Hiệp Phước vươn mình lên tầm cao mới

(PLVN) - Sau nhiều năm phát triển vững mạnh tại địa phương thì mới đây Hiệp Phước đã trở mình, vươn lên một tầm cao mới. Hiệp Phước đã khoác lên mình chiếc áo thị trấn, đưa vùng đất Nhơn Trạch thay đổi từng ngày.
Hiệp Phước vươn mình lên tầm cao mới

Hiệp Phước “khoác áo” thị trấn

Những ngày gần đây, trước niềm vui xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được lên thị trấn thì khắp huyện Nhơn Trạch lãnh đạo địa phương cũng như người dân đang vô cùng phấn khởi. Đi đến đâu, gặp ai, họ cũng đều hào hứng, hồ hởi chờ đợi giây phút lãnh đạo địa phương chính thức công bố nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc thành lập thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch. Sau khi thành lập thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 1 thị trấn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai, có diện tích hơn 410 km2 và dân số gần 240 nghìn người. Toàn huyện Nhơn Trạch hiện có 12 đơn vị hành chính cấp xã (trước đây không có thị trấn) và được thành lập từ ngày 23/6/1994 trên cơ sở tách ra từ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Nhơn Trạch là huyện có vị trí vô cùng quan trọng, nằm giữa trung tâm của vùng tam giác phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, được đánh giá là cánh tay nối dài về phía Đông của TP Hồ Chí Minh và có đầy đủ 4 loại hình giao thông huyết mạch vì vậy huyện Nhơn Trạch có lợi thế to lớn về phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Vì vậy những năm qua huyện Nhơn Trạch đã có sự thu hút mạnh về vốn đầu tư, có mức tăng trưởng kinh tế cao, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai cũng như toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện Nhơn Trạch đạt hơn 16%; tổng giá trị sản xuất đạt xấp xỉ gần 90.000 tỷ đồng. Toàn huyện này có 8 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp với quy mô gần 2.500 ha, là một trong các địa bàn của tỉnh Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, có cơ sở hạ tầng đường đầu tư đồng bộ và phát triển.

Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng phát triển huyện Nhơn Trạch trở thành đô thị loại II theo định hướng phát triển từ nay đến năm 2020. Trước đó UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Đề án “Thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai” với nội dung xã Hiệp Phước hiện nay được xem là khu vực sôi động nhất của huyện Nhơn Trạch. Hiệp Phước là xã có tới 4 khu công nghiệp, có tổng diện tích hơn 1.100 hécta với hàng chục ngàn lao động làm việc nên nhiều năm qua, khu vực Hiệp Phước đã khoác trên mình chiếc “áo” đô thị chứ không còn là một xã nông thôn thuần túy. 

Đến nay, xã Hiệp Phước đã được lên thị trấn, cũng là để phù hợp với sự phát triển của mình. Trước việc Hiệp Phước lên thị trấn, người dân Hiệp Phước nói riêng và người dân huyện Nhơn Trạch nói chung đều tỏ ra vui vẻ, háo hức. Bởi Hiệp Phước từ nay đã khoác lên mình sự phát triển vượt bậc, đưa Nhơn Trạch nâng lên một tầm cao mới, hiện đại, bề thế hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Vinh, người dân Hiệp Phước chia sẻ rằng trước tin vui Hiệp Phước lên thị trấn ông thật sự rất phấn khởi. Ông Vinh mong muốn Hiệp Phước sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng là vùng đất “vàng” của huyện Nhơn Trạch. “Nhơn Trạch xưa nay không có thị trấn, người dân vùng này chủ yếu làm nông nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy sản hoặc vào làm việc tại các công ty. Hiện nay Hiệp Phước lên thị trấn thì khu vực này sẽ phát triển hơn, cuộc sống người dân sẽ vì thế mà ổn định hơn, được nâng cấp mọi thứ đó là niềm vui của người dân chúng tôi”, ông Vinh nói.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Lan cũng cho biết Hiệp Phước lên thị trấn kéo theo đó sẽ là những phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn, người dân địa phương sẽ có cuộc sống ổn hơn. Trước đây muốn mua sắm những thứ xịn hơn thì phải về TP.HCM hoặc lên Biên Hòa nhưng giờ đây có khả năng tới thị trấn Hiệp Phước cũng sẽ có. Vì hiện tại Hiệp Phước đã khá sầm uất và hứa hẹn một tương lai tốt hơn, hiện đại, đủ đầy hơn.

Tâm tư của địa phương

Về vấn đề này, ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết Hiệp Phước là cửa ngõ của huyện Nhơn Trạch, có lợi thế về mọi mặt nên phát triển mạnh từ xưa đến nay. Đặc biệt Hiệp Phước lại nằm trên đường 25B nối trung tâm huyện với quốc lộ 51. Đây là khu vực phát triển mạnh, có nhiều công trình, dự án, nhiều khu công nghiệp.

Hiệp Phước hiện nay chủ yếu đã chuyển sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ - thương mại. Hiệp Phước lên thị trấn có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ và hiện đại, từ đó tạo ra nhiều việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

“Hiệp Phước lên thị trấn là niềm vui của chính quyền cũng như người dân huyện Nhơn Trạch. Đó là mong muốn nhiều năm của địa phương và giờ mọi thứ đã thành hiện thực. Thị trấn Hiệp Phước được thành lập trên cơ sở xã Hiệp Phước, phù hợp với quy hoạch của tỉnh Đồng Nai, Chính phủ. Khi lên thị trấn, 5 ấp của Hiệp Phước cũng đổi thành khu phố, tổng dân số hơn 38,6 ngàn người, diện tích tự nhiên 18,83 km2”, ông Mỹ nói.

Hiệp Phước trước đây là một ngôi làng cổ của vùng đất Nhơn Trạch; trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay ngôi làng vẫn bảo lưu được các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng trên cả hai phương diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Nhiều di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo gắn liền với quá trình mở mang, khai khẩn lập làng của các thế hệ người Việt như: đình Mỹ Khoan, đình Hiệp Phước, đình Phước Lai, miếu Chòm Dầu, miếu Cầu Ngang, miếu Bà, miếu Ông, miếu Quan Thánh Đế quân, chùa Long Hoa, chùa Quang Mỹ, chùa Phước Hưng, chùa Phước Quang. Điểm đặc biệt của các di tích này là mang dấu ấn kiến trúc truyền thống, được cộng đồng gìn giữ, trao truyền liên tục các giá trị văn hóa. Việc phân bố di tích hài hòa trong không gian làng xã, mang chủ ý của người xưa đã tạo một điểm nhấn cho không gian văn hóa của ngôi làng.

Xã Hiệp Phước bao gồm làng Hiệp Phước được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Phước Lai và xã Phước Kiểng (thuộc huyện Long Thành) theo Quyết định số 12/HĐBT ngày 17/01/1984 của Hội đồng Bộ trưởng, có diện tích là hơn 1.800 hecta, dân số 9.250 nhân khẩu. Đến năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/CP chia huyện Long Thành thành hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, do đó xã Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch. Và cho đến nay, Hiệp Phước trở thành thị trấn thuộc huyện Nhơn Trạch.

Đọc thêm