Học đại học: chọn trường đúng-quyết định tương lai đúng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, kỳ thi tuyển sinh đại học đang vào giai đoạn cao điểm, vấn đề tìm trường đại học - một trong những việc làm quan trọng hàng đầu trước khi tiến hành đăng ký dự thi đại học đang gây ra nhiều lo lắng nhiều thí sinh và phụ huynh. Thí sinh cần làm gì để đưa ra quyết định tìm được trường đại học chuẩn xác và phù hợp nhất? Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với TS. Trần Xuân Thảo - nhà quản lý giáo dục để tìm hiểu thêm và tham khảo cách nhìn của ông về vấn đề này.
TS. Trần Xuân Thảo (ngoài cùng bên phải) tham gia Hội thảo Giáo dục khai phóng mô hình Hoa Kỳ tại TP.HCM năm 2017
TS. Trần Xuân Thảo (ngoài cùng bên phải) tham gia Hội thảo Giáo dục khai phóng mô hình Hoa Kỳ tại TP.HCM năm 2017

PV:Cách mạng của công nghệ 4.0 đãvà sẽ làm thay đổi hoàn toàn thị trường lao động trong nhiều năm tới. Sự cạnh tranh nghề nghiệp vì thế sẽ khốc liệt hơn. Tìm trường đại học tuy không phải là nhân tố duy nhất quyết định sự thành bại của một con người, tuy nhiên chắc chắn đó sẽ là một yếu tố cần thiết để có được một môi trường học tập giúp phát triển năng lực cho một tương lai đảm bảo bền vững. Tuy nhiên, không ít người nghĩ rằng, vào Đại học là để học một nghề. Vậy, vào Đại học nên chọn trường trước hay chọn ngành học trước, thưa ông?

TS. Trần Xuân Thảo: Cần phân biệt giữa một trường đại học (higher education institution) và một trường dạy nghề (vocational school). Trường đại học giúp các bạn chuẩn bị cho một ngành nghề thường phải cần đến kiến thức học thuật và các năng lực tư duy bậc cao, trong lúc trường dạy nghề thì chú ý đến những kỹ năng chuyên dùng cho một công việc (hay nghề cụ thể). Tránh vào những đại học mà quảng bá hoặc khi tuyên bố tuyển sinh có nêu những mục tiêu như là một trường dạy nghề. Muốn học nghề, thì tốt nhất là theo học tại một trường dạy nghề.

PV: Ngành học sẽ quyết định trường học.Chọn ngành học, trường học theo sở thích không đồng nghĩa với việc lựa chọn bất chấp. Vậy, chọn đúng nghề nghề dự báo sẽ thành công trong nghề nghiệp, có được công việc tốt sau này. Điều này có đúng không thưa ông?

TS.Trần Xuân Thảo: Trong bối cảnh xã hội biến động về thị trường lao động, nghề nghiệp, một trường mà có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm cao chứng tỏ chương trình đào tạo của họ rất tốt trong việc trang bị những năng lực phổ thông, và kiến thức nền rất tốt. Ở Mỹ không ít người xuất thân từ các Đại học Khai Phóng (Liberal Arts Colleges) nhìn lại và cho rằng thành công của họ bắt nguồn từ năm tháng họ được học ở các đại học này - là những đại học rất mạnh về chương trình giáo dục đại cương, rất chú tâm đến việc giúp sinh viên phát triển những năng lực chung như tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, tổng hợp, và kiến thức năng lực về và cho cuộc sống… là những kiến thức và năng lực rất cơ bản cần có để thành công trong cuộc sống và trong nghề nghiệp.

TS.Trần Xuân Thảo

TS.Trần Xuân Thảo

PV: Khi đứng trước quyết định lớn của đời mình khá nhiều bạn trẻ phân vân và bối rối không biết nên làm như thế nào. Xin ông cho biết cốt lõi nhất của việc chọn trường là gì?

TS. Trần Xuân Thảo: Dĩ nhiên, được học đúng ngành mình muốn học, với những giảng viên chất lượng, ở một khoa uy tín của một đại học uy tín thì đó là một tổng hợp tối ưu. Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ điều kiện để có sự chọn lựa tối ưu này. Khi không có được tối ưu này thì cốt lõi của việc chọn trường thực chất là chọn khoa, chọn ngành học. Khó để có một trường mà phát triển đồng đều tất cả mọi ngành và tất cả các Khoa. Mỗi trường thường chỉ có một (vài) ngành học là thế mạnh của họ. Bởi vậy, cần tìm những ngành ở những khoa là thế mạnh của nhà trường để theo học. Không vào một cửa hàng nổi tiếng về phở để ăn một tô bún với hy vọng tô bún cũng nổi tiếng như tô phở. Ăn những tô bún ở các cửa hàng này vừa đắt mà có khi chất lượng không bằng ở một cửa hàng nhỏ lẻ. Được vào học ở những khoa có những vị giảng viên giỏi là một quyết định đúng đắn. Và sau khi tốt nghiệp, khi đi xin việc, có được thư giới thiệu của các giảng viên uy tín này, thì khả năng được tuyển chọn là rất cao. Các giảng viên giỏi luôn luôn tìm mọi cách để nâng đỡ những sinh viên giỏi và họ thường có những thư giới thiệu rất thuyết phục.

PV: Chọn trường đại học có chất lượng đào tạo tốt sẽ giúp thí sinh tích lũy được những kiến thức tốt để áp dụng vào thực tiễn. Và khi làm việc, bạn sẽ được đánh giá cao về năng lực. Sự khác biệt giữa trường Đại học đào tạo “truyền thống” và “hiện đại” là gì?

TS.Trần Xuân Thảo: Thông thường, những trường có tổng số sinh viên nhỏ hoặc vừa phải thì nhà trường có nhiều thời gian hơn cho sự chăm sóc việc dạy và học, và thường các hoạt động và dịch vụ sinh viên được chăm chút tốt hơn. Đa số các trường Đại học Khai Phóng (Liberal Arts Colleges) ở Mỹ - những đại học rất nổi tiếng về chất lượng có số lượng sinh viên rất bé, có trường chỉ tầm 1000 sinh viên. Ở một số đại học nổi tiếng, sinh viên thường chọn vào học những lớp có hạn chế số sinh viên cho mỗi lớp, có lớp tối đa là 15-20 sinh viên. Thực tế có lớp chỉ có chưa đầy 10 sinh viên. Đơn giản là vì hai lý do: họ đang có điều kiện tốt hơn, đặc biệt về thời gian, cho sự chăm sóc đó, và 2. Họ đang muốn chính sự chăm sóc tốt hơn này sẽ tạo lực hút để có nhiều sinh viên tiềm năng hướng đến trường. Những trường nổi tiếng và đã có quá đông sinh viên, thì tất cả mọi sự chú ý chăm chút thường bị dàn trải. Chúng ta có thể nhìn vào một so sánh tương tự giữa nhà đông con và nhà ít con.

TS. Trần Xuân Thảo (thứ tư từ trái sang) tham gia hội đồng phỏng vấn thí sinh đăng ký học bổng Fulbright Mỹ

TS. Trần Xuân Thảo (thứ tư từ trái sang) tham gia hội đồng phỏng vấn thí sinh đăng ký học bổng Fulbright Mỹ

PV: Hàng năm tại các trường đại học, số lượng sinh viên năm nhất, năm hai xin chuyển trường và chuyển ngành hoặc thôi học tương đối lớn. Lý do chính dẫn đến việc này chính là ngành học cũng như môi trường Đại học không phù hợp.Có phải người học đều có thể lựa chọn trường đại học công hoặc tư, miễn là đại học đóphù hợp với mục tiêu học tập của thí sinh? Xinông chia sẻ quan điểm về đại học công và đại học tư.

TS.Trần Xuân Thảo: Nên học đại học công hay đại học tư? Công hay tư thì không có trường nào là miễn phí cả! Yếu tố quan trọng để quyết định cho một sự chọn lựa đúng đắn cho một đầu tư hiệu quả kinh tế cao là: các giảng viên đang tham gia giảng dạy bộ môn hay chuyên ngành mình muốn học có chất lượng không. Và việc tổ chức dạy và học tại Khoa có tốt không? Không nhất thiết phải phân biệt giảng viên là cơ hữu hay thỉnh giảng. Một lợi điểm của trường tư là họ rất mở và linh động trong việc mời giảng viên thỉnh giảng, nên thường mời được những giảng viên chất lượng và không phải gắn bó với một giảng viên mà đa số sinh viên không đánh giá cao. Một trong những cách tìm kiếm thông tin là qua những sinh viên đang theo học tại trường, và ngày nay với sự phát triển của mạng xã hội có thể qua các trang Student Confession, mà không chỉ nhìn vào các ấn phẩm quảng bá. Theo dõi những trao đổi giữa sinh viên và sinh viên, giữa sinh viên với nhà trường thường sẽ giúp có được một bức tranh hiện thực thực tế về Khoa/Trường. Nên theo dõi cả một quá trình và thời gian dài, chứ không chỉ qua một vài câu riêng lẽ, để tránh những đánh giá phiến diện, cá nhân. Nếu cần tìm hiểu thêm thì mạnh dạn tham gia cuộc trao đổi về một đề tài hay chủ đề thời sự của trường. Các trường uy tín cũng rất trân trọng sự cân nhắc nầy của học sinh.

PV: Với kinh nghiệm trong quản lý giáo dục,ông suy nghĩnhư thế nào về việc một trường Đại học càng có sứ mệnh rõ ràng, đặc sắc thì trường Đại học đó càng có triển vọng phát triển?

TS.Trần Xuân Thảo: Về sứ mệnh, tầm nhìn của trường Đại học, hiện nay bên cạnh những trường rất chăm chút xây dựng sứ mệnh và tầm nhìn rồi có kế hoạch ngắn hạn dài hạn tâm huyết cho sứ mệnh và tầm nhìn đó, không ít trường hợp chỉ “cắt & dán” sứ mệnh tầm nhìn lên tường nhà mình mà cần phải có con mắt của nhà đánh giá chuyên nghiệp mới phân rõ thực hư.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

TS. Trần Xuân Thảo khởi nghiệp là giảng viên tiếng Anh tại ĐHSP Huế vào năm 1977, lấy bằng thạc sĩ GD tiếng Anh tại Đại học Canberra, Úc năm 1990, và bằng tiến sĩ QLGD tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ năm 1998. Quan tâm chính của ông là dạy - học tiếng nước ngoài, và các vấn đề về quản trị giáo dục như chiến lược, chủ trương, chính sách và biện pháp thực hiện.

Đọc thêm