Chủ quán, một thanh niên trẻ cùng lúc ấy bê thức uống ra, áy náy nói: “Xin lỗi, tôi đông khách nên quên nhắc, ở đây gần đường nên thi thoảng vẫn xảy ra cướp giật, các chị cẩn thận túi xách và điện thoại nhé”.
Lát sau rảnh rỗi, chủ quán kể sơ về cậu bé. Anh nói, cậu bé bán vé số ở khu vực này. Cha mẹ em đã mất, em sống với ông bà. Bà em bệnh không làm gì được, ông em đi làm bảo vệ, em thì ngày bán vé số tối học bổ túc. Em rất ngoan ngoãn, lễ độ. Em chỉ mời, không bao giờ chèo kéo khách. Không chỉ thế em cực kì có ý thức. Khách uống xong đôi khi vứt rác bừa bãi, em liền đi nhặt bỏ vào thùng rác vì sợ gió thổi rác bay ra đường, ô nhiễm phố phường. Lại còn hay nhắc nhở khách cẩn thận đồ đạc, điện thoại không lại vào tầm ngắm bọn cướp giật. Có lần em đi bán vé số, thấy có tên cướp rình một cô gái đang nghe điện thoại trên hè phố, em vội chạy đến cảnh báo. Hai tên cướp tức giận nên rồ ga đạp em ngã xuống đường.
Câu chuyện của cậu bé làm tôi ngạc nhiên thật sự. Một cậu bé bán vé số, học bổ túc nhưng ý thức công dân rất cao, cũng rất mạnh mẽ và quả cảm. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về cậu bé nhặt ve chai ở công viên trung tâm, khi các bạn vui chơi, vứt dép bừa bãi, em chạy đến xếp lại từng đôi dép ngay ngắn.
Ở quận 1, nhiều người còn biết đến cậu bé Minh Nguyên, 11 tuổi, một cậu bé có ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Em thường ra công viên 23/9 gần nhà nhặt rác và kêu gọi các cô chú chung quanh chung tay nhặt rác, bỏ rác vào thùng. Khi được hỏi vì sao ngày nghỉ không đi chơi cho thỏa thích mà đi nhặt rác, cậu bé còn tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” hồn nhiên trả lời: “Không ai dạy em hết, em thích môi trường sạch đẹp nên em ý thức được việc không xả rác và dọn rác. Em muốn người nước ngoài qua đây sẽ ấn tượng về Việt Nam, chứ không thấy Việt Nam là tồi tệ và rác thải bừa bãi”!
Tôi ra chốn công cộng, vẫn thường thấy nhiều bậc cha mẹ để mặc con mình hành xử tùy thích. Có đứa ở quán cafe chạy nhảy khắp nơi, lấy đá ném cá dưới hồ, vặt nhánh cây, xô đổ ghế, mở cửa phòng máy lạnh để cho vui, khóc lóc, la hét, gây ồn ào nhưng cha mẹ chúng chỉ… âu yếm cười, rồi bảo “con nít biết gì đâu”. Đi học, con đánh bạn, giật đồ của bạn, lập nhóm bắt nạt bạn, nhà trường phản hồi, phụ huynh bênh con cũng bảo “trẻ con có biết gì đâu, từ từ dạy”.
Trên các hội nhóm yêu động vật, có không ít phản ánh về tình trạng trẻ con hành hạ động vật. Những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi, ngây thơ lại đi cầm đá ném chó mèo nhà người khác vỡ đầu, chảy máu, lấy dây cột cổ mèo lôi đi xềnh xệch, ném chó con xuống hồ. Có bà mẹ, vì muốn cho con chịu ngồi im ăn, lấy chó con nhà người khác cho con nắm đuôi kéo chơi, chủ của chó thấy được, phản ứng, bà mẹ liền bảo: “Trẻ con nó chơi tí thì có việc gì mà cuống lên, chó chứ có phải người đâu mà báu”.
Trẻ con không biết gì, đó là câu nói bao biện mà nhiều bậc phụ huynh hay đem ra để bênh cho các hành xử sai của con. Bởi cái sai của con trẻ, nói cho cùng chính là cái sai của bản thân họ. Quan niệm lệch lạc, dung túng sai lầm, không uốn nắn của cha mẹ đã dẫn đến trẻ có hành vi thiếu ý thức, sai lệch.
Cùng là trẻ con, có những đứa trẻ cực kì ngoan, hiểu chuyện. Đợt Covid 19 bùng phát, có không ít em nhỏ dùng tiền dành dụm ủng hộ các cô chú bác sĩ, cùng cha mẹ đi phát cơm, phát gạo, phát khẩu trang cho người nghèo. Đợt lũ lụt hoành hành miền Trung, cũng có không ít em tiểu học đập ống heo đem tiền đến các tổ chức từ thiện, hay tự mình kêu gọi, tổ chức cuộc quyên góp nhỏ tại nhà, tại xóm, tại trường để có tiền bạc, sách vở gửi ra cho bạn gặp khó ở vùng lũ.
Các em là những đứa trẻ có ý thức, hẳn là thế, nhưng ý thức ấy phần nhiều xuất phát từ môi trường mà các em đang hấp thụ, đặc biệt là sự giáo dục của gia đình, cha mẹ. Người lớn cứ bảo “trẻ không biết gì”, thực tế, trẻ em học rất nhanh, và có rất nhiều cách giáo dục trẻ phù hợp với lứa tuổi. Cháu gái tôi, lúc 4 tuổi, có lần ra đường thấy rác bên đường đã chạy đến nhặt bỏ sọt. Cháu bảo: “Con sợ mọi người vứt rác ra đường làm bẩn mẹ thiên nhiên, mẹ thiên nhiên sẽ buồn, giận, nghỉ chơi với con người”. Cháu chưa đủ tuổi để hiểu về ý thức công dân, về giữ gìn vệ sinh môi trường có lợi thế nào cho cuộc sống. Nhưng từ những câu chuyện mà bà, mẹ, cô giáo kể, cháu đủ hiểu được rằng, hành động vứt rác là hành động xấu, tổn hại cho thiên nhiên và chính con người.
Một đứa trẻ được giáo dục về ý thức từ nhỏ, lớn lên sẽ trở thành người có ý thức công dân cao, biết tuân thủ pháp luật, có văn hóa, có đạo đức, thành người hữu ích cho xã hội.
Có lần tôi bắt gặp một cậu bé 5 tuổi xếp hàng cùng mẹ trong siêu thị hỏi một người phụ nữ: “Sao cháu xếp hàng ở đây trước mà bác lại chen lên, bác phải biết xếp hàng chứ. Cô giáo cháu dạy người có ý thức là phải biết xếp hàng nơi công cộng, không được chen lấn”. Người phụ nữ đỏ mặt, trở về chỗ cũ.
Nếu người ta cầu thị, trẻ con cũng có thể dạy ta nhiều điều hay.