Hòa Bình giữ vững vùng xanh an toàn nơi cửa ngõ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là nơi cửa ngõ của thủ đô, Hòa Bình cũng là địa phương kết nối nhiều tỉnh thành phía Bắc có vị trí địa lý quan trọng. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hòa Bình đã từng bước thiết lập được vùng xanh an toàn, giúp đời sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới.  
Một chốt kiểm dịch bệnh COVID-19 trên địa bản tỉnh Hòa Bình
Một chốt kiểm dịch bệnh COVID-19 trên địa bản tỉnh Hòa Bình

Áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn so với Nghị quyết 128

Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trong đó, nhiều tỉnh giáp ranh với tỉnh Hòa Bình như Phú Thọ, Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình... bùng phát các ca bệnh lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây. Do vậy, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là rất lớn, đặc biệt là vùng giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình.

Để chủ động phòng chống dịch, ngăn ngừa tình trạng lây lan dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, quản lý, kiểm soát chặt chẽ những người vừa đi về từ vùng có dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân, mới đây UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Hòa Bình được áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn so với quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Đây là một trong những biện pháp mạnh mà tỉnh Hòa Bình đã thực hiện triển khai nhằm thiết lập vùng xanh an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.

Điển hình như tại huyện Lương Sơn là huyện cửa ngõ của tỉnh giáp ranh với nhiều huyện của TP Hà Nội, có dân cư đan xen, nhiều đường nhánh giữa các địa bàn, lưu lượng phương tiện và người dân đi lại giữa các địa phương lớn, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Chính vì vậy, mức độ phòng dịch được huyện xác định phải bằng và cao hơn mức độ phòng dịch của TP Hà Nội. Huyện đã triển khai các biện pháp cấp bách PCD phù hợp với từng cấp độ. Trong khoảng 60 ngày (từ ngày 27/7 - 24/9), huyện thực hiện Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thôn, xóm, khu dân cư tập trung cao độ, quyết liệt nhằm bảo vệ những thành quả phòng chống dịch, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, cũng như bảo vệ vùng xanh an toàn cho tỉnh.

Huyện cũng thiết lập các chốt cứng tại 43 điểm là các đường mòn, lối mở, khu vực giáp ranh. Duy trì hoạt động của 499 tổ Covid-19 cộng đồng với 1.854 thành viên; thành lập 221 tổ tự quản với 877 thành viên. Đồng thời, quản lý chặt chẽ người ra, vào địa bàn, tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động của các khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ; thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất theo phương án sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho Nhân dân.

Cũng trong đợt dịch thứ 4 này, huyện đã xử lý 366 vụ với 389 người vi phạm công tác phòng dịch với số tiền phạt 855,7 triệu đồng; 6 cán bộ xã và công an bị kiểm điểm phê bình trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, 1 trường hợp bị kỷ luật, chính quyền 2 xã Thanh Sơn, Thanh Cao bị phê bình, nhắc nhở... Bên cạnh đó, huyện cũng phát huy vai trò của lực lượng chức năng, Tổ COVID-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh như điều tra, truy vết các trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu sàng lọc...

Đến nay, tình hình dịch bệnh vùng cửa ngõ của tỉnh cơ bản được kiểm soát, từng bước thiết lập được vùng xanh an toàn trên địa bàn. Các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện đã trở lại hoạt động bình thường song song với thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành tiêm vắc xin đợt 13 với 427.030 liều vắc xin được phân bổ, đã tiêm được 431.470 mũi. Tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của tỉnh hiện đạt 60%. Trong đó, một số huyện có tỷ lệ tiêm vắc xin đạt cao, như TP Hòa Bình, huyện Lạc Thủy đã triển khai gần như toàn bộ trong dân. Người lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), người dân trong độ tuổi thuộc các địa bàn giáp ranh với vùng dịch Hà Nội, Hà Nam đã được tiêm đầy đủ. Đối tượng tiêm được mở rộng, 100% người trong lực lượng tuyến đầu, 100% lao động tại KCN Lương Sơn, KCN bờ trái sông Đà đã được tiêm. Các đối tượng đang tiếp tục được ưu tiên, gồm người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người cung cấp dịch vụ, khối cơ quan, đơn vị tiếp xúc nguy cơ cao, hộ tiểu thương các chợ, học sinh, sinh viên từ 18 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, với nỗ lực triển khai nhanh, đảm bảo an toàn tiêm chủng, tỷ lệ tiêm vắc xin COVD-19 của tỉnh sẽ nâng lên 65% trong vài ngày tới.

Tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành tiêm vắc xin đợt 13 với 427.030 liều vắc xin được phân bổ, đã tiêm được 431.470 mũiTỉnh Hòa Bình đã hoàn thành tiêm vắc xin đợt 13 với 427.030 liều vắc xin được phân bổ, đã tiêm được 431.470 mũi

Với dân số hơn 14,2 vạn người, Lạc Sơn là một trong những huyện đông dân nhất trong tỉnh. Tính đến nay, toàn huyện còn khoảng 56.000 người chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Trong khi đó, từ các đợt tiêm 12, 13, huyện mới được phân bổ lượng vắc xin nâng lên. Để đẩy nhanh công tác tiêm chủng, huyện đã bố trí 25 điểm tiêm, trong đó có 2 điểm lưu động. Các điểm tiêm đều sẵn sàng triển khai các đợt tiêm chủng kế tiếp. Tính đến ngày 20/10, huyện đã có 49.202 người đã được tiêm, trong đó, 43.462 người tiêm mũi 1, 3.458 người tiêm đủ 2 mũi.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Nâng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch Covid-19 đáp ứng tình hình mới. Kế hoạch của tỉnh đến khoảng trung tuần tháng 11 cơ bản bao phủ tiêm vắc xin mũi 1 cho toàn bộ dân số trong độ tuổi được tiêm. Đến năm 2022 triển khai tiêm chủng đối với trẻ em trên 3 tuổi và dưới 18 tuổi”.

Trong thời gian tới, khi tiếp tục triển khai các đợt tiêm vắc xin, căn cứ vào tình hình dịch bệnh và nguồn vắc xin do Bộ Y tế cấp, tỉnh Hòa Bình cũng sẽ có cơ chế ưu tiên vùng và quy mô cơ cấu dân số nhằm sớm đạt được mục tiêu tỷ lệ bao phủ. Trong đó, ưu tiên cho huyện Lương Sơn và các huyện có dân số đông như Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc…

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, các chủng vi rút SARS-CoV-2 liên tục thay đổi, khả năng lây lan bệnh cao, nhanh. Thêm vào đó, tại các tỉnh, thành phố giáp ranh đang có nhiều ca bệnh lây trong cộng đồng.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên nêu gương, nhân dân đồng tình, ủng hộ; thực hiện phương châm mỗi người dân phải tự kiểm soát, làng xã được bảo vệ… tỉnh Hòa Bình đang từng bước đưa đời sống của nhân dân trở về với trạng thái bình thường mới, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, thiết lập thêm nhiều vùng xanh an toàn./.

Đọc thêm