Hòa Bình tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đối với doanh nghiệp để triển khai các dự án đầu tư, duy trì, phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh thì nguồn vốn là điều tiên quyết, trong khi đó, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng là điều không dễ. Tỉnh Hòa Bình đã có những giải pháp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Công ty T&T 159 Hòa Bình gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh
Công ty T&T 159 Hòa Bình gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Theo tính toán, ước tổng gói hỗ trợ miễn, giảm thuế lần này khoảng 21.300 tỷ đồng.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn vị có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu giảm so với năm 2019 sẽ được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2021. Hộ kinh doanh, cá nhân sản xuất tại các địa bàn chịu tác động của dịch trong năm 2021 sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp của quý III và IV/2021.

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được giảm 30% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/11 đến 31/12 năm nay như: dịch vụ vận tải; lưu trú; ăn uống; đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch; dịch vụ xuất bản; điện ảnh; chương trình truyền hình; xuất bản âm nhạc; sáng tác, sáng tạo nghệ thuật... Doanh nghiệp bị lỗ trong năm 2020 được miễn tiền chậm nộp phát sinh của năm 2020 - 2021 với các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Thực tế cho thấy, trong gần một năm qua, các doanh nghiệp đã phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Với nguồn hỗ trợ của Chính phủ các doanh nghiệp đều mong chờ có thể tái thiết lập, hồi phục kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp đủ điều kiện, tiếp cận được nguồn vốn này vẫn là một bài toán nan giải.

Điển hình như Công ty T&T 159 Hòa Bình đang triển khai dự án chăn nuôi bò tại một số địa phương, do đó công ty rất cần đến nguồn vốn từ ngân hàng, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này gặp nhiều trở ngại, công ty không thể vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Công ty đành phải vay vốn ở các chi nhánh khác ngoài địa phương và đã vay được hơn 1.000 tỷ đồng.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình bày tỏ: “Giữa ngân hàngdoanh nghiệp chưa có tiếng nói chung, chưa hiểu và chưa có niềm tin về nhau, chưa thực sự hỗ trợ nhau. Đội ngũ cán bộ tín dụng chưa đánh giá được năng lực của doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng”.

Bên cạnh đó, các khoản vay ngắn, trung, dài hạn nếu áp dụng tỷ lệ bảo đảm tài sản bảo đảm chung sẽ rất khó khăn cho mỗi doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục vay vốn. Việc định giá tài sản bảo đảm thấp hơn so với thực tế rất khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục vay.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị các ngân hàng nên tăng thêm thời gian cơ cấu nợ, cho phép doanh nghiệp áp dụng linh động điều kiện cơ cấu nợ phù hợp. Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi giãn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp và xem xét giảm tỷ lệ tối đa lãi suất cho các khoản vay tại ngân hàng. Xem xét cho vay mới đối với doanh nghiệp cần phục hồi sản xuất, hoặc mở rộng kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bỏ tài sản bảo đảm đối với các khoản vay cho công trình xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công khi đã có quyết định phân bổ nguồn vốn, đánh giá lại tài sản thế chấp tại ngân hàng là bất động sản phù hợp với thị trường, để các doanh nghiệp có cơ hội vay thêm vốn, có cơ chế linh hoạt trong các khoản vay trung, dài hạn được bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai.

Còn về phía các ngân hàng thì cho rằng, các doanh nghiệp đòi hỏi ngân hàng phải vận dụng linh hoạt để cho vay. Song, đối với các ngân hàng quá trình thẩm định các dự án để cho vay phải thận trọng. Nếu vận dụng linh hoạt theo yêu cầu của doanh nghiệp, thì ngân hàng có thể đứng trước nguy cơ cao bị các cơ quan pháp luật kết luận thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháo “nút thắt” giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị trực tuyến "Tập trung tháo gỡ và giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh".

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung, có niềm tin về nhau và hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung, có niềm tin về nhau hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch

Theo đó, lãnh đạo tỉnh nghiêm túc đề xuất Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cần phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận với dòng vốn của ngân hàng.

Trước đó, ngân hàng Nhà nước và Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp công tác nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, trao đổi thông tin, xem xét, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng các dịch vụ ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro; nghiên cứu, xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, song, tỉnh đã và sẽ cố gắng kiểm soát tốt, không để bùng phát dịch trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh luôn cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống dịch. Trong bối cảnh này, Hòa Bình mong có sự phối hợp và chờ đợi quyết tâm của doanh nghiệp để thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư. Tỉnh sẽ duy trì việc giao ban hàng tuần để nắm bắt tiến độ các dự án và nghe phản ánh những vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai thực hiện”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ các chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hạn chế tối đa việc dồn ứ hàng hóa trong khâu lưu thông, nhất là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu. Nghiên cứu miễn, giảm, hoãn các khoản đóng góp về thuế, phí, tiền thuê đất năm 2021 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thuận của các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình cam kết xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn, từng bước phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đọc thêm