Không giống trong truyền thuyết
Đáng chú ý nhất thời gian gần đây là cuộc tỷ thí giữa võ sĩ MMA nghiệp dư Từ Hiểu Đông và võ sư Ngụy Lôi, cao thủ của võ phái Thái Cực quyền. Ngụy Lôi được biết đến là một bậc thầy, người đứng đầu của Thái Cực quyền ở Trung Quốc.
Ngụy Lôi đã từng được tung hô trên khắp Trung Hoa. Thậm chí, Đài truyền hình lớn nhất Trung Quốc còn ca ngợi ông là “bậc thầy võ thuật vĩ đại nhất lịch sử”. Cũng ngay trên sóng truyền hình, Ngụy Lôi đã trình diễn công lực đỉnh cao của mình khi dùng trường lực giữ con chim bồ câu không thể bay khỏi tay của mình.
Nghi ngờ về công lực thật sự của Ngụy Lôi, một võ sĩ MMA vô danh Từ Hiểu Đông đã thách đấu Ngụy Lôi để tìm hiểu sự thật. Kết quả, võ sư Thái Cực bị Từ đánh tan tác, hạ gục chỉ trong vài giây. Diễn biến trong trận đấu thể hiện, khi hai bên được trọng tài cho phép giao đấu, Ngụy Lôi thủ thế hai tay thả lỏng giơ cao trước mặt, Đông lập tức lao vào tấn công với những cú đấm vòng nhanh gọn và uy lực.
Ngụy Lôi cố gắng gạt đỡ loạn xạ và yếu ớt nên không thể cản nổi. Sau đó, Lôi dính đòn ngã xuống sàn và bị Đông bồi thêm mấy cú đấm thẳng khiến Ngụy Lôi rách mặt. Vụ việc này gây chấn động cả làng võ thuật Trung Quốc năm 2017. Sau trận thảm bại này, không chỉ Ngụy Lôi mà thực lực của tất cả võ sư trong môn phái này cũng bị nghi ngờ.
Ngụy Lôi đã ra sức biện bạch do đôi giày mới quá trơn khiến ông trượt chân và chưa kịp sử dụng “đòn hiểm” thì phải chịu thất bại cay đắng. Tuy nhiên lời giải thích của vị võ sư này không thuyết phục được người hâm mộ. Ngụy Lôi nói thêm, ông cố tình không dùng những tuyệt kỹ Thái Cực vì cảm thấy thương Từ Hiểu Đông và sợ Từ chết do những tuyệt chiêu của mình.
Tất nhiên, lý do trên nghe có phần khó tin. Kể từ trận thua đó, hình ảnh của Ngụy Lôi tuột dốc một cách thê thảm. Cuộc sống của ông khó khăn hơn vì khó có thể kiếm tiền như trước, đến nỗi vị võ sư này phải đi làm đầu bếp trong một nhà hàng để kiếm sống.
Còn trong truyền thuyết, môn phái này đã từng có những cao thủ tuyệt đỉnh “bất khả chiến bại”, trong đó, một huyền thoại có thật ở triều đại Mãn Thanh và cũng là người nổi tiếng nhất của môn Thái cực quyền phải kể tới võ sư Dương Lộ Thiền (1799-1872).
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở tỉnh Hà Bắc, Dương Lộ Thiền sớm đam mê võ thuật từ thuở còn là một cậu bé loắt choắt. Một ngày nọ, Dương đã vô cùng bất ngờ khi chứng kiến vị chủ của một hiệu thuốc gần nhà dùng vài thế võ mà cậu chưa từng nhìn thấy bao giờ để hạ gục mấy tên trộm.
Quá tò mò, Dương đã hỏi vị chủ hiệu thuốc rằng đó là thứ võ công gì, và cậu được bậc tiền bối dẫn đến gặp một vị võ sư có tên là Trần Trường Hưng (Chen Chang-hsing) để bái làm sư phụ. Một đêm, khi vừa chợp mắt thì Dương bỗng bị đánh thức bởi những tiếng rít rất lớn phát ra từ một ngôi nhà cũ.
Nghĩ là có chuyện, cậu bật dậy và lặng lẽ tiến về phía ngôi nhà thì phát hiện ra Trần sư phụ đang luyện võ. Ngay trong đêm đó, Dương đã được truyền lại một số chiêu thức tự vệ và chiếm được lòng tin từ sư phụ nhờ những tố chất thiên bẩm của mình.
Sau quãng thời gian tập luyện âm thầm hăng say, cho tới một ngày, Trần sư phụ đã để Dương thi đấu với những đệ tử khác và tất cả đều bị cậu bé đánh bại. Nhận thấy Dương xứng đáng trở thành đệ tử chân truyền nên Trần sư phụ đã dần dạy lại tất cả những tuyệt kỹ của mình.
Nhiều năm sau, khi trình độ võ thuật đã đạt những thành tựu nhất định, Dương Lộ Thiền rời quê hương lên thành phố Bắc Kinh và bắt đầu mở võ đường, chủ yếu dạy cho con cái của tầng lớp quan lại. Đến năm 1850 (khi ông đã 51 tuổi), ông được Triều đình mời dạy Thái cực quyền trong Tử Cấm Thành.
Quãng thời gian sau đó, Dương Lộ Thiền được giới võ lâm Trung Quốc tôn vinh như một huyền thoại bởi ông chưa từng thua ở bất kỳ một cuộc tỉ thí nào và chưa bao giờ khiến đối thủ gặp phải một chấn thương nghiêm trọng.
|
Điền Dã phải băng bó khắp mặt chỉ sau một cú phản đòn. |
Các tài liệu ở Trung Quốc từng ghi chép rằng có lần một gia đình dòng dõi dưới triều Mãn Thanh đã thuê rất nhiều võ sĩ quyền Anh và đô vật về để đấu với Dương Lộ Thiền nhưng tất cả đều bại trận. Một hôm, một bậc thầy về quyền Anh của phương Tây nhất quyết đòi tỉ thí với Dương cho bằng được, xem ai mới thực sự mạnh nhất. Trước quyết tâm quá lớn của đối thủ, Dương Lộ Thiền bất đắc dĩ phải nhận lời.
Theo như lời gợi ý của võ sĩ ngoại quốc, cả hai sẽ thi đấu bằng cách ngồi trên hai chiếc ghế rồi cùng bóp chặt bàn tay phải vào nhau. Ngay sau khi bắt đầu, võ sĩ quyền Anh đã mồ hôi đầm đìa và chiếc ghế của gã như muốn gãy sập còn Dương Lộ Thiền vẫn thản nhiên không có chuyện gì xảy ra.
Một lần khác, khi Dương Lộ Thiền đang ngồi câu cá, có hai võ sư đã muốn liên thủ để đánh ông ngã xuống hồ khiến ông phải “bẽ mặt”. Khi cả hai cũng lao tới để ra đòn, ông lập tức lách người, uốn cong lưng, rồi tung đòn đá như vó ngựa khiến cả hai đều lao xuống hồ cùng một lúc.
Lần khác nữa, một người đàn ông giàu có họ Chang ở Bắc Kinh vốn nghe danh của Dương Lộ Thiền đã lâu nên muốn mời ông về nhà để “mục sở thị” khả năng võ thuật siêu phàm. Vị gia chủ liền hỏi: “Thân thể ông nhỏ bé như thế này làm sao có thể chiến đấu với những đối thủ to lớn hơn nhiều?
Dương Lộ Thiền mới trả lời: “Trên đời, chỉ có 3 loại người tôi không thể đánh bại đó là người đàn ông bằng đồng, người đàn ông bằng sắt và người đàn ông bằng gỗ”. Nghe xong câu nói ấy, ông Chang đã sai người cận vệ giỏi nhất của mình là Liu vào để tỉ thí. Thế rồi, Dương Lộ Thiền chỉ trong nháy mắt đã đẩy Liu ngã bay qua sân.
Theo tài liệu Trung Quốc, cho đến nay Dương Lộ Thiền vẫn là một huyền thoại lẫy lừng của môn Thái cực quyền. Sau này, môn phái cũng xuất hiện nhiều cao thủ từng “xưng hùng xưng bá” trong giang hồ như Miên Quyền (Mian Quan), Vũ Vũ Tương (Wu Yuxiang), Vương Tông Nhạc (Wang Zongyue), Vũ Như Thanh (Wu Ruqing)…
Trong nhưng tiểu thuyết kiếm hiệp, Thái cực quyền của Trương Tam Phong là vô địch thiên hạ. Phải chăng những truyền thuyết được truyền miệng này khiến Ngụy Lôi đang ảo tưởng về sức mạnh của mình, nhận lời thách đấu của Hiểu Đông khi bản thân hoàn toàn không có chút kỹ năng chiến đấu thực tế?
Đệ tử Thiếu Lâm cũng “sấp mặt”
Không chấp nhận sự thua thiệt, một cao thủ phái Vịnh Xuân của Trung Quốc là Lữ Cương cũng đòi thượng đài với Từ Hiểu Đông, nhưng kết quả cũng không khá hơn. Trận đấu diễn ra trong 47 giây, người hâm mộ chứng kiến Lã Cương hoàn toàn chịu trận và phải nhập viện với cái mũi bị gãy.
Trận đấu với Từ Hiểu Đông khiến cho tên tuổi võ sư Lữ Cương tổn hại nghiêm trọng. Không chỉ bị đánh đến giập mũi, Lữ Cương còn có hành động đáng xấu hổ khi quay người bỏ chạy ngay trên sàn đấu.
Sau 1 trận thua muối mặt của võ truyền thống, một tài phiệt Trung Quốc đã treo thưởng 30 triệu nhân dân tệ (4,4 triệu USD) cho Điền Dã, một võ sư có tiếng trong giới võ thuật Trung Quốc nếu đánh bại được Từ Hiểu Đông. Kể cả nếu thua thì Điền Dã vẫn được nhận 3 triệu tệ (440.000 USD).
Bắt đầu hiệp một, Điền Dã tung ra hàng loạt cú đấm nhưng Từ Hiểu Đông không thèm đánh lại vì khinh thường những đòn đánh yếu ớt vô lực đó, rồi bất ngờ tung một cú huých khuỷu tay vào mặt đối thủ.
|
Võ thuật cổ truyền Trung Quốc sụt giảm uy tín sau thất bại liên tiếp |
Cao thủ võ truyền thống bị gãy mũi, máu chảy xuống bụng và bị trọng tài kéo ra ngoài chỉ sau 30 giây. Từ Hiểu Đông quay mặt ra chỗ khác, nhún vai trong lúc Điền Dã băng bó. Mắt và mũi của Điền Dã bị bông băng gần như che kín hoàn toàn.
Từ Hiểu Đông vờn đối thủ và dứt điểm bằng một cú đá vào người khiến Điền Dã ngã bệt xuống sàn đấu trong hiệp hai. Trên xương sườn và chân của Điền Dã có nhiều vết bầm lớn. “Bậc thầy kungfu” vẫy tay chào khán giả khi kết thúc.
“Là một võ sư truyền thống, tôi phải có khả năng chấp nhận thử thách. Tôi sẽ rút gươm khi cần”, Điền Dã nói. Trận đấu giữa Từ Hiểu Đông và Điền Dã đang tiếp tục gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng những trận đấu thế này khiến hình ảnh của võ thuật truyền thống ngày càng tệ hơn.
Cũng tại một giải đấu tương tự UFC dành cho võ tự do, đệ tử Thiếu Lâm là Trương Gia Tài bị hạ knock-out trong vòng 6 giây. “Anh ta bị choáng và nếu trọng tài không dừng trận đấu kịp thời, Trương có thể nguy hiểm đến tính mạng”, Sohu đưa tin.
Trang mạng Trung Quốc cho biết thêm, Gia Tài là nhà vô địch Tán thủ tại Bắc Kinh, có kinh nghiệm thực chiến phong phú và từng được truyền dạy tại Thiếu Lâm tự. Tuy nhiên, cao thủ Thiếu Lâm tỏ ra bị động và lúng túng ngay từ khi nhập cuộc.
Đối thủ của Trương Gia Tài là một võ sĩ MMA người Kazakhstan ít tiếng tăm, có tên Ba Cáp Đa Nhĩ. Sohu mô tả: “Ngay từ đầu, Trương dường như không biết điều gì xảy ra với mình. Ba Cáp Đa Nhĩ tấn công phủ đầu bằng một cú đấm trực diện, sau đó quật ngã đối thủ.
Những đòn đánh liên tiếp từ trên cao khiến Trương tổn thương và run rẩy. Trọng tài gần như phải lao vào hai võ sĩ, nhanh chóng dừng trận đấu. Việc đếm ngược dường như là vô ích, bởi Trương đã bị choáng”.
Theo đồng hồ bấm giờ của trọng tài, trận đấu giữa cao thủ Thiếu Lâm và đối thủ nước ngoài chỉ kéo dài vỏn vẹn 6 giây. Trong thời gian đó, Ba Cáp Đa Nhĩ tung ra 4 cú đấm đều chính xác. “Bộ mặt thật của võ truyền thống Trung Quốc là gì?
Liệu có khả năng thực chiến với MMA hay không, khi mà võ sĩ của họ không thể đứng vững nổi vài giây, dù đối thủ không quá mạnh?”, Sohu đặt câu hỏi. Và hơn nữa, Trương Gia Tài lại là một nhà vô địch Tán thủ đang tuổi tráng niên, càng khiến vị thế của võ truyền thống giảm sút.
Trong một diễn biến khác, video một võ sĩ xưng là đại sư môn phái Bát Quái Chưởng tới câu lạc bộ võ tự do (MMA) thách đấu và bị đánh gục sau khoảng 1 phút đang thu hút sự chú ý ở Trung Quốc. Trận so tài diễn ra trên sàn đấu của câu lạc bộ võ tự do tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Trong video, võ sĩ MMA đeo găng, mặc đồ bảo hộ chân, trong khi võ sư Bát Quái Chưởng dùng tay không, đeo đồ bảo hộ chân và hạ bộ.
Ngay khi trọng tài ra hiệu trận đấu bắt đầu, võ sĩ MMA liên tiếp tung đòn đấm về phía đại sư Bát Quái Chưởng khiến võ sư này chưa kịp thủ thế đã dính một đòn rất nặng vào mặt. Không dừng lại, võ sĩ MMA tiếp tục tung đòn đấm như mưa khiến đại sư Bát Quái Chưởng chỉ biết lùi, sau đó khuỵu xuống sàn đấu. Trọng tài yêu cầu tạm dừng, song đại sư Bát Quái Chưởng vẫn ôm chặt chân võ sĩ MMA, sau đó tự ngã sấp mặt xuống võ đài.
Khi trận đấu được tiếp tục, võ sĩ MMA vài lần đá trúng phần đầu và tung nhiều cú đấm vào mặt đại sư Bát Quái Chưởng khiến đối thủ gục xuống. Trọng tài tuyên bố võ sĩ MMA thắng cuộc, trận đấu diễn ra khoảng 1 phút. Bát Quái Chưởng là một trong những môn võ truyền thống của Trung Quốc, còn được gọi là Bát Quái Du Thân Chưởng, một môn quyền thuật dựa vào sự biến hóa của đòn tay, kết hợp bộ pháp.
Người luyện môn võ này được yêu cầu di chuyển theo hình tròn, từ tâm hình tròn di chuyển ra khắp các hướng. Bát Quái Chưởng được yêu thích ở Trung Quốc bởi nó giúp người tập mạnh khỏe, luyện các kỹ năng phòng thủ, tấn công.
Mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện ý kiến nghi ngờ người xưng là đại sư Bát Quái Chưởng trong trang phục quần thể thao, áo phông không giống người luyện võ. Ý kiến khác nói vị đại sư Bát Quái Chưởng này đã bôi nhọ danh tiếng môn phái.
Một chuyên gia về võ thuật cho rằng, võ truyền thống phương Đông không phải để tranh đấu, mà là rèn luyện tinh thần và thể chất để tiến tới bước cao hơn là tu luyện. Còn võ tổng hợp là kỹ thuật quyền cước đối kháng thực tế. Tốc độ ra đòn, tốc độ phản ứng, lực độ được nghiên cứu hoàn thiện để ra đòn một cách nhanh, mạnh nhất và hạ gục đối phương nhanh nhất.
Võ thuật truyền thống là con đường tu luyện từ thấp lên cao nên không phải cơ chế ra đòn quyền cước. Do đó nếu dùng để thi đấu quyền cước thì đó là dùng sở đoản của mình để đấu với sở trường của người. Do mục đích khác nhau nên trọng điểm cũng khác nhau. Trong võ thuật truyền thống, người luyện ít khi đối kháng thực tế và tốc độ ra đòn, bộ phận cơ thể ra đòn cũng cho thấy nhiều sự bất hợp lý trong đối kháng.
Đơn cử như trong võ truyền thống, người luyện có thể dùng ngón tay, mu bàn tay, vai hay thậm chí dùng cả đầu để tấn công đối phương. Đây là những bộ phận cơ thể tương đối yếu, cần phải luyện cho đủ cứng cáp để gây ra khó khăn cho đối phương.
Nhưng có khi có những người luyện cả đời cũng khó thành công nên không thể áp dụng khi chiến đấu. Như mu bàn tay và ngón tay là nơi rất yếu, nếu dùng bộ phận này tấn công đối thủ thì không những không gây tổn hại cho đối thủ mà có thể bản thân còn gặp chấn thương.
Trong võ tổng hợp, đầu là nơi giữ cân bằng cho toàn bộ cơ thể nên cần bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng trong võ truyền thống, thậm chí bộ phận này còn được coi là bộ phận tấn công, tức là đưa điểm yếu của cơ thể ra cho đối phương khai thác, như vậy là rất nguy hiểm.
Võ tổng hợp tập trung tới yếu tố lực và tốc độ, những cú đấm vòng hay những cú quại tay, với quãng đường dài, vận tốc lớn tạo ra lực tác động lớn nên khi đối thủ dính đòn sẽ lập tức choáng váng, đồng thời sẽ dễ tiếp cận mục tiêu hơn.
Còn những đòn ngắn, quãng đường ngắn như của phái Vịnh Xuân thì tốc độ dù có nhanh cũng khó tiếp cận mục tiêu, cần phải dựa vào lực của đối phương khi xông vào kết hợp mới có thể tạo ra tác động lớn để hạ đối phương. Tuy nhiên, trong các trận đấu thực tế, các đối thủ thường giữ khoảng cách rất tốt, tiếp cận tốt hơn nên võ sĩ phái Vịnh Xuân thường gặp thua thiệt.