Hoãn xét xử cán bộ sai phạm Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An

(PLVN) - Hành vi phạm tội của các bị cáo được xác định là liên quan đến việc mua sắm gói thiết bị thuộc một phần Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An được phê duyệt đầu tư 120 tỷ đồng.
Hai bị cáo Kim Văn Bốn và Nguyễn Tâm Long (Ảnh: H.B).

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến nhóm cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, gồm bị cáo: Kim Văn Bốn (SN 1983, cựu cán bộ Phòng chính sách); Nguyễn Tâm Long (SN 1974, cựu quyền Trưởng phòng Chính sách); Chu Thị Thúy Khanh (cựu Kế toán Ban Dân tộc).

Liên quan đến tội danh này còn có bị cáo Lê Văn Sơn (SN 1962) và Nguyễn Đình Thịnh (SN 1981), là Giám đốc và Phó giám đốc Công ty xây dựng Văn Sơn. Trong vụ án này, ông Lương Thanh Hải - cựu Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hành vi phạm tội của các bị cáo được xác định là liên quan đến việc mua sắm gói thiết bị thuộc một phần Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An.

Theo kế hoạch, vụ án sẽ đưa ra xét xử vào sáng 28/10, tuy nhiên bị cáo Chu Thị Thúy Khanh có đơn xin vắng mặt; một số nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng không có mặt tại tòa theo giấy triệu tập.

Theo VKSND tỉnh Nghệ An, việc vắng mặt bị cáo Khanh và các nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ ảnh hưởng đến việc chứng minh các vấn đề của vụ án.

Sau khi xem xét, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và mở vào thời gian tới để đảm bảo việc xét xử được khách quan, chính xác.

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025 được phê duyệt năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 90%, địa phương đối ứng 10%.

Đề án được thực hiện tại huyện Tương Dương với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn, phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán... của người Ơ Đu - một nhóm dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An.

Tới tháng 7/2020, đề án đã được cấp hơn 28 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nhiều hạng mục. Cơ quan chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong quá trình triển khai đề án này.

Theo thống kê, năm 2015, dân tộc Ơ Đu có 179 hộ, 856 khẩu, sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương. Đến năm 2019, kết quả điều tra dân số cho thấy dân tộc Ơ Đu có 428 người. Hiện, dân tộc Ơ Đu sống rải rác tại huyện Tương Dương và Thanh Chương (Nghệ An).

Đọc thêm