Hối hận suốt đời vì tự gây tai nạn do uống rượu

(PLO) - Chỉ vì bốc đồng, mất kiểm soát do uống rượu, bia quá đà, không ít người phải hối hận suốt đời khi tự gây tai nạn cho mình cũng như cho người khác. Trường hợp anh Minh Giang (Vĩnh Phúc) là một ví dụ.
Anh Minh Giang cho biết: Ngày 16/11/2014, tôi và 4 người bạn rủ nhau đi ăn sáng và có uống rượu, tôi bị say và không nhớ sự việc xảy ra như thế nào, khi tỉnh lại thì thấy ở trong bệnh viện. Các bạn đi cùng kể lại tôi lái xe chở A - một trong số 4 người kia và bị ngã (xe máy của A), cả tôi và A đều ngất, được đưa đi cấp cứu. Tôi phải nằm viện 5 ngày rồi về nhà điều trị, giờ sức khỏe đã ổn định; còn A vẫn ở viện, chưa tỉnh. Khi xảy ra sự việc, gia đình tôi (bố, vợ và em trai tôi) đã vào thăm và đưa cho gia đình A 5 triệu đồng. Sau khi đi lại được, tôi cùng vợ thường xuyên vào thăm A và đưa thêm cho gia đình A 20 triệu, không tính các khoản tiền mua quà. 
Hôm A mổ lại, chưa biết kết quả và diễn biến sức khỏe ra sao, tôi và 3 người bạn cùng đi hôm đó vào gặp gia đình A trong viện. Trong khi chờ A mổ, gia đình A có nói là khi xảy ra tai nạn thì không phải tự ngã mà do dính xe vào nhau gây ra tai nạn. Nếu các bạn đi cùng không nhận thì tôi phải chịu trách nhiệm. Ca mổ đã xong và bác sĩ báo là thành công, các bạn và tôi thống nhất mỗi người góp 5 triệu vào gửi cho gia đình A. Tôi rất phân vân không biết tiếp theo phải làm thế nào: xử lý theo tình cảm phải làm thế nào, xử lý theo pháp luật thì phải sao? Trách nhiệm của tôi và các bạn đi cùng thế nào? 
Trường hợp của anh Minh Giang, Công ty Luật Newvision cho biết như sau: Do anh uống rượu say lại còn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, kết quả là anh và người đi cùng đều bị thương phải nằm viện, nhưng người bạn đi cùng là anh A bị thương nặng nhất. 
Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Căn cứ quy định trên, anh sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ từ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, sau khi gây ra tai nạn, anh cũng bị thương phải nằm viện và gia đình anh đã vào viện thăm A, đưa 5 triệu đồng. Sau khi ra viện, anh cũng nhiều lần tới thăm A và đưa thêm 20 triệu đồng. 
Hiện giờ, A đã mổ thành công, không nguy hiểm tới tính mạng nữa. Nếu không muốn bị xử theo pháp luật, anh nên tới nhà anh A xin lỗi và thương lượng với họ để giải quyết theo tình cảm. Nếu không đồng ý họ có thể khởi kiện và anh sẽ bị xử lý theo luật định.
Về trách nhiệm của 3 người bạn kia, theo anh cho biết đã cùng họ vào gặp gia đình A trong viện, trong khi chờ A mổ, gia đình A có nói không phải tự ngã mà do dính xe vào nhau gây ra ngã. Như vậy, 1 trong 3 người bạn kia phải chịu trách nhiệm cùng với anh. Vì khi xảy ra tai nạn không phải tự ngã mà do dính xe vào nhau, xe người nào dính với xe của anh thì người đó phải chịu trách nhiệm. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm