Học được gì từ cách quản lý du lịch biển ở Tây Ban Nha?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhận thấy du lịch có thể tàn phá “món quà” thiên nhiên ban tặng, chính phủ Tây Ban Nha đã áp dụng nhiều chính sách thiết thực và biện pháp nghiêm ngặt tại những khu du lịch biển trong gần hai thế kỷ qua.
Học được gì từ cách quản lý du lịch biển ở Tây Ban Nha?

Thiên nhiên ưu đãi cho đất nước Tây Ban Nha nhiều bãi tắm quyến rũ nhất thế giới như Balearic, Barcelona, Saint Sebastián, Valence, Marbella… Trước dịch bệnh, mỗi năm có hàng triệu du khách từ khắp nơi đến đây tận hưởng không khí biển trong lành, sảng khoái.

Nhận thấy du lịch có thể tàn phá “món quà” thiên nhiên ban tặng, chính phủ Tây Ban Nha đã áp dụng nhiều chính sách thiết thực và biện pháp nghiêm ngặt tại những khu du lịch biển trong gần hai thế kỷ qua.

Phát triển du lịch biển bền vững

Tây Ban Nha có nhiều bãi tắm đẹp, phong cảnh hữu tình với nhiều loại cát màu sắc khác nhau. Đơn cử như cát vàng tại The Costa Daurada, cát màu cam tại The Costa del Azahar, cát trắng tại Costa Blanca và cát đen tại Costa Calida. Đáng nói, 450 bãi biển của đất nước này đã được Tổ chức Giáo dục Môi trường (FEE) xếp hạng theo nhãn sinh thái Lá Cờ Xanh (Blue Flag). Nói cách khác, các bãi biển này phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn về chất lượng nước biển, chất lượng bờ cát, công tác quản lý môi trường, sự an toàn cho du khách, quy trình cung cấp thông tin và giáo dục du khách...

Với gần 5.000 km đường bờ biển, giới chức trách xác định bờ biển có vai trò quan trọng mang tính “sống còn” với nền du lịch nước nhà. Chính quyền các địa phương có biển đều triệt để tuân thủ Luật Bờ biển năm 1988.

Cụ thể, chính quyền kiểm soát hoàn toàn khoảng cách từ mép nước biển vào đất liền trong vòng 500 mét. Tại khu vực này, không cho phép xây dựng bất cứ một công trình tư nhân nào như nhà ở, khách sạn, quán bar, nhà hàng…

Những trường hợp cố ý vi phạm sẽ bị nhà nước tịch thu hoặc phá huỷ tài sản ngay lập tức hoặc trong thời hạn luật định, không có trường hợp ngoại lệ. Chính quyền Tây Ban Nha phải làm chặt với quy định này nhằm đảm bảo không xảy ra những trường hợp các công trình tư nhân cố tình lấn biển, phá hoại cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái biển trong quá trình kinh doanh.

Mặt khác, Tây Ban Nha phân chia các khu vực bảo tồn biển theo các địa phương khác nhau như: La Palma, La Restinga, Isla Graciosa, Isla de Alboran, Cobo de Gata, Isla de Tabarca, Masia Blanca... với mục đích bảo tồn và duy trì sự bền vững của các hệ sinh thái biển và các loài sinh vật biển. Du khách đến tham quan các khu bảo tồn biển này có thể tham gia các hoạt động thể thao như chèo thuyền kayak.

Tuy nhiên, với một số hoạt động thể thao biển khác như bơi, lặn, hầu hết các khu bảo tồn biển đều yêu cầu du khách phải được cấp phép từ các cơ quan có thẩm quyền thì mới được thực hiện. Mỗi một loại hình du lịch trên mặt biển hoặc dưới nước đều có các loại giấy phép tương ứng khác nhau, giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được tần suất của các hoạt động du lịch cũng như tác động của chúng tới biển.

Nếu nhắc đến khu vực thu hút du khách nhiều nhất trước dịch, nhiều người sẽ không ngần ngại nhắc tới vùng biển đảo Balearic. Từ đầu những năm 2000, chính quyền quần đảo Balearic đã quan tâm đến việc áp dụng những biện pháp có thể để vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn thiên nhiên nơi đây. Đơn cử vào năm 2003, mức thuế sinh thái 1 euro/người đã được áp dụng cho các khách sạn nhưng biện pháp này đã không mang lại hiệu quả cao vì chỉ hướng đến đối tượng là cơ sở lưu trú.

Quần đảo Balearic (Tây Ban Nha) áp thuế với khách sạn và du khách.

Quần đảo Balearic (Tây Ban Nha) áp thuế với khách sạn và du khách.

Tiếp đó, vào tháng 7/2016, chính quyền nước này giới thiệu thuế du lịch cho khách tham quan, trong đó mức thuế sẽ tăng gấp đôi đối với khách tham quan có lưu trú. Chính sách này nhằm nhắc nhở du khách đi du lịch có trách nhiệm hơn, đồng thời thu về một nguồn thu lớn để phục vụ các công tác bảo tồn, hạn chế thiệt hại do du lịch gây ra. Ước tính, trong một năm du lịch nhộn nhịp, nguồn thu này có thể đạt tới 60-70 triệu euro/năm.

Năm 2020, dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tây Ban Nha vẫn là một điểm đến mong chờ của đông đảo du khách quốc tế. Để duy trì là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới, Bộ Du lịch Tây Ban Nha đã ban hành kế hoạch phát triển chiến lược toàn diện mang tên “Tourism Plan Horizon 2020”, và quyết định đầu tư nguồn ngân sách hàng năm lên đến 1,9 tỷ USD.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu phát triển du lịch bền vững hài hòa với môi trường, xã hội và văn hóa; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và nền văn hóa phong phú; thúc đẩy mô hình du lịch bền vững; giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Từ ngày 7/6/2021, Tây Ban Nha sẽ mở cửa đón khách du lịch từ bên ngoài Liên minh châu Âu, các quốc gia được coi là có nguy cơ thấp về COVID-19 như Anh và Nhật Bản, miễn là du khách đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, nhiều công ty du lịch, du khách đã không ngần ngại đặt các chuyến đi đến nghỉ dưỡng, tận hưởng tại các bãi biển của Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Tây Ban Nha lại đưa ra một đề xuất khá thú vị. Đó là khuyến khích khách du lịch đến các vùng nông thôn thay vì các điểm đến du lịch biển truyền thống. Mục tiêu của kế hoạch thuộc chính phủ trị giá 10 tỷ euro này là khôi phục cuộc sống ở những khu vực nông đang “chết dần” vì suy giảm dân số, mở ra một cơ hội du lịch mới mẻ cho những du khách đến “xứ sở của những chú bò tót”. Bên cạnh đó, du lịch biển cũng có thể bớt được áp lực du khách đổ dồn về, kể cả khi hết dịch.

Du lịch biển Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa

Đối với Việt Nam, có lẽ không cần phải phân tích quá nhiều để chỉ ra tiềm năng to lớn của du lịch biển đảo với một đất nước sở hữu hơn 3.260 km đường bờ biển và khoảng hơn 3.000 hòn đảo nhiệt đới lớn nhỏ.

Ngoài những trung tâm du lịch biển mang tầm vóc quốc tế gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)… nước ta còn có rất nhiều khu du lịch biển tiềm năng đã được quy hoạch và đầu tư phát triển khác như: bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); bãi biển Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)...

Năm 2019 là năm du lịch Việt Nam phát triển mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ, nhưng các báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho thấy biển nước ta đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm báo động.

Một trong những nguyên nhân chính đến từ các các khu du lịch biển phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch, hệ thống xử lý nước thải, chất thải còn ít… Cộng thêm các tác nhân ô nhiễm khác như nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi, nạn khai thác titan ồ ạt, sự cố tràn dầu trên biển, nguồn ô nhiễm từ đất liền (chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, rác, phế thải vật liệu xây dựng…).

Năm 2018, từng có đề xuất áp dụng “thuế sinh thái” ở bán đảo Sơn Trà để có nguồn kinh phí bảo tồn

Năm 2018, từng có đề xuất áp dụng “thuế sinh thái” ở bán đảo Sơn Trà để có nguồn kinh phí bảo tồn

Một số hậu quả nhãn tiền có thể kể ra như diện tích rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro. Thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển, ven biển nhiều nơi cũng đang bị tổn thương.

Thực tế nhức nhối đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc hoàn thiện pháp luật về biển ở nước ta nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thành công tác quản lý tổng hợp, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Trong đó cũng cần cân nhắc việc quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác du lịch biển như Tây Ban Nha đã làm với đất nước của họ.

Đáng nói, nhiều biện pháp vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đơn cử, năm 2018, từng có đề xuất áp dụng “thuế sinh thái” ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) để có nguồn kinh phí bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.

Cụ thể, một nghiên cứu của TS. Bùi Thị Minh Nguyệt – Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) ước tính, nếu thu phí tham quan bán đảo Sơn Trà với mức 50.000 đồng/người thì điểm đến này sẽ có ngân sách 60 tỷ đồng/năm để chi phí cho quá trình quản lý, bảo tồn đa dang sinh học, đầu tư các giải pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu này cũng cho biết, khoảng 75,4% người được khảo sát sẵn lòng chi trả cho vé tham quan và các tour dịch vụ trong 1 đến 2 ngày tại Sơn Trà. Tuy nhiên, đến nay đây vẫn chỉ dừng ở đề xuất.

Đọc thêm