Cơ duyên đến với đấu kiếm
Một buổi chiều đầu tháng 2, chúng tôi tìm đến Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội nơi huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Lê Bá Quang đang rèn rũa những “hạt nhân” trẻ cho bộ môn đấu kiếm của thể thao Việt Nam.
Trò chuyện, anh Quang kể cho chúng tôi nghe những chuyện vui, buồn khi còn là tay kiếm chém “chuyên nghiệp” cho tới khi trở thành huấn luyện viên đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam.
Chàng trai gốc Hà Thành cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có 2 anh em. Từ nhỏ, bố mẹ khá vất vả để nuôi hai anh em khôn lớn. Trong khi anh trai đầu chậm phát triển về tư duy thì Quang lại là cậu bé thông minh và nhanh nhẹn. Mọi hi vọng của bố mẹ đều đặt hết vào Quang.
Vì vậy, suốt quá trình học tập Quang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi các môn văn hoá, đồng thời anh yêu thích và tham gia các môn thể thao do trường tổ chức như môn bóng ném, đua thuyền.
Sau khi học cấp 3, Quang càng đang mê với thể thao. Sáng anh đi học văn hoá, chiều đi phụ giúp và học đua thuyền. Niềm đam mê với đua thuyền ngày càng lớn, Quang lọt vào mắt các thầy dạy và được cử đi tham gia thi đấu. Có những lần thi đấu đạt giải anh mới thông báo cho bố mẹ biết. Vì ham chơi thể thao nên việc học văn hóa có phần sa sút, may mắn nhận được sự ủng hộ của bố mẹ nên anh dành trọn thời gian với thể thao.
Giai vô địch Đông Nam Á tháng 8 năm 2016 |
Cuối năm 1999, bố mẹ Quang thấy bộ môn đua thuyền vất vả, thương con nên ông bà khuyên anh nghỉ tập. Thời gian nghỉ tập, Quang ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà. Tình cờ một ngày, Quang được một người quen giới thiệu trung tâm TDTT ở Hoài Đức tuyển đấu kiếm, anh liền làm hồ sơ đăng ký dự tuyển.
“Hôm tuyển sinh rất đông, nhưng may mắn tôi trúng tuyển và được lên Trung tâm mùng 10/10 tập. Tại đây, người ta cho tập thử 2 đến 3 tháng, sau đó sẽ kiểm tra lại về đấu kiếm, tốc độ, phản xạ mắt… tất cả liên quan đến chuyên môn đều phải kiểm tra lại. Trong số 40 người, sẽ loại và chỉ lấy 12 người. Để đạt tiêu chuẩn của đấu kiếm chỉ có tôi và một người nữa”, anh Quang kể.
Anh Quang chia sẻ, anh là lứa đầu tiên quay lại với môn thể thao kiếm chém. Những năm 2000, bộ môn kiếm chém vẫn chưa được đầu tư nhiều nên các trang thiết bị hầu như chưa có, sàn tập không có nên mọi người phải đóng sàn gỗ để tập, các tư trang như mặt nạ tập luyện 3 người chung nhau một cái, thậm chí kiếm tập bị gãy lại nối lại để tập tiếp.
Mỗi ngày anh Quang phải tập đến 4 ca, chế độ ăn uống cũng chưa tốt, phương tiện đi lại không có. Nhiều khi tập luyện khắc nghiệt, gót chân và đầu gối thường xuyên bị chấn thương, các ngón tay khi 2 người va vào nhau thì bị bửa ra, phần eo và lưng cũng thường bị thương do cường độ tập luyện mạnh.
“Đến giờ nghĩ lại, tôi không nghĩ mình lại vượt qua được khoảng thời gian khắc nghiệt. Nơi tập luyên khổ cực và thiếu thốn nhưng với đam mê bộ môn đấu kiếm nên tôi vẫn quyết tâm đi đến cùng” anh Quang tâm sự.
Đến với kiếm chém năm 17 tuổi, Quang luôn giữ vai trò làm “thủ lĩnh” để đôn đốc, nhắc nhở đồng đội tập luyện. Anh từng tham gia thi đấu và đạt nhiều huy chương tại các giải mở rộng trên thế giới như Hồng Kông, Ý… tuyển thủ kiếm chém Nguyễn Lê Bá Quang mang về vinh quang cho Việt Nam tại đấu trường SEA Games năm 2003. Hai năm sau khi giành HCV cá nhân tại giải vô địch Đông Nam Á tại Brunei 2007, kiếm thủ Nguyễn Lê Bá Quang giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện.
Giai vô địch Đông Nam Á tháng 2014 |
Tâm huyết với thế hệ đấu kiếm trẻ
Giã từ sự nghiệp thi đấu, chuyển sang làm huấn luyện viên ĐTQG Việt Nam Nguyễn Lê Bá Quang là một trong những HLV trẻ nhất. Anh Quang cho biết: “Từ VĐV chuyển sang làm HLV là một điều khó.
Đây là 2 ngạch khác nhau hoàn toàn, khi đó tôi phải học rất nhiều như: học làm giáo án, học tâm sinh lý VĐV, nghiên cứu lại những bài học trước đây để tìm ra những bài tập hợp với VĐV của mình để học trò tập làm sao hạn chế được chấn thương”.
Ngoài những kinh nghiệm “xương máu” của bản thân, Quang còn đi trợ giáo cho các HLV quốc tế để quan sát, học hỏi thêm để về dạy lại cho các VĐV của mình. Cũng trong năm còn “chân ướt chân ráo” với vai trò mới này, anh dẫn dắt đội tuyển kiếm giành 3 HCV tại SEA Games 2007 (Thái Lan). Cũng từ đó, đội tuyển kiếm thường là một “mỏ vàng” nếu như SEA Games có môn đấu kiếm.
Những năm 2009 Liên đoàn kiếm Việt Nam gia nhập Liên đoàn kiếm quốc tế, Quang được cử đi đến các nước phát triển như : Pháp, Nga, Kazakhstan… để học các lớp HLV về chắt lọc về cải cách lại để áp dụng dạy cho VĐV của mình.
Tại SEA Games 2011, thầy trò Nguyễn Lê Bá Quang giành 5 HCV, SEA Games năm 2015 giành 8 HCV trong tổng số 12 bộ huy chương mang lại vinh quang cho Việt Nam trong toàn đoàn thi đấu. Năm 2016 vừa qua, Việt Nam tiếp tục đứng vị trí số 1 với 5 tấm HCV ở giải vô địch Đông Nam Á tại Singapore, ngay sau Olympic 2016.
Để mang về vinh quang cho thể thao nước nhà, HLV Nguyễn Lê Bá Quang và học trò đã phải cố gắng và nổ lực nhiều. Trong quá trình huấn luyện, Quang luôn áp dụng những kinh nghiệm cá nhân dạy với cường độ mạnh. Tăng nhiều bài tập để tăng trình độ chuyên môn, có những lúc dùng 1 đội để đánh 1 người (từng người đánh 1 người).
Thay đổi liên tục đối thủ, làm cho VĐV rơi vào trạng thái khó khăn nhất. Khi mệt thì phải đánh như thế nào, khi cảm thấy không đánh được nữa thì ý chí nằm ở đâu, kiên cường khi vẫn còn 3 đến 4 đối thủ nữa đang đợi. Những rèn luyện này, đều hướng đến mục tiêu tạo ra bản lĩnh cho mỗi VĐV.
Nhờ sự “nhào nặn” của HLV Nguyễn Lê Bá Quang mà các thế hệ VĐV đã mang lại nhiều thành tích cho thể thao nước nhà. Trong đó có VĐV Vũ Thành An (SN 1993) từng gặt hái được nhiều thành tích nổi bật như 2 HCB nội dung kiếm chém ở SEA Games 2015, HCĐ tại Giải vô địch châu Á tại Trung Quốc năm 2016.
9 VĐV Nam lứa đầu |
Sau mỗi trận thi đấu, kết quả thi đấu của VĐV dù thắng hay thua Quang đều họp và đưa ra những lời động viên cho học trò của mình. Với những VĐV phải dừng lại, anh thường đưa ra lời khuyên để làm vơi đi nỗi buồn và truyền lại cảm hứng cho họ. Đối với VĐV thắng thì anh khích lệ nhưng không làm cho họ tự kiêu vào chính mình.
Hiện nay, ngoài chức danh HLV trưởng đội tuyển kiếm quốc gia, Nguyễn Lê Bá Quang còn là trọng tài cấp thế giới của Liên đoàn kiếm thế giới; trưởng nhóm phụ trách đội kiếm chém nam, nữ của đội kiếm Hà Nội. Với những bước tiến mà thầy trò Nguyễn Lê Bá Quang đã và đang làm sẽ tiếp tục lập nên những chiến công mới cho thể thao Việt Nam trong các giải đấu sắp tới.