Hội nghị hiến kế phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng qua (22/3), TP HCM tổ chức "Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2030".
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị.

Các dự án hạ tầng đô thị lớn triển khai còn chậm

Tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã đề ra 3 chương trình đột phá xoay quanh đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng và nhân lực, văn hóa. Cùng với đó là chương trình trọng điểm về phát triển DN và khởi nghiệp sáng tạo.

“Chúng tôi mong các nhà đầu tư cùng tham gia nghiên cứu và triển khai các chương trình nêu trên, là “đồng tác giả” cho sự phát triển TP trong thời gian tới”, ông Mãi nói.

Một trong những “chìa khóa” chính để đạt được những định hướng trên, theo nhiều DN, là sự phát triển hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý, giao thông và năng lực logistics.

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch SOVICO kiến nghị đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics. Từ đó, đưa TP thành trung tâm công nghiệp sản xuất phụ trợ, đào tạo về kỹ thuật, công nghệ bao gồm hàng không và công nghệ thông tin.

“Thúc đẩy đầu tư công thì với các dự án thiếu vốn, ngân hàng có thể tài trợ hoặc “vốn bắc cầu”. Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng thêm cơ chế thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách như PPP, BOT”, bà Thảo nói.

Ông Park Hyun Bae, GĐ Cty KCTC Vina cho rằng, TP cần tiếp tục nâng cấp phát triển mở rộng hệ thống cảng Cát Lai, Hiệp Phước. Ông cũng mong sớm ứng dụng hệ thống trao đổi thông tin điện tử có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai quản lý các cảng hiệu quả.

Ông Boris Cohen, Tổng GĐ MSC Việt Nam muốn Cảng Cát Lái và cả cụm cảng số 5 theo quy hoạch trở thành hệ thống cảng biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bởi riêng Cát Lái đã chiếm 60% lượng hàng qua cả nước. DN này còn mong muốn TP chấp thuận cho đầu tư sớm một cảng trung chuyển tại Cần Giờ.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn cũng ngỏ ý xây một trung tâm dịch vụ hậu cần logistics tại TP Thủ Đức. Dự án này đã trình lên UBND Thủ Đức, nằm trong chuỗi kho logisitcs phân bổ cả nước để phục vụ cho hãng hàng không IPP Air Cargo mà ông đang xin cấp phép thành lập.

Năng lực cạnh tranh của TP được đánh giá rất lớn qua năng lực hậu cần, chuỗi cung ứng, tương tự như hệ thống mạch máu trong cơ thể. Bên cạnh các ý kiến xây thêm đường, mở rộng cảng, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng GĐ Gemadept cho rằng cần triển khai nhanh hơn hệ thống cảng ICD đã quy hoạch và đào tạo nhân lực.

"Tôi mong TP tập trung ưu tiên đột phá nguồn nhân lực logistics, vì đang còn thiếu và yếu. Nên quy hoạch phát triển quỹ đất cho trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm logistics hiện đại, các học viện logistics", ông Bình nói.

Chủ tịch TP Phan Văn Mãi xác nhận rằng, TP chưa chú trọng đúng mức phát triển hạ tầng giao thông, vận tải, dịch vụ, các dự án hạ tầng đô thị lớn triển khai còn chậm. Đây là những nội dung mà thành phố mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp thêm.

Riêng nguyện vọng xây cảng trung chuyển của MSC tại Cần Giờ, lãnh đạo TP phản hồi rằng, quy hoạch sau năm 2030 cũng đã có định hướng này nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến về nhu cầu cấp thiết đã nêu do kinh tế biển cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Khi nào xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP?

Nhiều ý kiến cải thiện hạ tầng công nghiệp, hạ tầng số và chính sách cũng được đưa ra nhằm giúp TP HCM phát triển bền vững.

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó Tổng GĐ Kizuna cho rằng nên phát triển thêm các khu nhà xưởng dịch vụ hoặc các cụm mới theo quy hoạch. "Hiện chúng tôi đã đăng ký đầu tư một khu công nghiệp đồng bộ, nếu được chấp thuận, TP sẽ có khu công nghiệp đồng bộ đầu tiên vào 2025", bà Hiếu nói.

Ông Trần Mạnh Hùng, đại diện Cty CP Đầu tư Sài Gòn VRG cho biết sẵn sàng phát triển thêm hạ tầng khu công nghiệp và đang kỳ vọng gỡ được khó khăn cho việc xây dựng nhà ở công nhân. SOVICO và Unicloud muốn tham gia vào tiến trình phát triển nền kinh tế số, triển khai TP thông minh.

Riêng Unicloud và Dragon Capital cho biết sẵn sàng tham gia vào nhiều tiến độ của đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. "Chúng tôi rất mong muốn hỗ trợ kỹ thuật, chi phí để TP có thể nghiên cứu hoàn thiện đề án", ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch Dragon Capital cho biết.

Phía Dragon Capital còn bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng thị trường hàng hóa, bằng cách mang kinh nghiệm của thị trường hàng hoá London về TP. "Chúng tôi sẽ cùng với công ty chứng khoán tiếp tục huy động vốn, với kỳ vọng gấp đôi trong tương lai, để tài trợ các dự án khu công nghiệp, vận tải, thị trường hàng hoá, sẵn sàng tài trợ vốn cho hiệu quả", ông Tân nói.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM hoan nghênh các góp ý của DN, xoay quanh 3 trọng tâm lớn là hệ thống chính sách, quy định; xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội, và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

Ông Nên đề nghị chính quyền và DN đã cam kết đồng hành thì cần tiêu chí quy định trách nhiệm cụ thể mỗi bên. Khi gặp khó khăn, vướng mắc sẽ cùng nhau giải quyết và có cơ chế xử lý nhanh nhất.

"Những khó khăn, vướng mắc tồn tại, cả những khúc mắc còn tồn đọng trong hệ thống chính quyền các cấp, chúng tôi đã và đang tập trung nỗ lực tháo gỡ theo hướng việc gì thuộc thẩm quyền của TP sẽ giải quyết sớm. Việc nào thuộc thẩm quyền của cấp trên thì đã và đang tập hợp để báo cáo", ông Nên nói.

Liên quan lĩnh vực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chiều qua (22/3), tại Quảng Ninh diễn ra Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch "Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn".

Ở phần khai mạc, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL nhắc lại mục tiêu đón hơn 5 triệu khách quốc tế năm 2022; tăng chất lượng sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu, đảm bảo nguồn lực, triển khai đa dạng mô hình, kênh bán hàng; tăng cường kết nối hàng không, khôi phục đường bay quốc tế, đẩy mạnh hợp tác giữa các DN; xúc tiến quảng bá và thu hút du khách, tập trung vào thị trường phục hồi nhanh như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, các nước Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trên hết, cần đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19, thích ứng an toàn, hiệu quả.

Về quy định khôi phục du lịch năm 2022, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: "Mở cửa toàn bộ đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt, áp dụng cho du khách nội địa, quốc tế và người Việt ra nước ngoài".

Cụ thể, Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia; khôi phục các quy định về xuất nhập cảnh. Du khách chỉ cần có kết quả PCR âm tính trong 72 giờ, test nhanh âm tính 24 giờ. Nếu khách nhập cảnh trong thời gian dài, có thể tiến hành test tại cửa khẩu. Dùng ứng dụng PC-COVID suốt thời gian lưu trú; phải tiêm chủng, nếu có triệu chứng nhiễm phải khai báo với cán bộ tại cửa khẩu.

Với trẻ dưới hai tuổi chưa tiêm chủng, chưa nhiễm nCoV, đi cùng gia đình có thể tham gia hoạt động ngoài trời. Khách quốc tế cần mua bảo hiểm du lịch, trong đó chi trả cho COVID-19 với mức 10 ngàn USD. Du khách phải tuân thủ quy định nhập cảnh, y tế của Việt Nam và nước đến. Với khách nội địa, mở cửa hoàn toàn, triển khai các chương trình kích cầu du lịch.

Bà Nguyễn Minh Hằng (Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao), cho biết việc Việt Nam mở cửa du lịch có một số thuận lợi gồm: Xu thế dịch bệnh đã thay đổi, có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, sự cấp tính của bệnh có thể sớm được dỡ bỏ vào quý III, IV năm nay. Chính sách mở cửa du lịch đã được hơn 50 quốc gia áp dụng, đồng thời nhu cầu khám phá, nghỉ dưỡng của công dân toàn cầu có xu hướng tăng.

Đọc thêm