Hoạt động san gạt, hạ cốt nền, khai thác đất đồi tại Phú Thọ: Tỉnh chỉ đạo tạm dừng, huyện Tam Nông vẫn tiếp tục cấp phép

(PLVN) - Ngày 24/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tạm dừng chấp thuận cho san gạt, hạ cốt nền đất sản xuất đối với hộ gia đình. Tuy nhiên, cùng ngày 24/6, UBND huyện Tam Nông vẫn tiếp tục cấp phép cho hộ gia đình san gạt hàng nghìn m2 đất.
Hoạt động san gạt, hạ cốt nền, khai thác đất đồi tại Phú Thọ: Tỉnh chỉ đạo tạm dừng, huyện Tam Nông vẫn tiếp tục cấp phép

Phản ánh của người dân khu 7 xã Thọ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) trong suốt một thời gian dài vừa qua, hoạt động khai thác đất tại đây ngày một mở rộng, phương tiện ngày một nhiều lên.

Việc khai thác đất ồ ạt đã ảnh hưởng lớn đến nhân dân trong khu vực, nhất là vấn đề môi trường. Với tần suất khai thác lớn, xe tải nườm nượp ra vào chở tài nguyên đi nhưng không được che chắn kỹ, làm bụi, bẩn rơi vãi dày trên đường. Lúc nắng bụi mù mịt, lúc mưa lầy lội.

Ghi nhận của phóng viên tại khu 7 trong nhiều ngày cuối tháng 8/2020 cho thấy, hoạt động khai thác đất diễn ra rầm rộ, máy xúc miệt mài xẻ đồi, núi “ăn” đất, đổ lên hàng loạt xe tải nối đuôi nhau chở đi tiêu thụ. Hoạt động khai thác sôi động, nhưng không có biển mốc, cảnh báo và sự quản lý, kiểm tra, giám sát của bất cứ một đơn vị nào.

 
Tại khu 7 xã Thọ Văn, hàng nghìn m2 đất đồi, rừng sản xuất đã bị đào, san phẳng chở đi tiêu thụ rầm rộ trong một thời gian dài (Ảnh: Xuân Hồng)

Tại khu 7 xã Thọ Văn, hàng nghìn m2 đất đồi, rừng sản xuất đã bị đào, san phẳng chở đi tiêu thụ rầm rộ trong một thời gian dài (Ảnh: Xuân Hồng)

Ngày 25/8, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Văn cho biết, UBND huyện Tam Nông có văn bản 819/UBND-TNMT (ngày 28/4/2020) chấp thuận cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Miên được hạ cốt nền, san gạt 4.555,9 m2 đất ở, đất trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tương tự như vậy, UBND huyện đã chấp thuận cho bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cải tạo 2.273,5 m2 đất rừng sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình. Cả hộ ông Miên và bà Tuyến đều ở khu 7, xã Thọ Văn; thời gian cải tạo là 4 tháng kể từ ngày được chấp thuận.

Ông Bùi Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Văn trao đổi với phóng viên (Ảnh: Xuân Hồng)
 Ông Bùi Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Văn trao đổi với phóng viên (Ảnh: Xuân Hồng)

Đáng bàn, trong tờ trình xin cải tạo, san gạt, hạ cốt nền, ông Miên và bà Tuyến đều trình bày rõ, đất chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có khả năng thực hiện san gạt tại chỗ. Nhưng không hiểu căn cứ vào đâu, UBND huyện Tam Nông vẫn chấp thuận cho phép cải tạo, san gạt, hạ cốt nền.

Khi UBND huyện Tam Nông ra văn bản chấp thuận cải tạo, san gạt, các hộ đã ngay lập tức ký hợp đồng với công ty Cổ phần xây dựng Đức Trí (xã Hương Nộn, Tam Nông) để công ty Đức Trí được thực hiện cải tạo, san gạt, vận chuyển diện tích đất đã được UBND huyện chấp thuận.

Với “lá bùa” là văn bản 819 của UBND huyện Tam Nông, công ty Đức Trí đã rầm rộ cho máy móc, phương tiện vào cải tạo đất, nhưng thực chất chỉ thực hiện xúc đất chở đi vào nhà máy gạch làm nguyên liệu sản xuất; san lấp các công trình xây dựng.

Quan sát hoạt động san gạt tại khu 7, thấy rất rõ, chỉ có hoạt động múc đất chở đi. Hiện nay, cả một diện tích rất lớn đất đồi, rừng sản xuất đã bị hủy hoại, đang tiếp tục bị đào sâu dựng đứng hàng chục mét, bề mặt san phẳng, nhẵn nhụi. Bao nhiêu đất được máy xúc đào lên, được đưa hết vào xe tải chở đi tiêu thụ; hoạt động cải tạo, san gạt không theo đúng phương án đảm bảo về mục đích cải tạo, cốt độ cao, biện pháp bảo vệ môi trường.

Việc làm này, đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Người dân cho rằng, lợi dụng việc san gạt, cải tạo đất nền, công ty Đức Trí đang ngang nhiên khai thác tài nguyên đất mang đi tiêu thụ trục lợi, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước.

Trước thông tin của người dân về việc khai thác đất rầm rộ, ngày 1/6/2020, UBND huyện Tam Nông đã ban hành văn bản số 1082/UBND-TNMT về việc tạm dừng cải tạo đất khu 7 xã Thọ Văn.

Văn bản nêu rõ, “trong quá trình cải tạo, vận chuyển đất đi nơi khác để đổ thải, trên đường quốc lộ và tỉnh lộ, đơn vị (công ty Đức Trí) vận chuyển đã chưa thực hiện đúng yêu cầu và kế hoạch bảo vệ môi trường. Do đó, yêu cầu tạm dừng việc cải tạo, hạ cốt nền, vận chuyển đất tại hộ Nguyễn Văn Miên, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến để UBND huyện kiểm tra, xác minh làm rõ”.

Trong khi văn bản 1082 của huyện Tam Nông ban hành chưa kịp để người dân thấy rõ việc cải thiện, chấn chỉnh nghiêm hoạt động san gạt, hạ cốt nền đảm bảo đúng quy định, thì ngày 24/6/2020, UBND huyện Tam Nông lại ra văn bản số 1284/UBND-TNMT về việc đồng ý cho ông Nguyễn Văn Miên tiếp tục cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng  đất trồng cây lâu năm để phát triển kinh tế hộ gia đình vẫn tại khu 7 xã Thọ Văn, trong thời gian 1 tháng kể từ khi chấp thuận.

Điều đáng bàn, ngày 24/6/2020, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 2706/UBND-KTN về việc chấn chỉnh hoạt động san gạt, hạ cốt nền, khai thác đất đồi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để bảo vệ khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sán trái phép, chấn chỉnh hoạt động san, hạ cốt nền bảo đảm đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tạm dừng chấp thuận cho san gạt mặt bằng hạ cốt nền đối với hộ gia đình, cá nhân, hạ cốt nền đối với đất sản xuất đất vườn đã được giao. Việc phát sinh khối lượng vật liệu (đất đồi, các loại khoáng sản khác) do cải tạo đất, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đất sản xuất, đất vườn, đất ở UBND cấp huyện phải báo cáo bằng văn bản với UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Khoáng sản năm 2010.

Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tại văn bản 2706 đã rất rõ mục đích để bảo vệ khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sán trái phép, chấn chính hoạt động san, hạ cốt nền đảm bảo đúng quy định. Thế nhưng, văn bản chỉ đạo chưa kịp ráo mực thì lập tức, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phạm Văn Quang trong ngày 24/6/2020 đã ký văn bản số 1284/UBND-TNMT chấp thuận cho hộ ông Nguyễn Văn Miên tiếp tục được cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng; khối lượng đất cải tạo được vận chuyển đến san lấp các công trình. Đây là điều nghịch lý trong công tác quản lý hoạt động san gạt, hạ cốt nền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Hơn nữa, thời gian san gạt, hạ cốt nền của hộ ông Miên tại khu 7 xã Thọ Văn dù được huyện Tam Nông chấp thuận chỉ thực hiện đến ngày 24/7 thì hết hạn. Nhưng trên thực tế, hơn một tháng trôi qua, đến nay (ngày 26/8), tình trạng này vẫn tiếp diễn, đặt ra những vấn đề bất cập trong công tác quản lý hoạt động cải tạo, san gạt, hạ cốt nền đất trên địa bàn xã Thọ Văn, huyện Tam Nông. Về việc này, Chủ tịch UBND xã Thọ Văn Bùi Đức Trung nhấn mạnh, việc san gạt, hạ cốt nền tại khu 7 phức tạp, khiến chính quyền xã đau đầu trong công tác quản lý. Hiện nay, hoạt động san gạt, hạ cốt, chở đất đi hoàn toàn sai quy định, bởi thời hạn UBND huyện cho phép đã hết hạn từ ngày 24/7. UBND xã tiến hành kiểm tra, xử lý lập biên biên bản, yêu cầu đối tượng dừng ngay việc đào đất, san gạt; báo cáo cơ quan có thẩm quyền cao hơn, xử lý nghiêm theo quy định.

Mặc dù, đã hết hạn được phép cải tạo, san gạt, hạ cốt nền nhưng tại khu 7, đến nay, hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra. Tài nguyên đất, đang bị thất thoát, hủy hoại (Ảnh: Xuân Hồng)
 Mặc dù, đã hết hạn được phép cải tạo, san gạt, hạ cốt nền nhưng tại khu 7, đến nay, hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra. Tài nguyên đất, đang bị thất thoát, hủy hoại (Ảnh: Xuân Hồng)

Được biết, trước đó, vào ngày 31/7/2020, UBND xã Tam nông cũng đã lập biên bản đình chỉ hoạt động khai thác, hạ cốt, vận chuyển đất của công ty Đức Trí tại diện tích đất của hộ bà Nguyễn Thị Tuyến ở khu 7, do không cung cấp được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Rõ ràng, việc làm của UBND huyện Tam Nông cho thấy công tác quản lý hoạt động san gạt, hạ cốt nền, khai thác đất đồi tại tỉnh Phú Thọ chưa thực hiện thống nhất, đảm bảo quy định, yêu cầu đặt ra. 

Đọc thêm