Hồi đó…

(PLVN) - Chị ngồi trên ghế đá ngoài vườn, lặng lẽ ngắm trời, ngắm mây. Chị muốn ngồi lại thật lâu, dành cho mình một khoảng thời gian để suy nghĩ, thật kĩ, thật sâu về những ngày tháng đã qua.
Hồi đó…

Chị nhìn quanh khu vườn nhỏ. Ngày ấy, khi hai vợ chồng bắt tay vào xây ngôi nhà này, chị đã kiên quyết, dù diện tích nhà không rộng cũng phải giữ lại một khoảnh để làm mảnh sân. Lúc ấy, vợ chồng chị đã hình dung trong đầu một khoảng sân xanh mướt. Nơi đó có những cụm hoa mọc dưới gốc thân cây ngọc lan. Dây leo bò lên tường, một thảm cỏ xanh tươi mát. Trong vườn, sẽ để một chiếc xích đu màu sắc xinh xắn. Đây là sẽ nơi mà Sóc nhà chị lớn lên, được vui chơi bên tiếng cười rộn rã, trong sự chăm sóc và yêu thương của gia đình chị.

5 năm trôi qua. Đứa trẻ ngày đó giờ đã bắt đầu vào lớp 3. Anh từ một chuyên viên đã lên trưởng phòng. Cửa hàng mỹ phẩm nho nhỏ của chị giờ đã mở thêm chi nhánh. Món nợ cho căn nhà đã trả hết. Khu vườn nhỏ này trở nên quá nhỏ bé so với nhu cầu của gia đình họ. Anh chị đã bàn đến chuyện đổi nhà. Sang một căn nhà khác to rộng hơn, có chỗ cho ô tô đậu. Họ cũng đã ngắm nghía được một căn. Có lẽ, họ sẽ tiến hành bán nhà vào khoảng tháng sau. Nếu như hôm nay, chị không được cô giáo của con đưa cho xem bài tập làm văn của cháu. Bài tập làm văn với tựa đề. Hãy tả ngôi nhà của em. Chị đã đọc hết bài văn của con, không sót một chữ nào. Một bài văn không dài.

“Ngôi nhà của em là ngôi nhà đẹp nhất trong lòng em. Ngôi nhà có một phòng ngủ cho ba mẹ em hơi hơi rộng, sơn màu xanh rất là mát mẻ. Hồi đó, em rất là hay ngủ chung với ba mẹ, được mẹ kể chuyện, ba xoa lưng cho em ngủ. Nhà có phòng ngủ của em được sơn màu hồng, để rất nhiều búp bê, hồi đó ba đi công tác về hay mua thêm búp bê cho em. Nhà em còn có một cái bếp nhiều ánh sáng. Ở trong cái bếp, hồi đó ba mẹ thường hay nấu ăn chung vào ngày nghỉ. Còn mỗi ngày tối tối cả nhà ăn cơm cùng nhau, hồi đó ăn rất là ngon và vui.

Em thích nhất là khu vườn nhà em. Hồi đó ba mẹ kể là ba mẹ xây khu vườn để dành làm nơi em chơi. Hồi đó ba mẹ hay chơi cùng em trong khu vườn này. Bây giờ khu vườn là nơi em ẩn trốn. Có một góc dưới hòn đá, em thường tới đó núp mỗi khi ba mẹ em cãi nhau. Mỗi lần đi trốn em thường mang theo con thỏ bé, con thỏ đó chính là người bạn của em, nó thường an ủi em mỗi lần ba mẹ cãi nhau. Nó nói, ba mẹ em sẽ làm lành thôi, em đừng lo, ba mẹ em sẽ không bỏ nhau đâu, đó chỉ là ba mẹ em dọa nhau thôi. Nhưng bây giờ ba mẹ đòi dọn đến nhà lớn khác. Ở nhà lớn sẽ không có khu vườn, không có tảng đá và thỏ con. Không có nơi nào để em trốn mỗi khi ba mẹ cãi nhau nữa…”

Tất cả những gì đẹp đẽ, trong lời con bé viết, đều thuộc về “hồi đó”. Và chị nhớ rằng, những ngày tháng mới chuyển về nhà, còn nợ nần, đồ đạc chưa đầy đủ, mà sao vui đến vậy. Buổi tối, sau khi xong hết công việc của một ngày, hai vợ chồng hay bày một cái bàn nhỏ ra sân ăn bánh, uống nước. Sóc ngồi trên xích đu đong đưa với gấu bông. Anh thường hỏi, lớn lên Sóc thích làm gì. Sóc sẽ trả lời tùy hứng con bé, khi là bác sĩ, khi là cô giáo, lúc lại là nàng tiên. Hai vợ chồng thường hớp mỗi lời con trẻ rồi cười nắc nẻ. Cũng trong khu vườn ấy, họ dệt mơ mộng về tương lai. Chị thường lắng nghe anh chia sẻ những mệt nhọc trong công việc, anh cho chị những lời khuyên trong việc làm ăn.

Đã từ bao lâu rồi, họ không còn những buổi tối như vậy nữa? Đã từ bao lâu rồi, họ không còn hòa thuận, không còn cảm thấy nhau thật đáng yêu? Ban đầu, là một chút bực dọc theo lời nói tuôn ra. Rồi những tiếng nói khó chịu ngày càng nhiều. Không đâu dễ trút giận hơn ở nhà. Đó là nơi không có sếp, không có khách hàng, có nổi nóng, có cáu cũng không bị mất việc, mất khách. Thoạt tiên, họ còn hạ giọng cho những cuộc cãi cọ vì sợ Sóc nghe thấy sẽ buồn. Nhưng rồi, những cơn cáu giận từ bộc phát trở thành thói quen, họ cãi nhau mọi lúc mọi nơi, kiềm làm sao được. Sóc nó là trẻ con, có thấy nó để ý gì đâu.

Đi đâu, ai hỏi, họ cũng bảo, vợ chồng họ tuy hạnh phúc nhưng mà bị “khắc khẩu”, hay cãi nhau. Nhưng giờ, chị nhận ra, đó chỉ là lời bào chữa. Những năm đầu cưới nhau họ đâu có khắc khẩu. Họ nói với nhau bằng nhiều lời yêu thương, họ tốt đẹp trong mắt nhau lắm kia mà.

Và nữa, Sóc đã trở nên lặng lẽ như thế bao lâu rồi? Đã bao lâu rồi Sóc không còn là đứa trẻ hay làm nũng, vô tư lự. Hay cười tươi như hoa, miệng nói, con yêu mẹ nhất trên đời, con yêu bố nhiều hơn vũ trụ luôn. Đã bao lâu, con bé tìm đến tảng đã để náu mình, đến thỏ bé để chia sẻ, thay vì nói những suy nghĩ với cha mẹ mình. Có phải, điều đó có từ lúc anh chị bắt đầu quát vào mặt nhau những tiếng quát đầu tiên?

Đổi nhà có quan trọng đến thế hay không, nếu như ở nhà mới vẫn tiếp tục những cuộc cãi cọ triền miền thế này? Đổi nhà có làm cho Sóc vui hơn, hay vẫn đẩy con bé thêm vào cảnh cô độc, thu hẹp vào thế giới nội tâm? Anh chị đều là những người trí thức, đều học rộng, hiểu chuyện. Nhưng một chút ích kỉ, một chút nóng giận và một chút thờ ơ, bị công việc bị cuộc sống cuốn đi, mà biến mình thành những kẻ bạo hành tinh thần nhau xấu xí trong mắt con, vô tình tổn thương con trẻ. Ngoài kia, còn biết bao đôi vợ chồng như thế?

Chị nhìn lại khu vườn xanh. Đổi nhà để làm gì nữa, khi không xây đắp được hạnh phúc chính trong ngôi nhà mình đang ở. Lỗi đâu có phải ngôi nhà.

Chị thấy mình may mắn khi biết được tâm tư của con gái mình. Để thay đổi một thói quen không phải là dễ dàng. Nhưng chị tin, vợ chồng mình sẽ làm được. Vì họ còn yêu thương. Hơn hết là vì Sóc, một đứa trẻ nhạy cảm, đáng yêu, còn một tương lai rất dài phía trước.

Đọc thêm