Lan tỏa các mô hình PBGDPL hiệu quả
Mục đích công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội là làm cho mọi quân nhân nắm vững luật pháp của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ kỷ luật quân đội. Trên cơ sở đó thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật khi thực thi nhiệm vụ và tham gia các quan hệ xã hội.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết, trong quân đội, công tác tuyên truyền, PBGDPL do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau thực hiện. Thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Đảng uỷ quân sự các cấp là cơ quan lãnh đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các đơn vị. Người chỉ huy các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác này.
Cơ quan chính trị các cấp là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong toàn quân. Do đó, ngoài các nhóm chủ thể chuyên nghiệp trong tuyên truyền PBGDPL gồm đội ngũ giáo viên pháp luật chuyên nghiệp trong hệ thống nhà trường quân đội, các chuyên gia pháp luật thuộc hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật (tòa án, viện kiểm sát…) và hệ thống cơ quan pháp chế, thanh tra, thì Quân đội còn có đội ngũ báo cáo viên pháp luật (do cơ quan chính trị các cấp quản lý).
Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế của Bộ Quốc phòng là cơ quan tham mưu cho Bộ về công tác chuyên môn trong tuyên truyền, PBGDPL.
Các đơn vị trong quân đội luôn xác định đúng nội dung trọng tâm để lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp. Theo đó, nội dung PBGDPL được lựa chọn phù hợp với những vấn đề thời sự của đất nước, đặc điểm từng đối tượng, địa bàn, tình hình nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị quân đội. Chẳng hạn, đối với sĩ quan, học viên các học viện, nhà trường Quân đội được trang bị kiến thức lý luận chung về Nhà nước và pháp luật; pháp luật về quốc phòng, an ninh, kinh tế, hành chính và các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn công tác.
Các đối tượng còn lại được phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quân sự, quốc phòng, các văn bản pháp luật thuộc chuyên ngành công tác và văn bản liên quan đến cuộc sống hàng ngày.
Đối với nhân dân trên địa bàn đóng quân, giới thiệu các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, bảo vệ an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội và các quy định pháp luật khác liên quan đến các quan hệ xã hội.
Chú trọng thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã triển khai nhiều hình thức PBGDPL tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, chẳng hạn như mô hình “Câu lạc bộ pháp luật, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” được triển khai ở nhiều đơn vị; phong trào “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” đã phát huy tác dụng thiết thực ở nhiều đơn vị trong toàn quân.
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11) hàng năm và Mô hình thực hiện “Ngày Pháp luật hàng tháng” trong Quân đội đã được toàn quân hưởng ứng sôi nổi với nhiều nội dung, hình thức, sinh động. Tủ sách pháp luật được thành lập ở cấp tiểu đoàn, đại đội độc lập và tương đương trở lên, phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác PBGDPL.
Nội dung giáo dục pháp luật luôn bám sát đặc điểm và thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị hoặc thiết thực với mỗi người như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Điều lệnh quản lý bộ đội, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; một số điểm mới quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng (Thông tư số 16/2020/TT-BQP)...
Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật
Thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước giai đoạn 2013 - 2016”, từ năm 2012, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL phù hợp với đặc thù quân đội; đã triển khai chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tại các trường chuyên ngành luật để đào tạo thành giảng viên, giáo viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật trong các học viện, nhà trường và cán bộ công tác tại các cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế trong Quân đội. Đội ngũ cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật thường xuyên được kiện toàn, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn.
Đặc biệt, để tạo nguồn lực cho công tác PBGDPL, Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư các phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất, bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác giáo dục chính trị, PBGDPL.
Hằng năm, Bộ Quốc phòng phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu bảo đảm cho công tác giáo dục chính trị, PBGDPL. Công tác xã hội hóa PBGDPL đã từng bước được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội quan tâm, bằng việc huy động các tổ chức quần chúng, mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm tham gia vào công tác PBGDPL.
Hàng năm, Bộ Quốc phòng đều tổ chức các Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật toàn quân năm 2020. Năm nay, các báo cáo viên pháp luật được cán bộ Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cục Quân lực, Cục Quân huấn, Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng Tham mưu; Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng lên lớp một số chuyên đề PBGDPL trọng tâm năm 2020.
Qua hội nghị, các cơ quan, đơn vị và đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp nắm chắc, nghiên cứu sâu kỹ các nội dung, liên hệ vận dụng sát với tình hình thực tiễn, với từng đối tượng của đơn vị, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.