Hoạ sỹ Phan Kế An – Kho tàng ẩn giấu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Buổi tọa đàm “Kho tàng ẩn giấu” đã hé lộ những câu chuyện thú vị ít được biết đến về cuộc đời, sự nghiệp và những tác phẩm của cố họa sĩ Phan Kế An.
Hoạ sỹ Phan Kế An – Kho tàng ẩn giấu

Người họa sĩ tài hoa

Phan Kế An tốt nghiệp tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thành công ở nhiều thể loại tranh đả kích – châm biếm, sơn dầu, sơn mài và ký họa.

Nhận nhiệm vụ từ Trường Chinh, ông là người đầu tiên được đi theo ký họa Bác Hồ ở Tây Bắc năm 1948. Trong khoảng thời gian ấy, Phan Kế An đã sáng tác được hơn 20 bức tranh và được Bác Hồ tổ chức triển lãm riêng trên chiến khu Việt Bắc cho mọi người cùng xem.

Hoạ sỹ Phan Kế An – Kho tàng ẩn giấu ảnh 1
Bác Hồ làm thơ ở Pác Bó (30/01/1969 – Họa sĩ Phan Kế An)

“Kho tàng ẩn giấu” (triển lãm từ ngày 11-3 đến 16-4), là triển lãm duy nhất tại Hà Nội mà toàn bộ là tranh của Hoạ sỹ Phan Kế An.

Bà Phan Mai Thanh Thúy, con gái cố hoạ sỹ Phan Kế An cho biết, trước đây gia đình không có khả năng tổ chức triển lãm riêng đồng thời không đủ tranh để trưng bày vì đã bán hết. Và những tác phẩm của Hoạ sỹ Phan Kế An được trưng bày hôm nay là nhờ mối nhân duyên với họa sĩ nhiệt huyết Vũ Đỗ (The Painter’s Studio)

Tin tưởng Vũ Đỗ, bà Phan Mai Thanh Thúy đã trao di sản nghệ thuật của họa sĩ Phan Kế An để chăm sóc, bảo quản và giới thiệu những bức tranh đến với công chúng.

Những bức ký họa của họa sĩ Phan Kế AnNhững bức ký họa của họa sĩ Phan Kế An

“Thế hệ mình là một thế hệ mất kết nối. Phải có quá khứ, hiện tại thì mới có tương lai. Mọi thứ sẽ mang tính kế thừa. Hi vọng cái triển lãm này sẽ là ví dụ đầu tiên về cách cư xử và tiếp cận, kế thừa di sản nghệ thuật. Còn nhiều gia đình nghệ sĩ khác họ cũng đang đau đáu với di sản như thế này, biết đâu chúng ta có thể kết nối.” Họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ.

Kết nối quá khứ và tương lai

Sảnh triển lãm “Kho tàng ẩn giấu”

Sảnh triển lãm “Kho tàng ẩn giấu”

Buổi Tọa đàm "Kho tàng ẩn giấu" đề cập đến một vấn đề đang rất được quan tâm rằng làm sao để lưu trữ và chia sẻ lại những di sản nghệ thuật đến với thế hệ tiếp sau này, tiếp nối cái mối liên hệ đã bị đứt gãy ấy.

Bảo tồn là khái niệm rộng, bảo quản, sửa chữa, phòng tránh đều là một phần của công tác ấy. Riêng đối với dòng tranh sơn mài, không có biện pháp hoàn hảo cho tất cả các bức, rất khó can thiệp phục hồi. Chính vì vậy, hoạ sỹ Vũ Đỗ hi vọng công nghệ kỹ thuật dùng trong bảo tồn di sản nghệ thuật sẽ được nghiên cứu thêm trong tương lai.

Họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ, trong quá trình bảo tồn những sáng tác của ông Phan Kế An cần sự tham vấn của rất nhiều chuyên gia. Mỗi người chuyên về một mảng riêng về giấy, lụa, sơn dầu, sơn mài,... Nhờ có sự tâm huyết của biết bao người yêu nghệ thuật mới có buổi triển lãm ngày hôm nay.

Anh cũng mong rằng thông qua những sự kiện như thế này, cộng đồng sẽ chú ý hơn đến công tác giữ gìn di sản – một lĩnh vực mà Việt Nam chưa được phát triển.

Cuối buổi tọa đàm, ông Vũ Trọng Đại, Công ty sách Omega+ đã nêu cảm nghĩ của mình về nghệ thuật và trăn trở về những di sản nghệ thuật chưa có nơi gửi gắm: “Tôi thật sự đã đau đáu suy nghĩ về nó rất nhiều. Đã có một thế hệ trong lịch sử chúng ta đóng góp rất nhiều, rất lớn để hình thành nên đất nước hiện nay. Nhưng thế hệ đấy đang dần trôi qua và nếu không có sự lưu giữ thì dần dần dấu vết của họ sẽ mất đi và xã hội, lịch sử chúng ta sẽ tổn thất. Nó giống như bức tranh bị khuyết thiếu mà chúng ta không bao giờ còn có thể khôi phục lại được nữa nếu chúng ta không có những hành động càng sớm càng tốt để giữ lại.”

Những giá trị nghệ thuật quý giá mà thế hệ trước để lại, chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và lưu truyền mãi về sau.

Đọc thêm