“Hối lộ không làm cho doanh nghiệp tồn tại trong dài hạn”

Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2011 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa công bố cho thấy, DN hối lộ có xác suất bị loại khỏi thị trường cao hơn so với các DN hoạt động chân chính.

Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2011 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa công bố cho thấy, DN hối lộ có xác suất bị loại khỏi thị trường cao hơn so với các DN hoạt động chân chính.

Gánh nặng chi phí không chính thức ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, môi trường kinh doanh dường như đã được cải thiện, mặc dù  một số DN không gặp khó khăn nào. Tiếp cận với tín dụng (theo chủ sở hữu DN) vẫn là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất mặc dù có sự cải tiến giữa năm 2009 và năm 2011. Kết quả điều cho thấy mặc dù các khoản vay không chính thức chỉ chiểm 8- 9% tổng vốn đầu tư nhưng có đến 65% DN có khoản vay không chính thức.

“Điều này một lần nữa khẳng định, thứ nhất nhu cầu tín dụng của các DNNVV vẫn rất cao, thứ hai các rào cản tín dụng đối với DNNVV chưa được cải thiện nhiều, hay nói chính xác hơn, các chính sách hỗ trợ cho DNNNVV vượt qua các rào cản này vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng”- TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển DN (VCCI) bình luận.

Nhưng kết quả điều tra cũng đưa ra con số khá tích cực về DNNVV, đó là số DN có sự chuyển dịch sang khu vực chính thức ngày càng tăng. Hơn 20% số DN không đăng ký chính thức trong năm 2009 đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (và mã số thuế) trong năm 2011.  Điều này theo nhóm nghiên cứu, cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý không có sự khác biệt giữa các DN có đăng ký và các DN phi chính thức đối với tỷ lệ DN sống sót.

Điều thú vị trong kết quả điều tra là mặc dù tỷ lệ DN có các khoản chi phí phi chính thức năm 2011 cao hơn so với năm 2009 và các kết quả cho thấy tính chính thức và tỷ lệ DN cho hối lộ tỷ lệ thuận với nhau nhưng kết quả cuối cùng, số liệu nêu bật lên rằng các DN hối lộ có xác suất thoát khỏi thị trường cao hơn. Một nghiên cứu về “mục đích” của các khoản chi phí phi chính thức là để đối phó với thuế và các cơ quan thuế cũng như tiếp cận các dịch vụ công.

“Điều này đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đến các DNNVV rằng hối lộ không làm cho DN tồn tại trong dài hạn, trái ngược với nhận định chung. Có thể cần phải có một chiến dịch thông tin về các đặc tính tiêu cực nổi bật của chi phí hối lộ để giảm áp lực chi phí chính thức cho cả phần cung và cầu của vấn đề này”- GS John Rand, Trường ĐH Copenhagen, một trong thành viên thực hiện cuộc điều tra này, khuyến nghị.

“Đây là phát hiện hết sức bất ngờ, đó là các DN bỏ ra nhiều chi phí không chính thức (hối lộ) không tạo ra nhiều lao động hơn các DN không đưa hối lộ. Phải chăng hàm ý ở đây là những DN làm ăn không bài bản có vẻ như sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chi phí không chính thức. Ngược lại, các DN làm ăn chân chính cũng vẫn có thể phát triển một cách bình thường. Điều này cũng chứng tỏ môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện trong những năm gần đây”- TS Phạm Thị Thu Hằng bình luận.

Thanh Lan

Đọc thêm