Chuyện ít người biết về những phụ nữ từng lãnh đạo các nhóm yakuza

(PLVN) - Có lẽ là do yếu tố tư tưởng nên không giống như ở nhiều nước khác trên thế giới, tại Nhật Bản hiếm khi xuất hiện những phụ nữ cầm đầu các băng nhóm tội phạm. Nói như vậy cũng không có nghĩa là không có những nữ thủ lĩnh yakuza. Điển hình có thể kể đến Yoshiko Matsuda của băng Matsuda-gumi ở Tokyo và Fumiko Taoka của băng Yamaguchi-gumi ở Kobe.
Chuyện ít người biết về những phụ nữ từng lãnh đạo các nhóm yakuza

Nữ thủ lĩnh trong lịch sử băng đảng phạm tội

Khác với nhiều nơi khác trên thế giới, truyền thông Nhật ít khi thông tin về onna-oyabun hay những “bà trùm” trong thế giới ngầm yakuza. Điều này khiến nhiều người thắc mắc liệu những người phụ nữ đứng đầu các băng nhóm tội phạm có thực sự tồn tại trong giới yakuza không, hay chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng?

Trên thực tế, xuyên suốt lịch sử Nhật Bản đã có nhiều trường hợp phụ nữ có thể miêu tả như những onna-oyabun. Ở thời Edo, khi cờ bạc vẫn là hoạt động chính của những người được xem là “nguồn cội” của yakuza, việc phụ nữ tham gia những trò đỏ đen không phải hiếm và nhiều người trong số này đã trở thành người kiểm soát những nhóm con bạc của riêng mình.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhiều tài liệu cũng đã ghi nhận sự tồn tại của những nữ tội phạm, nữ côn đồ và nữ yakuza, với nhiều phụ nữ thực sự đã trở thành người đứng đầu của các băng nhóm yakuza quy mô nhỏ, nắm quyền kiểm soát một số khu vực ở Yokohama và Tokyo.

Phác thảo chân dung nữ trùm Fumiko Taoka.
Phác thảo chân dung nữ trùm Fumiko Taoka.

Tuy nhiên, thế thời hiện đã thay đổi và bản thân yakuza cũng đã thay đổi. Những nhà nghiên cứu hiện đại kết luận rằng con số những phụ nữ nắm quyền điều hành các băng nhóm tội phạm đã suy yếu và hiện gần như không còn phụ nữ là thủ lĩnh các băng đảng.

Song, trong lịch sử rất gần đây đã xuất hiện một số trường hợp những nữ thủ lĩnh yakuza nắm quyền kiểm soát các băng nhóm của họ. Hai trường hợp nữ thủ lĩnh yakuza Nhật Bản nổi tiếng nhất được cho là: Yoshiko Matsuda của băng Matsuda-gumi hoạt động ở Tokyo và Fumiko Taoka của băng Yamaguchi-gumi có trụ sở tại Kobe, phía Tây Nhật Bản.

Yoshiko Matsuda

Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh vào năm 1945, băng Kanto Matsuda-gumi đã giành được quyền kiểm soát khu vực Shinbashi ở trung tâm Tokyo và thu về nhiều khoản lợi nhuận kếch xù từ những khu chợ đen đang mọc lên như nấm ở khu vực này.

Người sáng lập và cũng là thủ lĩnh của băng nhóm yakuza này chính là Giichi Matsuda - vốn xuất thân chỉ là một tay “côn đồ ranh” nhưng rất nổi tiếng vì thái độ hung hăng, “coi trời bằng vung” và đặc biệt là bản tính ưa bạo lực.

Dưới sự chỉ đạo của ông trùm này, sau Chiến tranh thế giới II, băng Kanto Matsuda-gumi phát triển nhanh chóng, ngày càng mở rộng được địa bàn hoạt động của mình. Một trong những vụ việc gắn liền với cái tên Kanto Matsuda-gumi là việc băng nhóm này đã gây ra “sự cố Shibuya” vào năm 1946.

Trong vụ việc này, hàng chục thành viên của Kanto Matsuda-gumi đã được huy động để tham gia vào cuộc đấu súng tổng lực với một nhóm những người bán hàng rong đến từ Đài Loan để giành quyền kiểm soát một khu chợ đen. Cuộc đấu súng này diễn ra ngay trước một đồn cảnh sát địa phương!

Cuộc đấu súng nói trên kết thúc với chiến thắng thuộc về Kanto Matsuda-gumi. Tuy nhiên, tháng 7/1946, Giichi Matsuda bị chính một thành viên trong băng nhóm của hắn bắn chết trong một vụ việc “soán ngôi”. Trong bối cảnh hỗn loạn như vậy, vợ của Giichi Matsuda là Yoshiko đã ra mặt tiếp quản vị trí lãnh đạo của chồng, dập tắt những âm mưu nổi loạn trong nội bộ băng nhóm này.

Theo các ghi chép để lại, sau khi lên nắm quyền, Yoshiko trở thành người đứng đầu của khoảng 2.000 thành viên của băng Kanto Matsuda-gumi. Thường được biết đến với biệt danh “thủ lĩnh số 2 của Kanto Matsuda-gumi”, nữ trùm này đã kiểm soát cả khu vực trung tâm thành phố Tokyo bằng “bàn tay sắt” và được đánh giá có mức độ hung hăng, ưa sử dụng bạo lực không kém bất cứ “đồng nghiệp” nam giới nào, thậm chí còn tương đương với người chồng đã chết của mình. Bà ta cũng chính là người tiếp tục chỉ huy Kanto Matsuda-gumi tiến hành các cuộc chiến đường phố với các băng nhóm đến từ Đài Loan ở khu vực Shinbashi của Tokyo để tranh giành địa bàn cai quản.

Yoshiko là người đầu tiên, cũng là người phụ nữ duy nhất trong thế giới ngầm yakuza công khai với người Mỹ những thông tin về cơ cấu tổ chức, hoạt động của yakuza ở Tokyo. Trong buổi thẩm vấn do cảnh sát Mỹ tiến hành đó, nữ trùm này đã nói chuyện rất thoải mái và đầy vẻ tự hào về lối sống tội lỗi của mình.

Fumiko Taoka

Yamaguchi-gumi hiện là băng nhóm tội phạm lớn nhất ở Nhật Bản với số thành viên lên đến hàng chục ngàn người. Nhiều người cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của băng nhóm này phần lớn nhờ vào công của thủ lĩnh thứ 3 của băng nhóm này là Kazuo Taoka.

Được mệnh danh là “ông trùm của những ông trùm”, là “ông trùm của tội phạm Nhật”, Kazuo chính là người có công đưa Yamaguchi-gumi phát triển vượt bậc, với sức ảnh hưởng vượt khỏi thành phố Kobe ra khắp nước Nhật. Tuy nhiên, ít người biết được rằng đằng sau sự phát triển của Yamaguchi-gumi có sự đóng góp đáng kể của vợ ông ta là Fumiko.

Khi nghĩ đến vợ của những ông trùm tội phạm, nhất là trong những xã hội nổi tiếng khuôn phép như Nhật Bản thì người ta thường nghĩ đến hình ảnh nhu mỳ, thầm lặng thực hiện bổn phận của người vợ và hoàn toàn không biết gì về những hành động tội phạm của chồng mình nhưng Fumiko lại hoàn toàn khác biệt, hay nói chính xác hơn là bà ta có lối sống khá tương đồng với chồng mình.

Dù không liên quan trực tiếp đến các hành vi phạm tội của chồng nhưng nhiều người cho rằng Fukomi từ lâu đã là cố vấn chính cho chồng của bà ta. Yuki Taoka (con gái của Kazuo và Fumiko) có kể lại rằng, khi chuẩn bị trở thành người kế nhiệm của thủ lĩnh thứ 2 của Yamaguchi-gumi, Kazuo đã rất lo lắng vì không có tiền và không biết sẽ phải làm như thế nào để có thể đảm đương trách nhiệm.

“Lúc đó, mẹ tôi đã nói rằng bà sẽ kiếm việc làm để kiếm tiền chăm lo cho gia đình và đảm đương những công việc khác, còn bố tôi cứ yên tâm dành hết sức cho tổ chức”, Yuki kể lại. Vẫn theo lời người này, sau khi Kazuo chính thức trở thành thủ lĩnh thứ 3 và điều hành Yamaguchi-gumi trong suốt 35 năm, mẹ của bà ta chính là người đã luôn sát cánh, ủng hộ và cố vấn cho ông trùm rất nhiều.

Khi Kazuo tử vong vào năm 1981, Yamaguchi-gumi đã bầu ra được người kế nhiệm cho ông trùm này. Nhưng, vào thời điểm đó, người kế nhiệm Kenichi Yamaken Yamamoto lại đang ngồi tù. Những kẻ cầm đầu của Yamaguchi-gumi sau khi bàn bạc đã thống nhất sẽ để Fukomi (khi đó đã 62 tuổi) đứng ra lãnh đạo tạm thời cho đến khi Yamamoto ra tù.

Tại thời điểm đó, tất cả đều nghĩ rằng Fukomi sẽ chỉ nắm quyền trong vòng vài tháng nhưng việc một người phụ nữ đã có tuổi đứng ra cai quản băng nhóm tội phạm khét tiếng như vậy, dù chỉ là tạm thời cũng đã khiến cả cộng đồng yakuza lẫn cảnh sát bị sốc.

Sự việc càng khiến người ta ngạc nhiên hơn khi Yamamoto không thể đợi đến lúc trở thành thủ lĩnh Yamaguchi-gumi mà tử vong do bị bệnh khi ở trong tù, đẩy Yamaguchi-gumi rơi vào trạng thái hỗn loạn, thậm chí xảy ra đấu đá giành quyền lực nội bộ.

Trong hoàn cảnh như vậy, Fumiko đã chứng minh được sức mạnh của mình khi dần dập tắt được mâu thuẫn nội bộ, củng cố và phát triển lực lượng của tổ chức này cho đến khi tìm được lãnh đạo mới. Quá trình này diễn ra trong vòng 8 năm trời.

Mặc dù nhiều nguồn tin nói rằng Fumiko là thủ lĩnh có ít ảnh hưởng và thực quyền nhất trong số những người đứng đầu của Yamaguchi-gumi, không được chính thức thừa nhận... nhưng nhiều người khác lại hết lời ca ngợi “đế chế” của bà ta.

Có một điểm thú vị là trong những năm năm đầu Fumiko lên nắm quyền điều hành thay chồng (1981-1983), Yamaguchi-gumi đã lớn mạnh đỉnh điểm về số lượng thành viên, quy tụ tổng cộng 13.346 tay gangster, cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Điều này cho thấy Fumiko rất có có năng lực lãnh đạo, khiến những người đàn ông không vì phải chịu sự chỉ đạo của một phụ nữ mà từ chối gia nhập băng nhóm này thay vì đầu quân cho các băng khác...

Đọc thêm