhiều hoạt động đổi mới của Hiệp hội đã góp phần nâng cao chỉ số PCI. Những đổi mới này đã khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám đấu tranh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

Hiệp hội doanh nghiệp huyện Yên Sơn chung tay phòng, chống dịch COVID-19

Hiệp hội doanh nghiệp huyện Yên Sơn chung tay phòng, chống dịch COVID-19

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đánh giá: “Từ một tỉnh ở vị trí thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng chỉ số PCI, Tuyên Quang đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự năng động của các cơ quan chức năng, đặc biệt là phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Tuyên Quang là khởi nguồn của nhiều cách làm sáng kiến trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Với sự đóng góp nỗ lực của Hiệp hội, PCI của Tuyên Quang năm 2020 đạt 63,46 điểm, xếp thứ 31 trên bảng xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đây là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh gia tăng chỉ số PCI nhờ những giải pháp đổi mới sáng tạo.

Do tác động của dịch COVID-19, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã bị ảnh lớn, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng bị cắt giảm đơn hàng, hủy đơn hàng. Trong khi đó, với các doanh nghiệp có hàng tiêu thụ trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, ngưng trệ, thậm chí dừng hoạt động, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán...

Trước những khó khăn trên, tỉnh Tuyên Quang đã bắt tay cùng các doanh nghiệp tìm phương cách tồn tại, giữ ổn định chất lượng sản phẩm để có được đơn hàng sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, tỉnh đã quyết định giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Với những biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng đi mới, ổn định sản xuất, kinh doanh tiếp tục xây dựng phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Thập cho biết: “Việc Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành các chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Tuyên Quang nói riêng. Bên cạnh những nỗ lực, tiếp tục “sống chung” với dịch để vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan chức năng của địa phương là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, trước mắt đảm bảo đời sống của người lao động”.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các định hướng, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời, xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh. Tích cực xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh có đủ năng lực, trình độ quản lý điều hành doanh nghiệp, tương thân tương ái, đoàn kết hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu mạnh.

Đọc thêm