Hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Bắc Ninh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ năm 2016, Bắc Ninh đã ra đời mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” và sau đó đến năm 2021, UBND tỉnh đã nâng cấp mô hình này thành Tổ phản ứng nhanh “Ba nhất”. Với tính tương tác hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp, các mô hình này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư của tỉnh.
Toàn bộ những khó khăn của doanh nghiệp đều được tổ công tác hỗ trợ.
Toàn bộ những khó khăn của doanh nghiệp đều được tổ công tác hỗ trợ.

Nhằm hỗ trợ về thủ tục pháp lý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp và tăng tính sẵn sàng hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chương trình, hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt quan tâm tới gắn hoạt động hỗ trợ pháp lý với các hình thức tương tác giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó phải kể đến mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” được triển khai từ năm 2016.

“Bác sĩ doanh nghiệp” là văn phòng độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước, do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vận hành, có chức năng tư vấn, chẩn đoán, đề xuất với chính quyền tỉnh về phương án phối hợp, đôn đốc, giải quyết dứt điểm, nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật của doanh nghiệp. Mục tiêu cao nhất của mô hình đó là hiệu quả trong giải quyết phản ánh kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên tinh thần “nói thật, làm thật”, “sự việc cụ thể, thông điệp lớn”; tạo không gian khác biệt trong trợ giúp doanh nghiệp với phương châm “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm”.

Sau khi được thành lập, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” đã gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, các doanh nghiệp không kỳ vọng và tin tưởng vào mô hình này, nhất là các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, bằng sự thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm đã giúp các “bác sĩ” trở thành “người bạn tri kỷ” của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, họ tin tưởng, thẳng thắn sẻ chia, giúp các “bác sĩ” dễ dàng “bắt bệnh”, tìm ra phương thuốc hữu hiệu để “chữa bệnh” cho doanh nghiệp gặp khó.

Để mô hình này vận hành hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập một tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch tỉnh là Tổ trưởng, Lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội là những “bác sĩ thường trực”, bên cạnh đó còn có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Cục Thuế...

Hoạt động của “Bác sĩ doanh nghiệp” thông qua nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các buổi đối thoại và hỗ trợ tư vấn tại bàn, hướng dẫn các hội viên giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tổng hợp các kiến nghị gửi đến cơ quan nhà nước. Đồng thời xây dựng cơ chế theo dõi giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp: khuyến khích doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trao đổi để nắm bắt chi tiết, kèm theo hồ sơ tài liệu; làm việc với các cơ quan chức năng; tập hợp và chuẩn bị công cụ pháp lý để đề xuất các giải quyết với người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh. Xây dựng cơ chế phản hồi về thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước; doanh nghiệp phản ánh về những cuộc kiểm tra, thanh tra trùng lắp, thiếu minh bạch, cán bộ thanh tra không thực hiện đúng quy trình để kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền và phòng ngừa…

Nhiều trường hợp, “Bác sĩ doanh nghiệp” đến trực tiếp doanh nghiệp để ghi nhận, tìm hiểu cụ thể để có phương án giải quyết. Một số trường hợp kiến nghị có tính chất phức tạp của doanh nghiệp có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, cùng thành viên các sở, ban, ngành trực tiếp đến trụ sở doanh nghiệp làm việc, có phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhờ đó, kết quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Năm 2019, Chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 4 toàn quốc. Đến nay, thu hút vốn FDI trên 20 tỷ USD và có trên 20.700 doanh nghiệp, nhiều chỉ số phát triển kinh tế nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu toàn quốc.

Năm 2021, với đợt bùng phát dịch COVID-19 phức tạp, Bắc Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Để thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được tỉnh thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, bao quát hơn nhằm đẩy mạnh khôi phục phát triển kinh tế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.

Do đó, từ tháng 8/2021, UBND tỉnh đã nâng cấp mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” thành Tổ phản ứng nhanh “Ba nhất” với phương châm “Tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất”, nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ, giảm thiểu tác động của đại dịch, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tổ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin phản ánh đến từng thành viên thông qua hệ thống truyền thông đa phương tiện như mạng xã hội zalo, tin nhắn, điện thoại… Mỗi sở, ban, ngành, UBND cấp huyện/thành phố thành lập các bộ phận phản ứng nhanh để kết nối với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thực tế.

Có thể nói, với tính tương tác cao, các mô hình nêu trên đã kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; ngăn ngừa các việc làm của các cơ quan nhà nước có thể gây phiền hà cho doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thân thiện, an toàn, minh bạch hơn.

Đọc thêm