Sau một năm thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, Bến Tre đã đạt nhiều kết quả tích cực. Với 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số là y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistic, doanh nghiệp và công nghiệp, quốc phòng – an ninh đều có những bước tiến triển mới.
Về phát triển chính quyền số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre đã tổ chức khóa tập huấn chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước. Phối hợp với FPT tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến cho lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, các phòng ban chuyên môn của huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Bến Tre.
Đưa 100% thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã lên mức độ 3-4, đồng thời tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp chữ ký số vào cổng dịch vụ công tỉnh Bến Tre. Các xã, thị trấn được hỗ trợ thành lập trang thông tin điện tử đăng tải những chủ trương, quy định của nhà nước, những hoạt động lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - văn hóa – quốc phòng an ninh địa phương.
Ngoài ra, trong năm qua Bến Tre đã xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), hệ thống phản ánh hiện trường được hình thành góp phần trong việc chỉ đạo điều hành của UBND cấp huyện trên nhiều lĩnh vực có hiệu quả; phần mềm quản lý các loại cây trồng chủ lực, phần mềm quản lý các điểm du lịch nổi bật, ứng dụng công nghệ GIS quản lý đất đai góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và đất đai.
Phát triển thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số hiện nay (Ảnh minh họa) |
Về kinh tế số, Bến Tre đã tổ chức các lớp tập huấn cho 117 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên kiến thức về thương mại điện tử. Tổ chức hội thảo giới thiệu chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cho 167 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ 10.000 tem truy xuất nguồn gốc và tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm cho hơn các doanh nghiệp. Triển khai xây dựng mỗi hộ gia đình có 1 điện thoại thông minh và internet, mỗi doanh nghiệp có 1 đường Internet đã truyền thông chính sách ưu đãi. Xây dựng hoàn thành phần mềm số hóa và quản lý 04 loại cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành (dừa, bưởi, chôm chôm và sầu riêng).
Đối với lĩnh vực xã hội số, đã triển khai ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong hệ sinh thái giáo dục. Triển khai kế nối teleheath cho 5 trạm y tế (Tân Thạch, Phú Đức, Tiên Thủy, Tường Đa, Giao Long), hệ thống quản lý y tế cơ sở, ứng dụng chăm sóc sức khỏe thông minh, hệ thống hồ sơ sức khỏe. Xây dựng phần mềm quản lý các điểm du lịch chạy trên nền Web, số hóa các điểm du lịch trên nền bản đồ 2D, xây dựng mô hình 3D.
Kế hoạch thí điểm chuyển đổi số cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre được thực hiện với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Từ thực hiện chuyển đổi số đã góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, chuyển đổi số góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Bến Tre.
Chuyển đổi số đóng góp rất lớn trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên đại bàn Bến Tre (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2021 thực hiện thí điểm triển khai chuyển đổi số tại cấp huyện, xã, Bến Tre gặp không ít khó khăn. Theo đó, một số đơn vị bước đầu triển khai chuyển đổi số còn lúng túng, chưa rõ ràng. Nguồn kinh phí bố trí triển khai thực hiện chuyển đổi số mặc dù đã được quan tâm nhưng còn hạn chế. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công còn hạn chế, do đó hiệu quả dịch vụ công trực tuyến chưa cao.
Trong thời gian tới, để công tác chuyển đổi số thực hiện có hiệu quả, Bến Tre sẽ thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện; tăng cường công tác tuyên truyền chuyển đổi nhận thức cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số…
Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre tập trung nguồn lực triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án, kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã phê duyệt và tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã năm 2022. Các sở, ban, ngành cần chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị triển khai các kế hoạch chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực.