Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật thực chất chứ không chỉ là tạo cơ hội chung chung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật (NKT) từ 5 tuổi trở lên, trong đó hơn 4 triệu người là phụ nữ khuyết tật và 1,2 triệu trẻ em gái khuyết tật. Đây là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, khả năng tiếp cận với các hoạt động giáo dục, y tế, việc làm cũng như các dịch vụ xã hội khác vẫn còn nhiều hạn chế. 
Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 60% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau (ảnh minh họa)
Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 60% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau (ảnh minh họa)

Do đó, chương trình hành động của Hội LHPN Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động và nâng cao chất lượng hỗ trợ, phát huy nội lực của phụ nữ khuyết tật… nhằm đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 60% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau; giai đoạn 2026-2030 con số nâng lên 80% và 90% các hoạt động trợ giúp không còn rào cản đối với phụ nữ khuyết tật…

Đây là những con số được đưa ra tại hội thảo tham vấn do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 13/4 để tham vấn nội dung chương trình hành động của Hội LHPN Việt Nam thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư và Đề án 1190/QĐ-TTg của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nhười khuyết tật (NKT) và chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030.

Đại diện bày tỏ mong muốn của NKT nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng, bà Đỗ Thị Huyền – Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội cho biết, đại đa số NKT đều mong muốn sự trợ giúp đến với họ cùng với sự thấy hiểu, chứ không phải là văn bản hành chính hoặc phong trào.

“NKT chúng tôi mong muốn có sự tìm đến tận nơi, gặp gỡ với NKT để hiểu về các dạng khuyết tật và các khó khăn riêng biệt do từng dạng đem lại, từ đó có sự trợ giúp cụ thể, chứ không chỉ là tạo cơ hội chung chung” – bà Huyền cho biết.

Cũng theo bà Huyền, cán bộ làm việc về công tác NTK cũng cần được nâng cao nhận thức, hiểu biết về NKT để sử dụng đúng từ ngữ, hành vi ứng xử phù hợp, không gây cho NKT sự mặc cảm đau lòng.

Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến NKT, cùng ngày đã diễn ra tọa đàm của Hội NKT TP Hà Nội đối thoại chính sách về vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn cho NKT.

Ông Nguyễn Hồng Hà – Phó Ban việc làm, Hội NKT TP Hà Nội cho biết hiện nay ở Hà Nội đã có những cơ sở sản xuất kinh doanh do NKT làm chủ và nhiều cơ sở nhận lao động là NKT.

Tính đến thời điểm này, TP Hà Nội có hơn 20 cơ sở được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 30% lao động là NKT có tư cách pháp nhân và đăng ký kinh doanh. Có thể kể đến các mô hình tiêu biểu như HTX Trái tim hồng; HTX Tâm Ngọc; HTX Vụn Art…

Tuy nhiên, thực trạng tiếp cận nguồn vốn vay của NKT vẫn còn nhiều khó khăn, theo ông Trịnh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội, Trưởng Ban việc làm Hội NKT TP Hà Nội đến nay vẫn còn trên 70% xã phường chưa thành lập Hội NKT và chi hội NKT vì vậy gặp nhiều khó khăn khi hội viên tiếp cận vốn vay tại các đoàn thể xã phường. Một số hội đoàn thể tại địa phương vẫn còn tâm lý e ngại khi cho NTK vay vì nghĩ họ không có khả năng trả gốc khi đáo hạn…

“Đề nghị Sở LĐTB&XH, Ngân hàng CSXH, UBND và các hội đoàn thể quan tâm nhiều hơn nữa để NTK có thể tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, có chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn vay hàng năm từ Ngân hàng CSXH đến hội đoàn thể địa phương dành riêng cho NKT” – ông Dũng đề xuất.

Đọc thêm