“Hồi kết đẹp” cho hành trình sống sót kỳ diệu của cháu bé bị bỏ rơi giữa rừng tràm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Câu chuyện bé gái sơ sinh bị bỏ rơi đầu tháng 03/2021, được người dân phát hiện nhiều ngày ở rừng tràm ven biển thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Tưởng như "số phận đã an bài", nhưng bé được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình hồi sinh sự sống và đã có hồi kết đẹp.
“Bé Rơi” đã được các y bác sĩ bệnh viện cứu sống và chăm sóc như con sau 1 tháng 21 ngày.
“Bé Rơi” đã được các y bác sĩ bệnh viện cứu sống và chăm sóc như con sau 1 tháng 21 ngày.

Những ngày đầu năm mới 2022 chúng tôi tìm về xã Quảng Hưng. Sau ly trà nóng, ông Đàm Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã hồi nhớ lại, vậy là đã gần 9 tháng mà như vừa hôm qua kể từ ngày bé được người dân phát hiện đưa về Trạm Y tế xã rồi đưa vào cấp cứu tại Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, bé đã may mắn được các y bác sĩ ở đây giành lại sự sống. Hiện bé đã cứng cáp, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Đặc biệt là bé được một gia đình có điều kiện ở Thanh Hóa nhận nuôi dưỡng.

Chị Khâm (áo hoa) và bé Hương (áo vàng) chỉ lại nơi đã tìm thấy “bé Rơi” giữa rừng tràm.

Chị Khâm (áo hoa) và bé Hương (áo vàng) chỉ lại nơi đã tìm thấy “bé Rơi” giữa rừng tràm.

Hành trình sống sót “kỳ diệu”.

Câu chuyện “bé Rơi” đã được Báo Pháp Luật Việt Nam đã có bài viết về hành trình sống sót kỳ diệu: Chuyện bắt nguồn từ cháu bé có tên Nguyễn Thị Thu Hương, học lớp 6 (nay là lớp 7), Trường THCS xã Quảng Hưng, ở gần nhà chị Hồ Thị Khâm, thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Chiều 4/3, Hương cùng mẹ là Phan Thị Trúc đi xe đạp xuống khu rừng tràm ven biển cách nhà khoảng gần cây số để nhặt lá tràm về nấu cám cho lợn.

Khu rừng này nằm cách biệt với khu dân cư và khá rậm rạp nên lâu lâu mới có người đến. Hai mẹ con chia ra hai ngả, Hương đi một đoạn, cách đường bê tông khoảng hơn 50 mét thì giật mình khi nghe tiếng trẻ con khóc yếu ớt.

Bé Hương hét to gọi mẹ, hai mẹ con cũng đi theo hướng có tiếng khóc nhưng chỉ dám đứng từ xa, không dám đến gần. “Ở ngay một bụi cây khá rậm có một bao tải nhỏ. Tiếng khóc phát ra từ trong bao tải, nhưng yếu ớt. Chỉ thi thoảng mới nghe một tiếng é nhỏ”, bé Hương kể tiếp.

Hai mẹ con đều sợ nên chạy một mạch về nhà gọi người. Chị Khâm là người đầu tiên nghe câu chuyện. Chị nói thật mình cũng sợ lắm. Nhưng chị đã có 4 đứa con. Chị thấy lòng mình đau khi nghĩ đến đứa trẻ nằm trong bao tải giữa rừng. Chị chạy về phía mẹ con bé Hương kể. Thấy thế, trong xóm thấy chị đi, mọi người cũng theo sau.

Đến nơi, chị Khâm lật chiếc bao ra thì đúng là có một đứa trẻ sơ sinh đang còn thoi thóp, thở đứt từng hơi. Chị Khâm lấy hết can đảm, lột hết lớp bao rồi ôm đứa trẻ về nhà mình rửa qua, quấn mấy lớp áo rồi đưa ra Trạm Y tế xã. “Đứa bé chỉ to hơn cái chai bị loét khắp người, chỉ còn mắt lim dim. Có lẽ bé đã bị bỏ đói quá lâu nên khô quắt. Không biết ai nỡ nhẫn tâm đến thế”, chị Khâm bồi hồi nhớ lại.

Do bé mới sinh đã bị bỏ rơi giữa rừng tràm nhiều ngày nên trên cơ thể bé đã bị nhiều vết nhiễm trùng rất nặng và đã suy kiệt. Lúc nhập viện, lằn ranh sống chết đã trong gang tấc. Một vài chỗ như tai, rốn, hậu môn đã có “giòi” làm tổ. Khỏi phải nói những ngày đầu các y bác sĩ đã phải vất vả thế nào mới xử lý được hết các vết nhiễm trùng và gắp hết được toàn bộ giòi từ trong cơ thể bé ra. Các bác sĩ chẩn đoán, có lẽ bé đã bị bỏ rơi ít nhất hơn 2 ngày, ấu trùng giòi đã xuất hiện nhiều trên người, nhất là trong tai, phải canh từng giây để gắp từng con giòi khi chúng bò ra ngoài để không làm tổn thương đến màng não của bé. Mất ba ngày công việc này mới xong và bé Rơi mới giành lại được sự sống”.

Chỉ có yêu thương, gieo mầm hạnh phúc mới bù đắp được những bất hạnh cho bé sau này.

Chỉ có yêu thương, gieo mầm hạnh phúc mới bù đắp được những bất hạnh cho bé sau này.

Hồi kết đẹp.

Chị Trần Thị Hương, cán bộ Tư pháp xã Quảng Hưng chia sẻ thêm; sau khi phát hiện sự việc, UBND xã bàn giao cho Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình chăm sóc điều trị cho bé (do bé bị bỏ rơi lâu, hoại tử, nhiễm trùng nặng). Tiếp đó xã phát động phong trào quyên góp ủng hộ tặng quà cho bé, đồng thời luân phiên cử cán bộ vào Bệnh viện thăm bé và thông báo rộng rãi trên thông tin đại chúng cùng 5 thôn, 8 chòm trên địa bàn để tìm cha, mẹ cho bé.

Trong thời gian thông báo 7 ngày vẫn không xác định được ai là cha, mẹ gia đình và người thân của bé đến nhận bé. Sau đó UBND xã cũng tiến hành làm các thủ tục liên quan cho bé theo quy định cụ thể như thông báo cho các gia đình có yêu cầu và đủ các điều kiện làm thủ tục nhận con nuôi, làm thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, đồng thời tiến hành thành lập hội đồng xét duyệt hồ sơ tiếp nhận con nuôi và có 05 trường hợp có đơn đề nghị được nuôi dưỡng bé.

Chuyện may mắn và cảm động là từ tỉnh Thanh Hóa, có cụ ông nguyên là cán bộ lãnh đạo đã luống tuổi (xin được giấu tên và địa chỉ) vào xin nhận bé làm con nuôi cho vợ chồng con gái.

Sau khi xác minh thông tin đầy đủ theo quy định, UBND xã Quảng Hưng đã tiến hành thành lập hội đồng đi xác minh, đảm bảo đúng các điều kiện để nuôi bé, đồng thời làm các thủ tục giao nhận việc chăm sóc, nuôi dưỡng và các thủ liên quan. Từ đây bé L. B. A đã không còn mang thân phận (bé Rơi được các bác sĩ bệnh viện đặt tạm trong bệnh án) mà đã có họ, có tên, có cha, có mẹ, có ông, bà, người thân chăm sóc, yêu thương như những đứa trẻ bình thường khác.

Chị Hương say sưa kể thêm: Sau 1 tháng 21 ngày được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, sức khỏe bé đã ổn định, cơ thể đã sáng và hồng hào hơn. Đặc biệt khi bế trên tay cháu bé L. B. A, gia đình và ông ngoại vào nhận nuôi dưỡng bé đã không cầm được nước mắt, xúc động cảm ơn chính quyền đã tạo điều kiện cho gia đình được tận tay chăm sóc bé.

Đây cũng là hồi kết đẹp cho hành trình sống sót “kỳ diệu” của cháu bé bị bỏ rơi giữa rừng tràm đã gặp quá nhiều bất hạnh ngay từ khi chào đời. Cứu sống được bé kịp thời đã là điều may mắn. Chỉ có yêu thương, gieo mầm hạnh phúc mới bù đắp được những bất hạnh cho bé sau này.

Đọc thêm