Hoạt động cho thuê tài chính: Hoàn thiện pháp lý để phát huy hiệu quả hơn nữa

(PLVN) - Là phương tiện cấp tín dụng được đánh giá là tối ưu, giúp doanh nghiệp (DN), người dân dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng mà không cần thế chấp tài sản, dư nợ tín dụng cho thuê tài chính (CTTC) dự kiến có mức tăng 20% trong năm 2024 nhờ Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2024. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, nhiều vướng mắc pháp lý cần tiếp tục được tháo gỡ.
Một Hội thảo về hoạt động cho thuê tài chính. (Ảnh: Thanh Thanh).

Kênh huy động vốn hiệu quả

Theo Hiệp hội CTTC Việt Nam (VILEA), tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của 6 công ty hội viên đã đạt trên 41 ngàn tỷ đồng, tăng 10,65% so cuối năm 2022; tổng nguốn vốn huy động là 19,8 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 25,76%. Đây là mức tăng huy động vốn gấp hơn 2 lần mức tăng chung của toàn hệ thống các TCTD.

Đặc biệt, tổng dư nợ CTTC của công ty hội viên đạt 37,2 ngàn tỷ đồng, tăng 13,75% so cuối năm 2022; dư nợ CTTC tăng đều đặn qua các quý, với số lượng hợp đồng cho thuê cả năm là 8.403 hợp đồng, tăng 18,3% so với năm 2022.

Cũng theo VILEA, đối tượng CTTC ngày càng phát triển đa dạng: Cho thuê ô tô các loại với dư nợ là 6,6 ngàn tỷ đồng, tăng 17,03% so cuối năm 2023; Dư nợ cho thuê máy móc xây dựng, khai khoáng 3,2 ngàn tỷ đồng, tăng 49,41%; thiết bị y tế 162 tỷ đồng tăng 55,2%; dây chuyền máy sản xuất đã tăng rất mạnh, dư nợ đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 183,49% so cuối năm 2022.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký VILEA, 100% khoản cấp tín dụng qua CTTC đều được đánh giá rủi ro môi trường, có thể được xem tín dụng xanh trong ngành CTTC triển khai sớm và đầy đủ, nhiều khoản CTTC đã góp phần xanh hóa ngành dệt may;…

Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức bình quân dưới 1%; tổng quỹ trích dự phòng rủi ro đạt 260,8 tỷ đồng, tăng đến 360,51% so năm 2022; các công ty hội viên đều kinh doanh có lãi, mức ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) đạt từ 8% đến trên 10%.

Đánh giá triển vọng năm 2024, VILEA cho rằng, do yếu tố bất định nên khó khăn, thách thức vẫn bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội và động lực mới luôn xuất hiện, với kinh tế Việt Nam các yếu tố như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trở thành động lực lan tỏa cho kinh tế tư nhân phát triển cũng là cơ hội để dịch vụ CTTC phát triển; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần lượng vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh rất lớn từ các TCTD trong đó có CTTC; ngành nghề sản phẩm mới trong ngành điện tử sẽ mở ra cơ hội nhập dây chuyền máy móc thiết bị mà ở đó CTTC đóng vai trò quan trọng; Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhiều DN FDI đã rất quen với dịch vụ CTTC cũng là dư địa rất lớn để phát triển.

Đặc biệt, khung khổ pháp lý mới sẽ được hướng dẫn bổ sung khi Luật Các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/7/2024 đối với lĩnh vực CTTC những khoản CTTC nhỏ lẻ từ dưới 100 triệu đồng nhắm tới CTTC thiết bị văn phòng, cho thuê tài sản tiêu dùng đối với hộ gia đình trong các khu dân cư cũng đã được Luật Các TCTD (sửa đổi) quy định không cần thiết kiểm soát mục đích sử dung vốn…

Vì vậy, VILEA dự kiến: Mức tăng trưởng dư nợ khiêm tốn CTTC năm 2024 khoảng 20%, dư nợ của các công ty hội viên cuối năm 2024 đạt khoảng 45 ngàn tỷ; sản phẩm cho thuê chủ lực vẫn là: ô tô các loại; máy móc xây dựng, thi công; dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất…

Tiếp tục gỡ “rào cản” pháp lý

Trao đổi với PLVN, Tổng Thư ký VILEA Phạm Xuân Hòe cho biết, tỷ lệ dư nợ CTTC/GDP Việt Nam rất thấp chưa đầy 0,4%, trong khi Mỹ là 22%, Trung Quốc 18%.

“Cấp tín dụng dưới dạng CTTC là một trong phương thức tối ưu, giúp DN, người dân kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng mà không cần thế chấp tài sản; người thuê có thể bán lại tài sản của mình và thuê lại chính tài sản đó, qua đó giải phóng vốn cố định bổ sung vốn cho kinh doanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, DN Việt Nam nhất là DN nhỏ và vừa và người dân biết đến CTTC chưa nhiều…” - ông Hòe chia sẻ.

Trong rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ, Tổng Thư ký VILEA đặc biệt nhấn mạnh một số “rào cản” pháp lý như: Đối tượng sản phẩm CTTC; tỷ lệ về an toàn trong quản trị rủi ro không thể xem CTTC như ngân hàng thương mại; quy định mới về đăng ký vận hành phương tiện giao thông đang vướng mắc về thời gian đăng ký, biển số theo vùng miền nay chỉ về hội sở chính, đổi biển dẫn đến nhiều khách hàng đã từ chối thuê tài chính với tổng số tiền từ các hợp đồng tín dụng không thực hiện được là hơn 400 tỷ đồng (thống kê sơ bộ từ 4 công ty CTTC hội viên)…

“Vì vậy, để tạo môi trường thuận lợi CTTC phát triển, VILEA kiến nghị ưu tiên trước mắt cũng như VILEA sẽ là đầu mối tập hợp trí tuệ của hội viên và đề nghị cơ quan soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về CTTC một trong lĩnh vực của tổ chức tài chính chuyên ngành theo khung khổ Luật các TCTD (sửa đổi)…” - đại diện VILEA chia sẻ.

VILEA cũng đề nghị Thông tư 24/2023/TT-BCA về cấp thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới cẫn sớm được sửa đổi. “Mặc dù những kiến nghị vướng mắc liên quan đến Thông tư này đã được cơ quan soạn thảo ghi nhận và nghiên cứu, nhưng trên thực tế vẫn chưa được chỉnh sửa nên đây vẫn là vướng mắc lớn nhất hiện tại...” - đại diện VILEA khẳng định.

Đọc thêm