Hòa Bình: Nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị năng động, hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ tỉnh Hòa Bình xác định lấy phát triển nhanh và bền vững làm mục tiêu. Trong đó, việc xây dựng hệ thống chính trị năng động, minh bạch, vì dân và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, cũng như các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015- 2021 và tổ chức triển khai, quán triệt, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện một cách quyết liệt.

Những năm trước, tỉnh có những xóm, thôn, bản chỉ có hơn 10 hộ dân nhưng cơ cấu tổ chức vẫn có chi bộ, ban công tác mặt trận, tổ trưởng, tổ phó... gây cồng kềnh, lãng phí và không phù hợp thực tế.

Nhận thấy bất cập này, năm 2017, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án sáp nhập, kiện toàn thôn, xóm, tổ dân phố. Đề án được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ, triển khai đạt hiệu quả tốt. Đến tháng 2/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và đồng lòng của nhân dân nên nên việc sắp xếp lại bộ máy tinh gọn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm qua, tỉnh Hòa Bình đã giảm được 59 xã và một huyện (bằng 28% tổng số xã, phường, thị trấn) đạt tỷ lệ giảm cao nhất so với các địa phương. Cùng với đó, tính từ tháng 5/2015 đến hết năm 2019, tỉnh Hòa Bình đã tinh giản được 1.560 nhân sự khối chính quyền.

Việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trong toàn tỉnh hàng năm đều được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm đến năm 2021, giảm đủ 10% so với biên chế giao năm 2015. Tỉnh Hòa Bình cũng quán triệt các cơ quan hành chính nhà nước, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng đề án, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án.

Mỗi sở, ban, ngành, huyện, thành phố giảm ít nhất 1 đơn vị trực thuộc. Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: “Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung vào cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức về công tác cán bộ, sắp xếp các đơn vị hành chính, tăng cường chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng tham mưu trong hoạt động, thực thi công vụ. Triển khai thực hiện phương án giảm số lượng cấp phó ở các cơ quan, đơn vị hợp nhất, sáp nhập theo đúng quy định”.

Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hằng năm có từ 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có từ 80% chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ và có từ 80% tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức không chỉ giúp loại bỏ những cá nhân không đạt yêu cầu trong thực thi công vụ mà đây cũng là cơ hội để thu hút người có đức, có tài vào hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ công chức ngang tầm nhiệm vụ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững...

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Đồng thời, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân, giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc ngay từ cơ sở. Tiếp tục đổi mới hoạt động của Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, HĐND, UBND các cấp, trách nhiệm giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo trong hoạt động các cấp chính quyền…

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn từng nhấn mạnh: “Văn kiện của Đảng ta đã khẳng định, phát triển văn hóa là nền tảng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ là then chốt của then chốt. Để làm được việc đó, tỉnh Hòa Bình bám sát vào chỉ đạo của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương, làm sao lựa chọn đội ngũ ban chấp hành vừa hồng, vừa chuyên, vừa có tâm, có tầm, gánh vác được trọng trách mà Đảng bộ và nhân dân Hòa Bình kỳ vọng”.

Từ những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong nhiệm kỳ mới, tỉnh Hòa Bình tập trung tăng cường xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với chính quyền...

Với những giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, tỉnh Hòa Bình xứng đáng được đánh giá là địa phương có bộ máy chính quyền năng động, minh bạch và hiệu quả, là nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Đọc thêm